“Nhà ma” 300 Kim Mã: “Xương cốt thì nhiễm từ sao được mà đo?”
Một bậc thầy ở ngành vật lý cho rằng, không thể dựa vào chiếc máy đo tia đất để kết luận về khu “nhà ma” 300 Kim Mã (Hà Nội), do hài cốt không thể bị… nhiễm từ.
“Nhà ma” 300 Kim Mã: “Xương cốt thì nhiễm từ sao được mà đo?” LTS: Nhiều năm qua, đã có không ít phóng viên chắp bút viết về ngôi nhà số 300 Kim Mã (Hà Nội). Thế nhưng, tại sao những đồn đoán ma mị bấy lâu nay vẫn chưa dừng lại? Cahúng tôi và nhóm cộng sự đã cất công lưu lại nhiều đêm ở ngôi nhà này, để đi đến tận cùng của sự thật và chuyển đến độc giả câu trả lời cuối cùng. Kỳ 1: Bên trong “nhà ma” 300 Kim Mã có gì? Mới đây, để tìm câu trả lời cho sự bí ẩn của “căn nhà ma” số 300 Kim Mã, nhóm phóng viên của chúng tôi đã tìm đến trụ sở của Công ty Nghiên cứu tia đất bảo vệ sức khỏe, ở địa chỉ số 1 đường Ven Hồ (Hà Nội). Khi đó, TS Vật lý Vũ Văn Bằng (Phó Giám đốc công ty) đã giới thiệu với chúng tôi chiếc máy đo tia đất, hoạt động trên nguyên tắc nhiễm từ, có thể đo đếm được đặc tính của đất, mạch nước ngầm, thậm chí còn nhận biết được sự tồn tại của hài cốt, mồ mả… Với thiết bị này, ông Bằng khẳng định: “Tất cả đều là từ trường! Nhìn thấy ma hay cảm nhận thấy ma đều là do từ trường tác động vào cơ thể. Không có gì khác cả. Ma quỷ chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng!”. “Xương cốt thì nhiễm từ cái gì?” Để rộng đường dư luận, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với một số nhà khoa học ở lĩnh vực này. TS Vũ Bằng và chiếc máy đo tia đất của mình (trái). Ảnh: LN Trao đổi với phóng viên, PGS. TS Lê Viết Hòa, giảng viên Khoa Vật lý – Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho hay, ông không tin vào những chuyện ma mị người ta thêu dệt về khu nhà ở 300 Kim Mã và lại càng không tin chiếc máy của ông Bằng có thể phát hiện ra hài cốt, mồ mả. “Tôi chưa từng nghe thấy cái tên “máy đo tia đất” bao giờ. Tôi thấy lạ lắm! Tôi cũng chẳng thấy nhà vật lý nào đi làm chuyện đó cả. Ở ngành vật lý, sau gần 60 năm công tác, tôi cũng biết nhiều người, nhưng tôi chưa nghe thấy cái tên Vũ Văn Bằng bao giờ. Ông ấy là tiến sĩ Vật lý ở đâu? Thuộc cơ quan nào? Nếu máy hoạt động trên nguyên tắc nhiễm từ thì xin thưa rằng, phải là kim loại mới bị từ hóa chứ xương cốt nhiễm từ sao được mà đo?!“, vị này nói. Theo PGS. TS Lê Viết Hòa, chỉ có các loại máy dùng tia phóng xạ hoặc tia Rơnghen (hay còn gọi là tia X-quang) mới có thể nhìn xuyên thấu được mọi thứ. Đó là các loại tia người ta thường sử dụng để nhìn xuyên cơ thể, phát hiện những vùng bị tổn thương, xương gãy… , hoặc dùng để xác định độ tuổi của hài cốt dựa vào độ phóng xạ. “Ngay cả các loại máy chiếu tia đó cũng không thể chiếu xuống đất mà phát hiện được hài cốt, mồ mả do chúng hoạt động trên nguyên tắc phải có một máy chiếu, một đầu thu kết quả tia đó chiếu xuyên qua. Nếu chỉ chiếu xuyên xuống lòng đất thì máy phản xạ làm sao được?”, PGS. TS Lê Viết Hòa cho biết thêm. Trong khi đó, GS. TS Phạm Hùng Việt (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Công nghệ Môi trường – Phát triển Bền vững, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên – ĐHQGHN) cho hay, ông cũng chưa từng nghe nói tới loại máy nào có cái tên lạ thế! “Phải tận mắt thấy loại máy đó, tôi mới có thể phân tích tường tận tác dụng của nó được”, GS. TS Phạm Hùng Việt nhấn mạnh. Đừng có là thầy bói xem voi Trước đó, trao đổi với chúng tôi, ông Bằng cho rằng, dưới khu nhà là nghĩa địa. Về vấn đề này, GS Hà Đình Đức… nhà rùa học – PGS. TS Hà Đình Đức cho biết: “Tôi nghe các cụ kể lại trước đây khu đất đó là khu nghĩa địa. Sau khi người ta giải phóng mặt bằng, mở đường, nơi đây trở thành đại sứ quán Bulgaria. Nhưng đó là câu chuyện của vài chục năm trước. Gần đây, tôi cũng nghe người ta đồn đoán có ma quỷ. Thực hư chuyện này ra sao tôi không biết, nhưng rõ ràng, khu đất đó rất đẹp mà không ai sử dụng vào việc gì cả khiến những lời đồn đoán càng thêm kỳ bí”. Một số bạn trẻ tò mò vượt rào vào “nhà ma” 300 Kim Mã. Ảnh: Thế Long PGS. TS Hà Đình Đức nhớ lại, trong một chuyến công tác cách đây mười mấy năm, có một vị phó giáo sư dạy địa ở Trường Đại học Sư phạm Hà Nội trong đoàn kể: “Khu đất đó “dữ” quá nên người ta bỏ không dùng”. Trước nhiều lời đồn thổi chưa có lời giải đáp, gần đây, một số bạn trẻ đã rủ nhau “đột nhập” để khám phá khu nhà huyền bí này. Không đồng tình với hành động trên, PGS. TS Hà Đình Đức nhận định, việc nhiều bạn trẻ tò mò về khu nhà này tôi cho là chuyện không hay. Nếu là người bản lĩnh và thật sự muốn khám phá, hãy tổ chức một nhóm vào đó ăn ngủ một vài ngày xem thế nào chứ cứ kéo cả đám vào nghịch ngợm một tý rồi đi ra là không nên. “Cũng đừng nên ngồi một chỗ suy diễn này kia vì như thế chẳng khác nào thầy bói xem voi cả. Sử dụng khu đất đó như thế nào là việc của giới chức Hà Nội, các nhà quy hoạch, kiến trúc chứ không phải việc để ai cũng có thể đem ra bàn cãi”, ông nhấn mạnh. theo Đại Lộ |
Theo Soha