Chứng khoán Trung Quốc chỉ định ‘vật tế thần’
Truyền hình Trung Quốc liên tục phát đi hình ảnh phóng viên điều tra Vương Tiểu Lỗ (Wang Xiaolu) của tờ Tài Kinh, hôm 30/8 đã thú nhận sai lầm khi “đăng bài viết gây tác hại nghiêm trọng đến thị trường chứng khoán vào thời điểm nhạy cảm”.
Trong một đoạn ghi hình phát sóng trên kênh truyền hình CCTV của nhà nước Trung Quốc, một người đàn ông tự xưng là nhà báo Wang Xiaolu với vẻ mặt hiện rõ nét mệt mỏi nói trước ống kính máy quay rằng: “Trong thời gian nhạy cảm này, tôi không nên đưa ra một bài viết có ảnh hưởng tiêu cực như vậy”. Anh này cho biết anh lấy được thông tin về cơ quan quản lý chứng khoán Trung Quốc thông qua các kênh cá nhân và sau đó thêm “đánh giá chủ quan của mình” vào bài viết.
Ngày 20/7 trên tạp chí Caijing, Wang là tác giả của một bài viết có nội dung rằng Ủy ban Quản lý Chứng khoán Trung Quốc (CSRC) đang cân nhắc xem có nên ngừng can thiệp làm bình ổn giá cổ phiếu hay không. CSRC ngay lập tức nhảy vào phủ nhận thông tin này và chỉ trích rằng bài viết là “vô trách nhiệm”.
Theo Le Figaro, Vương Tiểu Lỗ đã bị chế độ đem ra làm “bia đỡ đạn” nhằm làm hạ nhiệt cơn phẫn nộ của những người chơi chứng khoán, bị mất tiền do những biến động giao dịch gần đây trên các sàn chứng khoán Thượng Hải và Thẩm Quyến.
Tội của anh này là: Nổi tiếng có nhiều bài viết điều tra chất lượng, đã dám viết rằng các nhà quản lý đang chuẩn bị một kế hoạch để thoát tình trạng giá chứng khoán liên tục sụt giảm hồi tháng 7/2015 vừa qua. Vào lúc đó, chính quyền Bắc Kinh đang khởi động một chiến dịch ồ ạt mua lại cổ phiếu.
Tổ chức phóng viên không biên giới đã lên án việc nhà cầm quyền Bắc Kinh bắt giam anh Wang và yêu cầu thả nhà báo này. Tổng thư ký của tổ chức này đã đăng một thông báo trên trang web của họ, trong đó viết: “Việc đổ trách nhiệm gây nên khủng hoảng thị trường chứng khoán cho một nhà báo thì thật là vô lý”.
Trong cuộc săn trừ “tà ma” này, ngoài Vương Tiểu Lỗ, giám đốc công ty môi giới Citic Securities và ba nhân viên bị bắt vì tội tiết lộ thông tin. Một đại diện của Ủy ban chứng khoán Trung Quốc cũng bị bắt với tội danh tham nhũng.
Vị đại diện này bị cáo buộc nhận hối lộ, giả mạo chứng từ và lợi dụng thông tin mật để “trục lợi” bất chính. Song song đó, 197 người khác cũng đã “bị trừng phạt vì đã tung tin đồn nhảm trên mạng” liên quan đến vụ khủng hoảng tiền tệ cũng như vụ nổ kho hóa chất ở Thiên Tân. Những lời “thú nhận công khai” trên truyền hình là một kỹ thuật thường có tại “Trung Quốc đỏ”, nhằm “bôi tro trác trấu” những ai dám phá vỡ “sự hài hòa xã hội”.
Nỗi lo âu của chính quyền
Tờ Le Figaro nhận định rằng việc dựa vào những kiểu phương pháp này cho thấy nỗi lo âu của chế độ trước sự bất ổn của thị trường chứng khoán. Chỉ trong vòng có hai tháng, giá cổ phiếu tại Trung Quốc bị mất đến 40% giá trị, gây bất an cho hàng triệu hộ gia đình. Đó cũng là những dấu hiệu cho thấy chính quyền đang cố tìm cách dập lửa, trong khi Bắc Kinh đang vật vã lấy lại niềm tin của các nhà đầu tư và bình ổn giá cổ phiếu, đã bị mất thêm 8% trong tuần rồi.
Một cách để đánh lạc hướng các luồng chỉ trích đang nhắm vào chính phủ đã không khôn khéo trong việc xử lý khủng hoảng. Do bởi trong 6 tháng đầu năm, chính quyền đã khuyến khích người dân mua ồ ạt các cổ phiếu thông qua các cơ chế tín dụng ưu đãi và bằng những bài viết gây phấn khích trên truyền thông chính thống. Lượng các nhà đầu tư nhỏ đã tăng lên đến con số kỷ lục 90 triệu người. Bị cuốn hút theo trào lưu thịnh vượng đó, Ủy ban chứng khoán Trung Quốc đã không đưa ra các dự báo sụt giá, sau khi cổ phiếu đã tăng lên đến đỉnh điểm 150% cho giai đoạn 1 năm.
Vào tháng 6/2015, đối mặt với hiện tượng giá cổ phiếu tụt mạnh, phản ứng của chính quyền trung ương chỉ làm trầm trọng thêm vấn đề. Các chính sách can thiệp ồ ạt của Bắc Kinh đã biến các sàn chứng khoán thành một thế giới ảo. Các nhà đầu tư luôn trông ngóng vào sự hỗ trợ của chính phủ và luôn tỏ ra hốt hoảng mỗi khi chỉ số mất một điểm. “Những người chơi chứng khoán Trung Quốc rất vô kỷ luật và chỉ bám vào sự can thiệp của Nhà nước. Ngay khi có dấu hiệu sụt điểm là họ bán ngay lập tức”, ông Xiao Lei, một chuyên gia tại China Securities Journal nhận xét.
Người chơi chứng khoán ở Trung Quốc rất nghiệp dư. Thay vì phải tìm hiểu các thông tin về tình hình hoạt động của doanh nghiệp, những người này chỉ dựa vào những luồng thông tin thân cận. Đúng là một sòng bạc khổng lồ mà ở đó giờ không có gì hoạt động tốt cả.
Theo vi.rfi.fr