Lang thang đêm Hội An
(iHay) Ngày xưa, tao nhân mặc khách hay chơi giữa mùa trăng để tìm cảm hứng cho thơ ca nhạc họa. Đối tượng của họ là trăng trên đồi, trăng trên sông, trăng trên đồng, trăng trên biển… Tôi cũng vừa chơi giữa mùa trăng nhưng trăng của tôi là trăng trên phố cổ Hội An. Từ những mái hiên rêu phong màu năm tháng, trăng dào dạt tan chảy trong hồn phố, hồn người.
Dù chưa phải là rằm nhưng những người chơi trăng dường như cũng cảm nhận được vẻ đẹp của “yến tiệc sáng trên trời”. Phố không đèn điện đã trả lại cho chị Hằng vẻ đẹp muôn đời: Chơi vơi, bàng bạc, loang loáng ánh sáng hoan lạc trên cao. Phố cổ lung linh bởi hàng nghìn đèn lồng nhiều màu rực rỡ giăng mắc dưới những hàng hiên và mái ngói rêu phong. Một bữa tiệc ánh sáng đèn lồng trải ra trước thềm trăng, phố trăng, hiên trăng lung linh nhỏ những giọt trăng. Hàng nghìn đèn lồng giăng mắc dọc những con phổ cổ cho tôi cảm giác như mình đang đi trong festival ánh sáng. Ánh sáng tim tím mơ màng. Ánh sáng vàng vàng dìu dịu. Ánh sáng xanh non như màu trăng mới rựng. Ánh sáng hồng hồng hạnh phúc như màu má của cô gái tuổi trăng tròn. Trên Chùa Cầu cổ kính nhìn ra sông Hoài là một “dòng sông” khác – sông của hàng nghìn ngọn nến lập lòe, chở tràn trề ánh trăng trên không trung chảy vào đêm Hội An đẹp như huyền thoại.
Không một tiếng xe máy. Không một lời nói to. Không ăn xin. Không cướp giật. Không dàn cảnh lừa đảo. Không sex… Phố mà không nhốn nháo, thị mà không xô bồ, không ồn ào có lẽ chỉ duy nhất Hội An. Hàng nghìn người đi dạo phố mà chân bước nhẹ nhàng, tuồng như sợ làm đau đá sỏi, tuồng như sợ làm đứt sợi tơ trăng.
Lang thang trong đêm Hội An, du khách “đi nhẹ, nói khẽ” như thế này có phải là thói quen của họ? Tôi nghĩ chắc là không. Có lẽ hồn cốt nghìn xưa, phong cách khoan thai và nền nã của dân đô thị cổ đã “cảm hóa” những con người sống gấp của xã hội hiện đại, khiến họ trở nên hiền hòa hơn chăng?
Phố cũng nhộn nhịp, cũng bán mua đông đúc, cũng mặc cả, cũng chọn lựa hàng hóa rồi nâng lên để xuống nhưng tất cả đều diễn ra trong tĩnh lặng nhu hòa. Một cặp vợ chồng người Hà Nội sau một hồi “xào xáo” gian hàng quà lưu niệm nhưng không mua, chủ hàng vẫn mỉm cười, nói dạ, không có chi. Họ quay ra. Người vợ nói nhỏ với chồng: Anh ơi, ở ngoài mình thế này là bị ăn chửi đấy. Đi được một đoạn, nghĩ sao, họ quay lại mua luôn ba bốn món. Chắc là do “hiệu ứng” của nụ cười thân thiện và mấy tiếng “dạ không có chi” nhẹ nhàng và lịch thiệp của người Hội An.
Trên những con phố cổ về khuya, ánh sáng dìu dịu của trăng mười bốn dát mỏng trên những đèn lồng, làm nên thứ ánh sáng huyền ảo. Đó đây những cụ già khoan thai vuốt râu cắm, say sưa với bàn cờ tướng đặt trên vỉa hè. Thỉnh thoảng tôi gặp những anh chàng thanh niên chơi ghi ta bập bùng dưới mái phố cho cô bạn gái cất tiếng hát thanh tao. Tình cờ tôi nghe “Nguyệt ca” giữa Hội An, thấy lời ca thấm đẫm triết lý nhân sinh kia như được nhạc sĩ họ Trịnh viết riêng cho phố cổ. Những hình ảnh ấy đã thêm vào Hội An chất thanh thoát, thong dong. Một Hội An tài tử và một Hội An nghệ sĩ chầm chậm phơi bày. Lại nhớ nhạc sĩ La Hối. Người đã ôm đàn dặt dìu cùng ca khúc “Xuân và tuổi trẻ” nổi tiếng trên con đường nào của Hội An xưa? Và Văn Cao nữa. Nợ duyên nào đã khiến người nhạc sĩ tài hoa này đã nói với Hội An: “Tôi vẫn hẹn hò một bài hát cũ”.
Đêm phố cổ miên man cùng trăng trôi chầm chậm. Ánh trăng lùa vào các con hẻm. Mỗi con hẻm cưu mang những đời người quang gánh, những đời người chưa no đủ nhưng luôn thường trực một nét mặt bình thản đến lạ lùng. Cùng với tiếng rao đêm lanh lảnh, những người bán hàng rong có biết rằng họ đang gánh ánh trăng thanh bình, gánh luôn hồn vía ẩm thực Hội An đi vào lòng thế giới không?
Trong một góc phố lòa xòa những chùm hoa muồng vàng, mấy du khách Tây đang tha thẩn ngắm những bức tường “cao tuổi”. Họ đang chiêm ngưỡng thời gian. Tôi nghĩ vậy bởi tôi cũng đang cảm nhận những trăm năm đang thầm thào trong kẽ hở của từng viên gạch rong rêu. Dòng đời đang chảy lao xao mà chậm rãi trên những bức tường trầm mặc và cổ kính.
Lang thang trong đêm Hội An, tôi thầm cám ơn phố cổ đã cho tôi cảm giác về nguồn; cho tôi biết yêu, biết trân trọng, biết nâng niu, biết gìn giữ những giá trị đích thực của hồn phố, hồn người trăm năm cũ. Tạm biệt “Phố xưa” trong muôn nỗi bồi hồi, tôi bất giác thì thầm câu hát với tiết tấu đều đều chầm chậm: “Anh còn nợ em một vần thơ tình. Để trăng lưu luyến trên dòng sông Thu*”.
Trần Cao Duyên |
Theo Thanh Niên – iHay