Sự thật tàn nhẫn đằng sau sự lãng mạn của những cánh hồng
Les roses d’ Héliogabale, tức những cánh hồng của Hoàng đế Heliogabalus, một tác phẩm tranh theo phong cách cổ điển của tác giả Lawrence Alma-Tadema, với màu sắc cân đối hài hòa, miêu tả một khung cảnh vô cùng lãng mạn, nhưng ẩn chứa sâu trong đó là một sự thật trần trụi về cái chết và sự u mê.
Trong cung điện cổ tráng lệ và nguy nga, một bữa yến tiệc như mộng ảo đang diễn ra. Nam thanh nữ tú mải miết chơi đùa với những cánh hồng rơi như tuyết phủ đầy cả một mảng tranh. Hoàng đế La Mã trẻ tuổi Heliogabalus, người mặc trường bào màu vàng, nằm sấp trên ghế dài trong cung điện, nhàn nhã và thản nhiên nhìn xuống các vị khách mời của mình, cảm giác thỏa thích, khoái trá… Cánh hoa không ngừng rơi xuống từ bầu trời vô định. Nhóm nam nữ thanh xuân này bị sắc thái rực rỡ, hương hoa nồng đượm hòa quyện cùng cảm xúc vây quanh, mà quên đi chính mình…
Tuy nhiên, cảnh tượng này có thật sự lãng mạn thú vị đến như vậy không?
Câu chuyện thật liên quan đến bức tranh này rất đáng để chúng ta nghiên cứu.
Theo ghi chép trong cuốn “Lịch sử Augustus”, các tác giả ẩn danh miêu tả như sau: “Hoàng đế để cánh hoa rơi, rải rắc mải miết như thế, cho đến khi rất nhiều người chìm ngập vào trong đó, không cách nào ló mặt ra để hít thở, cuối cùng dẫn tới tử vong”. Hoàng đế tàn nhẫn lại lấy thế làm vui…
Heliogabalus là hoàng đế đế quốc La Mã, trị vì từ năm 218 đến năm 222.
Các tác giả kể rằng từ khi Đế quốc La Mã được thành lập, vị hoàng đế đầu tiên xuất thân từ phương Đông (Syria) tên là Augustus. Về sau Caracalla (Caracalla là Hoàng đế La Mã gốc Berber từ năm 198 đến 217) bị ám sát, quân đoàn phương Đông ủng hộ lập Macrinus (Hoàng đế La Mã từ năm 217 đến 218) có cùng huyết thống lên kế vị. Năm 218, sau khi chiến thắng Macrinus ở Nỗ Tư, Heliogabalus trở thành hoàng đế La Mã.
Sau khi lên ngôi vua, hoàng đế trẻ tuổi đem bầu không khí cung đình ở đế quốc phương Đông xa hoa, lãng phí, hoang dâm vào La Mã. Vị Hoàng đế này vô tâm trị quốc, lại bị người em họ Alexander Severus ghen ghét, khiến nhân dân vô cùng bất mãn. Năm 222, ông bị ám sát.
Bức tranh với cảnh tượng quá ư lãng mạn và tươi đẹp nhưng lại ẩn chứa trong đó nội hàm tàn nhẫn và biến dị, tạo thành sự đối lập gai góc giữa thực tế và vẻ hào nhoáng bên ngoài. Cuối Thế kỷ XIX, rất nhiều tác phẩm thuộc phái nghệ thuật rất tôn trọng phép tắc và thẩm mỹ, nhưng lại thường xuyên mang theo chút ý tứ hàm chứa sự chán chường hoặc bi quan.
Hoạ sĩ Lawrence Alma-Tadema người Anh trong tác phẩm này cũng không ngoại lệ. Tadema am hiểu lịch sử cổ đại nên tái hiện rất thật, mỗi vật phẩm trong tác phẩm của ông đều là hình tượng tham khảo văn vật thời kì La mã cổ. Hơn nữa, ông còn vô cùng tỉ mỉ miêu tả từng chi tiết vật lẫn người. Trình độ nghệ thuật đương thời của ông đã đạt được thành công rất lớn, mang lại cho ông danh tiếng và vô số tiền tài. Vì vậy Tadema hoàn toàn không cần chiều theo khách hàng mà tự do sáng tác nội dung biểu đạt ý nghĩ chính mình, bức họa này chính là một ví dụ.
Bản thân Tadema vô cùng coi trọng chủ đề này, ông thậm chí đem chính mình vẽ thành một khách được mời (hình ảnh bên phải lấy người áo lục), ánh mắt nhìn thẳng hoàng đế, dường như cố gắng giữ vững sự thanh tỉnh cùng cảnh giác, có chút ý vị rằng: “Mọi người đều say mình ta tỉnh”. Đồng thời ông còn đặt ánh mắt người này vượt tầm với của đám hoa đang ngày càng dâng cao, như một lời nhắc nhở kêu gọi sự cảnh giác gửi đến bất kì ai có thể rơi vào trạng thái và cảnh giới này. Lời nhắc rằng sự say mê hưởng thụ lạc thú, đắm chìm vào cảnh đẹp cùng niềm vui thích trước mắt, có thể lấy đi sinh mạng của chúng ta, một cái chết êm ái và vô cùng tàn nhẫn.
Hoàng Sâm, theo epochtimes.com