Các nghi thức tín ngưỡng tăng cường khả năng bộ não, ngay cả với những người vô thần
PHILADELPHIA – Các nhà sư Phật giáo và tu sĩ Thiên Chúa giáo tăng cường khả năng cho bộ não của họ thông qua thiền định và cầu nguyện, nhưng ngay cả những người vô thần cũng có thể được hưởng những lợi ích tinh thần mà các tín đồ tôn giáo có được từ đức tin, theo một tác giả thần kinh học nổi tiếng. Vấn đề then chốt mà Andrew Newberg tranh luận trong cuốn sách mới của mình, “Chúa Trời thay đổi bộ não của bạn như thế nào”, nằm ở những tác dụng giúp bình tĩnh và tập trung mà thiền định hoặc tăng cường cầu nguyện tạo ra bên trong đầu não của chúng ta.
Các máy nội soi não bộ cho thấy rằng việc tăng cường thiền định làm thay đổi chất xám của não, củng cố các khu vực tập trung trí óc, và nuôi dưỡng lòng thiện từ trong khi làm trầm tĩnh những vùng có liên hệ với sự sợ hãi hay tức giận.
Dù một người tập thiền tin vào siêu nhiên hay một người vô thần trì tụng một câu chú, ông nói, kết quả có thể như nhau – đó là sự tăng trưởng lòng từ tâm mà hầu hết mọi tôn giáo đều giảng và sự giảm bớt những cảm xúc tiêu cực.
“Về cơ bản, khi bạn nghĩ về những vấn đề thực sự lớn trong đời – dù chúng mang tính tôn giáo, khoa học, hay tâm lý học – bộ não của bạn sẽ phát triển”, Newberg, người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu Tinh thần và Tâm trí thuộc trường Đại học Pennsylvania, nói.
“Không quan trọng bạn là một tín đồ Cơ Đốc giáo hay Do Thái, một tín đồ Hồi giáo hay Ấn Độ giáo, một người theo thuyết bất khả tri hay một người vô thần”, ông viết trong cuốn sách đồng tác giả với Mark Robert Waldman, một nhà trị liệu tại Trung tâm này.
Thần kinh học
Tại văn phòng của mình ở bệnh viện trường Đại học Pennsylvania, Newberg nói với Reuters rằng “thần kinh học” – nghiên cứu vai trò của bộ não trong tín ngưỡng tôn giáo – đang bắt đầu làm sáng tỏ những gì xảy ra trong đầu não của các tín đồ khi họ suy nghĩ về Chúa.
Khoa học và tôn giáo vẫn thường được nhìn nhận là đối lập nhau, tới mức mà một số người ở mỗi bên công khai phản bác bên kia, nhưng bác sĩ y khoa và giáo sư ngành y học phóng xạ, tâm lý học và nghiên cứu tôn giáo này không thấy lý do nào để không nghiên cứu hai vấn đề này cùng nhau.
“Hai lực lượng mạnh nhất trong toàn thể lịch sử loài người là tôn giáo và khoa học”, ông nói. “Đây là hai thứ giúp chúng ta tổ chức và hiểu thế giới. Tại sao lại không cố mang chúng lại với nhau để nghiên cứu từng thứ một và cuối cùng là thế giới của chúng ta một cách hữu hiệu hơn?”
Những người vô thần thường coi những ảnh chụp nội soi theo dõi các dòng máu chảy trong não bộ của các nhà sư đang thiền định và tu sĩ đang cầu nguyện thâm sâu như bằng chứng rằng đức tin chỉ là một ảo giác. Newberg cảnh báo trước những kết luận đơn giản đó: “Nếu bạn xem một ảnh chụp nội soi bộ não của một nữ tu đang cảm nhận được sự hiện diện của Thiên Chúa trong một căn phòng, tất cả những gì nó cho bạn biết là những gì đang xảy ra trong não bộ của bà ấy khi bà cảm nhận được sự hiện diện của Thiên Chúa trong một căn phòng. Nó có thể chỉ là bộ não đang làm việc đó, nhưng nó cũng có thể là bộ não là thứ tiếp nhận các hiện tượng tinh thần đó”, dẫn lời ông Newberg, người có nghiên cứu cho thấy những lời cầu nguyện ngắn mà hầu hết các tín đồ thực hiện chỉ để lại một chút dấu vết trên não bộ bởi vì chúng không mạnh mẽ như thiền định.
“Tôi không muốn nói rằng tôn giáo là xấu hay không thật”, ông nói thêm. “Tôi nói rằng người ta có tín ngưỡng và hãy cố gắng hiểu xem nó đã tác động đến họ như thế nào.”
Không có ‘điểm Thiên Chúa’
Một khái niệm khác mà Newberg vạch trần là ý tưởng rằng có một “điểm Thiên Chúa” duy nhất trong bộ não phụ trách tín ngưỡng tôn giáo: “Không phải là có một ‘điểm tinh thần’ nhỏ sáng lên mỗi khi ai đó nghĩ về Chúa”.
Thay vào đó, những trải nghiệm tôn giáo kích thích các nơ-ron thần kinh tại vài phần khác nhau của bộ não, cũng như các sự kiện khác gây ra. Việc xác định vị trí của chúng không giải thích được chúng, nhưng có thể chỉ đến việc các hiện tượng này xảy ra như thế nào và chúng có thể có ý nghĩa gì.
Trong cuốn sách của mình, Newberg và Waldman phác thảo ra một số “đường Thiên Chúa” trong bộ não và những ảnh hưởng của chúng, đặc biệt là nếu được luyện tập qua thiền định giống như cơ bắp được rèn luyện qua tập thể dục. Thiền định làm kích hoạt thùy trán, nơi “tạo ra và tổng hợp tất cả các ý tưởng của bạn về Chúa”, và xoa dịu hạch hạnh nhân, khu vực cảm xúc mà có thể tạo ra các hình ảnh của một vị thần uy nghiêm và làm mờ đi lối suy nghĩ logic của chúng ta.
Đường đỉnh – trước cho chúng ta cảm giác về không gian xung quanh và vị trí của chúng ta trong đó. Thiền định loại bỏ cảm giác này, tạo ra một cảm giác thanh thản của sự hợp nhất với Chúa Trời hay với thế giới.
“Thậm chí 10 đến 15 phút thiền định dường như cũng có tác dụng tích cực đáng kể lên nhận thức, thư giãn và sức khỏe tâm lý”, các tác giả tuyên bố trong cuốn sách.
Newberg, người đã lớn lên trong một gia đình Do Thái Cải cách và đã nghiên cứu nhiều tôn giáo, nói rằng công việc của ông có thể giúp cả những tín đồ và những người vô thần hiểu về những cảm giác tôn giáo, mà ông nói là “nằm trong số những trải nghiệm phức tạp và mạnh mẽ nhất người ta có được”.
Nhưng ông cũng cảnh báo về việc trông đợi “thần kinh học” sẽ sớm đưa ra những hiểu biết đáng ngạc nhiên: “Dù kỹ thuật của chúng ta có tốt như thế này, chúng vẫn chỉ hết sức thô sơ. Chúng ta còn cả một chặng đường dài để đi”.
(Theo Reuters/Epoch Times)