Các nhà khoa học đang nỗ lực tái hiện hình ảnh binh lính cổ xưa về với thực tại…
Các nhà khảo cổ Trung Quốc vừa khai quật thêm được một đội quân gồm 114 tượng binh lính bằng đất sét nung trong một khu lăng mộ của nhà Tần ở thành phố Tây An, Trung Quốc. Tây An – thành phố thuộc tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc – là một trong 4 kinh đô trong lịch sử Trung Hoa. Trên thực tế, nó là nơi đóng đô của 13 triều đại, trong đó có nhà Chu, nhà Tần, nhà Hán và nhà Đường. Hiện tại, các nhà khoa học đang nỗ lực giải mã bí ẩn và tìm kiếm những mảnh vỡ còn sót nhằm khôi phục bức tượng, phục vụ cho việc nghiên cứu.
Khu lăng mộ của Tần Thủy Hoàng, nằm gần thành cổ Tây An, đã trở nên nổi tiếng vào năm 1976 khi người ta phát hiện thấy 8.000 pho tượng chiến binh đất nung nằm canh gác cho khu mộ. Vị hoàng đế này thống trị Trung Quốc vào năm 221-210 TCN và được cho là đã dành nhiều thập kỷ để xây dựng khu lăng mộ khổng lồ dưới mặt đất.
|
Trong mộ của Tần Thủy Hoàng có khoảng 8.000 chiến binh có kích thước như người thật, gồm người bắn cung, lính bộ binh, người điều khiển xe ngựa, chỉ huy và người nhào lộn, cộng với 130 xe ngựa, 520 con ngựa và 150 kỵ binh. Tất cả đều được chôn cất sau khi vua Tần qua để giúp đỡ, bảo vệ cho ông ở thế giới bên kia.
|
Các chuyên gia hy vọng sẽ phát hiện thêm nhiều chiến binh được chạm khắc công phu để bổ sung “bộ sưu tập” 1.000 tượng quân lính đã được tìm thấy trước đó. Đặc biệt, các nhà khảo cổ học mong muốn tìm thêm được nhiều tượng sĩ quan cao cấp bởi phần lớn những bức tượng đã được phát hiện là người bắn cung, người đánh xe ngựa và lính bộ binh, giúp bảo vệ vua Tần ở thế giới bên kia.
|
Theo nghiên cứu, những bức tượng mới được khai quật này được chôn cất cách đây 2.200 năm, có chiều cao khoảng 1,8m đến 2m và nặng khoảng 181kg, tóc đen, mắt có màu nâu hoặc đen. Mặt của các bức tượng được tô màu xanh lục, trắng hoặc hồng.
|
Điểm đặc biệt là các chiến binh này được chạm khắc rất tỉ mỉ và không bức tượng nào giống bức tượng nào. Nhiều người cho rằng, những người thợ tài hoa đã làm nên chúng từ chính hình mẫu ngoài đời thực.
|
Trên đây là hình ảnh một cánh tay của lính bộ binh. Màu sơn trên cánh tay gợi ra cho các nhà khoa học những nghiên cứu mới về màu sắc táo bạo được sử dụng để trang trí trên bộ áo giáp của đội quân xưa.
|
Nhiều tượng bị vỡ thành các mảnh nhỏ, nằm lẫn cùng vũ khí, bình, vại và những đồ vật khác. Các nhà khảo cổ tìm thấy nhiều vết cháy trên đất sét – bằng chứng cho thấy những bức tượng này từng bị hỏa hoạn.
|
Ông Xu Weihong – trưởng nhóm khai quật cho biết, “Rất khó phục hồi các bức tượng binh lính bằng đất sét nung khi chúng đã vỡ thành nhiều mảnh. Chúng tôi phải mất ít nhất 10 ngày để phục hồi một tượng”. Kể từ khi khai quật, các bức tượng phải đối mặt với nhiều nguy cơ từ nấm mốc, độ ẩm, bụi bẩn, khói than từ công nghiệp địa phương. Quá trình bảo dưỡng đặc biệt sẽ được áp dụng để bảo vệ các chi tiết nhỏ của từng bức tượng trước “sự tấn công” của không khí.
|
Trang phục của các binh lính cũng khá chỉn chu. Hầu hết họ mặc chiếc áo dài đến đầu gối, phía bụng có chiếc đai lưng. Tay của những binh lính uốn cong như ở trong tư thế cầm vũ khí, cả cánh tay được phủ một chiếc áo dài, phần bắp tay và vai được trang bị thêm giáp để bảo vệ. Có sự phân chia rõ ràng giữa trang phục của các cấp bậc, vải thường dành cho binh lính, các sĩ quan sẽ được mặc lụa.
|
Ánh mắt tượng giúp các nhà khảo cổ học nhận biết được tướng mạo dữ, hiền của binh lính hay sĩ quan. Nhóm chuyên gia khảo cổ cho rằng, tất cả tượng đất sét nung đều được trang trí bằng những màu sắc sặc sỡ, song màu đã phai dần sau hai thiên niên kỷ.
|
* Tần Thủy Hoàng mất năm 210 TCN ở tuổi 50. Ông là người thành lập đế chế phong kiến tập quyền đầu tiên ở Trung Quốc bằng cách chinh phục các vùng đất, mở mang bờ cõi. Là “nỗi kinh hoàng” trong lịch sử Trung Quốc, Tần Thủy Hoàng đã cho xây dựng một hệ thống đường sá và kênh rạch dọc Vạn Lý trường thành thuở sơ khai. Bên cạnh đó, ông cho thống nhất hệ thống đo lường, hình thành ngôn ngữ viết duy nhất, hệ thống tiền tệ và luật pháp.
(kenh14.vn)