Cha cậu bé dạt vào bờ biển là kẻ buôn người?
Nhiều người tị nạn Iraq sống sót trong vụ chìm thuyền chở cậu bé Syria dạt vào bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ đã cáo buộc cha của em thực chất là một thành viên trong nhóm buôn người gây ra thảm kịch này.
Những người Iraq sống sót trong vụ chìm thuyền trên biển Aegean tuần trước kể với Reuters rằng, ông Abdullah Kurdi chịu trách nhiệm về chuyến di cư bất hợp pháp này và đã van xin họ che giấu mọi chuyện.
“Câu chuyện mà cha của Aylan kể là sai sự thật. Tôi không biết điều gì khiến ông ta phải nói dối, có thể là do sợ hãi“, Ahmed Hadi Jawwad, người mất con gái 11 tuổi và con trai 9 tuổi trong vụ tai nạn nói. “Ông ta là người lái từ lúc bắt đầu hành trình cho đến khi con thuyền bị chìm“.
Jawwad nhấn mạnh rằng, Abdullah “đã tổ chức chuyến đi” và vợ của ông cũng xác nhận thông tin này.
Vợ và hai con trai của ông Abdullah là Aylan, 3 tuổi, và Galip, 5 tuổi, nằm trong số 12 người thiệt mạng hôm 1/9, khi đang cố vượt biển đến châu Âu. Sau khi hình ảnh bé Aylan bị chết đuối và trôi dạt vào bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ lan truyền trên mạng, dư luận cả thế giới rất xúc động trước hoàn cảnh bi đát của gia đình ông Abdullah.
Ông kể rằng mình đã từ Istanbul trở về thị trấn quê nhà Kobani để đưa vợ con sang châu Âu nhằm chạy trốn nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (ISIS) tự xưng. Khi thuyền trưởng bỏ chạy khỏi con thuyền cao su đang bị chìm, ông đã phải giữ bánh lái để tiếp tục hành trình đến đảo Kos của Hy Lạp.
“Chúng tôi đã cố gắng điều khiển con thuyền nhưng nó bị xì hơi quá nhanh. Mọi người la hét. Tôi không thể nghe thấy tiếng của vợ con mình”, ông kể lại và nói thêm rằng, ông đã bơi vào bãi biển nhưng không tìm thấy vợ con đâu, họ “đã vuột” khỏi tay ông.
Người đầu tiên cáo buộc Abdullah buôn người là bà Zainab Abbas, một người tị nạn Iraq và là mẹ của một bé gái 12 tuổi cùng một bé trai 8 tuổi đã thiệt mạng trong vụ tai nạn. Trong cuộc phỏng vấn với Channel 10, cô kể rằng Abdullah đã yêu cầu cô “không được tố cáo” ông.
“Vâng, chính Abdullah Kurdi đã lái con thuyền“, Abbas nói. “Tôi mất con cũng như mất đi cuộc sống của mình, làm sao ông ta có thể nói dối với báo chí như thế? Ông ta bảo rằng ‘xin đừng tố cáo tôi’. Chuyện đó đã chìm xuống biển rồi“.
Abbas kể rằng, cô đã phải bán toàn bộ tài sản của gia đình để có được 10.000 USD phí hành trình đưa cho Abdullah. Cô nói con thuyền bị quá tải và không có đủ áo phao. Abbas tiết lộ, chồng cô đã yêu cầu Abdullah đi chậm lại nhưng ông làm ngơ.
Một người Iraq khác tên Amir Haider, 22 tuổi, cũng xác nhận câu chuyện trên và cho biết, ban đầu anh nghĩ rằng ông Abdullah là người Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuy nhiên, người đàn ông mất vợ và hai con phủ nhận tất cả cáo buộc.
“Nếu tôi là một kẻ buôn người, tại sao tôi lại đưa gia đình mình lên chung thuyền với những người khác như thế? Tôi cũng phải trả số tiền tương đương cho những kẻ buôn người“, ông nói.
Khi Abdullah trở về Kobani để lo liệu hậu sự cho vợ con, Abbas cung chồng và đứa con thứ ba của họ cũng quay lại Iraq. Họ yêu cầu chính phủ đưa mình vào danh sách 12.000 người tị nạn mà Australia cam kết tiếp nhận.
Theo VnExpress