Tôi đã học cùng con nhà giàu như thế nào
Năm 16 tuổi lần đầu tiên đi du học, từ thành phố biển Quy Nhơn đến thành phố biển Singapore, mình mới hiểu được khoảng cách giàu nghèo.
Mình may mắn được học Raffles Institution với nhiều cậu bé con nhà giàu và quyền lực ở Singapore. Nhưng vì được trường cung cấp đầy đủ chỗ ăn, chỗ ngủ, chỗ học nên mình tự thấy chẳng có gì thua thiệt so với những học sinh khác.
Đôi khi thấy các bạn cùng ký túc xá toàn đi ăn nhà hàng ở ngoài, hằng năm bay về thăm nhà vài lần, tay cầm điện thoại di động máy tính xách tay, mình cũng thấy tủi thân lắm.
Mình hằng ngày vẫn cố nuốt trôi đồ ăn của ký túc xá, mỗi năm về thăm nhà một lần là coi như hết tiền học bổng, ở Singapore 2 năm mới dám mua 1 cái điện thoại di động rẻ tiền nhất. Máy tính xách tay chỉ là ước mơ viển vông.
Đội hợp xướng mình tham gia có những chuyến đi lưu diễn ở Châu Âu mà mình đâu có dám đăng ký vì phải tự bỏ tiền túi ra. Mình chỉ dám mua 1 cái máy thu âm $60 để trốn trong nhà vệ sinh hát cho thỏa niềm đam mê.
Năm thứ 3 ở Singapore sau khi mua vé về Việt Nam mình không còn đồng nào trong tài khoản để đăng ký thi SAT.
Tình cờ phát hiện thằng bạn người Indo vẫn còn $3,000 trong tài khoản, mình đã khóc thầm suốt 1 tuần. Vì sao bố mẹ của nó cho nó nhiều tiền thế, còn mình thì nếu không đóng đủ phí thi SAT thì sẽ từ bỏ ước mơ du học Đại Học Mỹ?
Một hôm, mình đến gặp thầy tư vấn của trường hỏi là mình có khả năng đi du học ĐH Mỹ không.
“Ba mẹ bạn đóng 1 năm được bao nhiêu?”
“Dạ chắc vài trăm đô thôi”.
“Thôi bạn về đi. Khi nào có Huy Chương Vàng hay gì đó thì quay lại”.
Tủi thân. Mình cũng từng trải, trầm cảm thì không.
Mình mượn tiền thằng bạn Indo thi SAT và không lâu sau, quay lại gặp thầy với 1 Huy Chương Vàng và thành tích học tập chỉ có chữ A. Thầy giúp mình đạt học bổng toàn phần của Williams College.
Ở Williams có nhiều con nhà giàu. Có những sinh viên sẽ không chơi với mình.
Năm đầu đại học mình phải đeo tạp dề và rửa chén ở nhà ăn. Mỗi lần ở phía sau tấm rèm, nghe họ nói cười ăn uống bên ngoài cũng tủi thân ghê lắm. Những kỳ nghỉ, giữa trời tuyết trắng xóa mình lủi thủi đi bộ một mình mua đồ ăn về tự nấu; trong khi đó mình biết ở rất xa thung lũng khỉ ho cò gáy này, những bạn khác đang ngồi sưởi ấm vui thú cùng bữa ăn gia đình.
Nhưng mình không có nghĩ mình là người đặc biệt đòi hỏi mọi người phải quan tâm. Xung quanh có đầy người đặc biệt hơn mình. Mình không ngồi chờ bất cứ ai ở trường tìm đến hỏi han mình cả. Trường đã cung cấp đầy đủ chỗ ăn, chỗ ngủ, chỗ học thì mình phải tận dụng để phát huy. Hai năm sau, mình không đứng rửa chén nữa, mà làm trợ giảng đứng giảng bài cho 1 lớp toàn các bạn người Mỹ.
10 năm sau, mình đang ở Harvard. Hằng ngày đi ngang qua Harvard Square thấy người ta ăn uống cười đùa cũng muốn tham gia, nhưng một bữa ăn ở quán bằng mình tự nấu 5 bữa.
Cũng có người không chơi với mình. Nhưng còn cả tấn việc khác để làm ở ngôi trường già nhất của Mỹ này, đâu nhất thiết cứ phải đi hòa nhập với họ?
Họ cứ vào lớp học chung đi, xem có dám xem thường mình không?
Theo bức thư của Hoài Chung sinh viên ĐH Harvard