Ngoại trưởng Kerry ca ngợi hòa giải Mỹ-Việt và kêu gọi cải thiện nhân quyền
Sáng Thứ Sáu (7/8), tiếp kiến Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang, Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry nhấn mạnh đến mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước cựu thù nay đã trở thành những đối tác đáng tin cậy lẫn nhau. Theo ông Kerry, cải thiện nhân quyền là một điều kiện cần thiết để bang giao song phương tiến xa hơn nữa.
Trong tư cách Ngoại trưởng Hoa Kỳ, đây là lần thứ hai ông John Kerry đến Việt Nam. Lần trước là vào tháng 12/2013, ông tham quan vùng đồng bằng sông Cửu Long để thảo luận về biến đổi khí hậu.
Lần này, Ngoại trưởng Mỹ đến Việt Nam nhân kỷ niệm 20 năm Washington và Hà Nội thiết lập quan hệ Ngoại giao. Hội kiến Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang, ông John Kerry tuyên bố: Chuyến công du Việt Nam của ông lần này là biểu tượng của sự hòa giải giữa “những quốc gia từng đương đầu nhau trong chiến tranh nhưng họ đã tìm ra đồng thuận để xây dựng một mối bang giao mới”. Vẫn theo ông Kerry, Mỹ và Việt Nam “đã chứng minh rằng những nước cựu thù có thể trở thành những đối tác của nhau cho dù chúng ta đang sống trong một thế giới phức tạp”.
AFP nhắc lại chiến tranh giữa Việt Nam với Hoa Kỳ kết thúc năm 1975 gây thiệt hại nhân mạng cho hàng triệu người Việt Nam và hàng chục ngàn lính Mỹ. Đây cũng là một cuộc chiến để lại nhiều vết hằn nhất cho cả hai dân tộc.
Ngoại trưởng Kerry có mối quan hệ đặc biệt với Việt Nam. Ông từng tham chiến tại Việt Nam trong thời gian từ năm 1967 đến năm 1970 và cũng là một trong những chính khách Hoa Kỳ năng động nhất trong tiến trình bình thường hóa quan hệ song phương. Từ những năm 1980 với tư cách là Thượng nghị sĩ, John Kerry đã nhiều lần đến Việt Nam cho đến khi Washington bãi bỏ chính sách cấm vận Việt Nam năm 1994 và thiết lập bang giao một năm sau đó.
Trong chương trình nghị sự, sau cuộc gặp Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Ngoại trưởng Hoa Kỳ làm việc với đồng nhiệm Phạm Bình Minh. Đây là dịp để đôi bên cùng đề cập đến căng thẳng ở Biển Đông trước các hành vi xây dựng và cải tạo đảo của Trung Quốc.
AFP nhắc lại là cũng trong bối cảnh này từ cuối năm 2014 Hoa Kỳ đã xỏa bỏ một phần cấm cận vũ khí đối với Việt Nam. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mỹ cũng lưu ý đối tác Việt Nam là để nâng quan hệ Việt Nam lên tầm đối tác chiến lược, Hà Nội cần cải thiện tình trạng nhân quyền, tự do ngôn luận và biểu tình.
Phát biểu sau cuộc gặp Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang, nhân dịp kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao song phương, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho rằng các rào cản “nghi kỵ và không hiểu biết” giữa hai nước đã giảm, Việt Nam cần tiếp tục các cải cách pháp lý, mở rộng tự do ngôn luận và biểu tình.
Ông Kerry khẳng định: “Các tiến bộ về nhân quyền và thượng tôn luật pháp sẽ tạo những cơ sở phát triển quan hệ đối tác chiến lược (giữa hai nước) sâu rộng hơn và bền vững hơn. Chỉ có các vị mới có thể quyết định nhịp độ và phương hướng tiến trình xây dựng mối quan hệ đối tác này”.
Mặc dù tìm cách đẩy mạnh quan hệ với phương Tây và thực hiện cải cách kinh tế, nhưng chính quyền Việt Nam vẫn bị chỉ trích mạnh mẽ là đã thực hiện chính sách trấn áp giới ly khai, các nhà hoạt động tôn giáo, các blogger và nhà báo có tiếng nói độc lập. Những người này thường xuyên bị sách nhiễu, bắt giữ và nhiều người bị kết án tù giam.
Hoa Kỳ gia tăng quan hệ với Việt Nam, để mở rộng sự hiện diện tại Châu Á, đồng thời kìm chế ảnh hưởng của Trung Quốc, thế nhưng quan hệ song phương vẫn bị các trở ngại do vấn đề nhân quyền và tù chính trị tại Việt Nam.
Ngoại trưởng Kerry tuyên bố: “Hoa Kỳ tôn trọng các khác biệt về hệ thống chính trị giữa hai nước, nhưng điều quan trọng để có được ổn định là Việt Nam phải chính thức công nhận các quyền tự do ngôn luận, và hàng triệu người Việt Nam đã thực hiện các quyền này trên mạng xã hội Facebook cũng như qua các hoạt động của những nhà tranh đấu cho nhân quyền”.
Ông Kerry nói: “Hoa Kỳ thừa nhận rằng chỉ có nhân dân Việt Nam quyết định hệ thống chính trị của mình. Nhưng có những nguyên tắc cơ bản mà chúng tôi bảo vệ : Đó là không một ai bị trừng phạt chỉ vì đã bày tỏ suy nghĩ của mình một cách ôn hòa.
Hoa Kỳ cho rằng: “Các tiến bộ trong lĩnh vực nhân quyền sẽ phục vụ cho lợi ích của Việt Nam”.
Theo vi.rfi.fr