Biến nước sông thành nước sạch sau 5 phút
Nước sông, hồ, nước nhiễm phèn, nhiễm mặn… đều có thể lọc thành nước sạch để dùng chỉ sau 5 phút. Đó là nhờ hệ thống lọc nước cơ động do Viện Kỹ thuật nhiệt đới và bảo vệ môi trường chế tạo.
Hệ thống lọc này đã được Viện Kỹ thuật Nhiệt đới và Bảo vệ môi trường phối hợp với quân khu IX thử nghiệm thành công để cung cấp nước sạch cho bà con nông dân tại ngã ba Lộ Tẻ, tỉnh An Giang.
2 lần lọc, uống được ngay
Đại tá – thạc sỹ Nguyễn Xuân Nghĩa, Phó phòng Khoa học – công nghệ và môi trường Quân khu IX nhận xét: Hệ thống lọc nước này có tác dụng tốt và đáp ứng nhu cầu cần thiết của bộ đội, cũng như người dân tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
TS Trần Minh Chí, Viện trưởng Viện Kỹ thuật nhiệt đới và bảo vệ môi trường, chủ nhiệm đề tài nghiên cứu cho biết, hệ thống có thể lọc nguồn nước sông, hồ, nước lũ, cả nước nhiễm phèn và nước lợ có độ mặn dưới hai phần nghìn (2‰) để cho ra chất lượng nước tốt như nhau. Thời gian lọc chỉ mất 5 phút sẽ cho ra nước sinh hoạt (nấu ăn, rửa, tắm giặt…). Nếu có nhu cầu nước tinh khiết, thêm một lần lọc nữa thì uống được ngay trực tiếp.
Hệ thống lọc sử dụng nhiều phương pháp từ sử dụng hóa chất đến lọc nhiều cấp đối với nước sinh hoạt. Riêng với nước uống trực tiếp sẽ thông qua một lần lọc bằng phương pháp thẩm thấu ngược đối với nước lợ, và lọc qua màng nano đối với nước ngọt. Sau đó, được chiếu qua tia cực tím.
Ông Phan Sang, một người dân tại ngã ba Lộ Tẻ, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang mong muốn nhà nước đưa hệ thống lọc này triển khai đại trà tđể người dân có nước sạch dùng thường xuyên. “Lọc nhanh, chất lượng nước tốt sau khi lọc tốt và tính cơ động là những ưu điểm để đưa hệ thống lọc này vào thực tế”, thượng tá Nguyễn Văn Sáu, tỉnh đội An Giang nói. Hiện Viện Kỹ thuật nhiệt đới và bảo vệ môi trường đã chế tạo được một hệ thống lọc nước có quy mô 3m3/giờ (đối với nước sinh hoạt) và 300 lít/giờ đối với nước tinh khiết (dùng để uống).
Nâng cao tính cơ động
Trước đây, vùng ĐBSCL cũng đã có thiết bị lọc nước lũ thành nước sạch do các nhà khoa học tại Trường ĐH An Giang chế tạo, nhưng thiết bị này chỉ cố định được một chỗ nên vẫn còn hạn chế. Trong khi đó, hệ thống lọc nước do Viện Kỹ thuật nhiệt đới và bảo vệ môi trường chế tạo có thể đặt trên ca nô chuyên dụng.
Ca nô chở hệ thống lọc đi lại được trên vùng sông nước, cả trong trong vùng kênh nội đồng, nơi mức nước tối thiểu 0,8m. Do vậy, ca nô dễ dàng tiếp cận được với những vùng xa xôi để cung cấp nước sạch cho bộ đội và người dân. Tuy nhiên, theo Đại tá – thạc sỹ Nguyễn Xuân Nghĩa, do bộ đội đóng quân ở vùng sâu, xa, thậm chí ở vùng không có sông, kênh rạch, nếu hệ thống lọc buộc phải đặt trên ca nô chuyên dụng là chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế.
Giải quyết vấn đề này, TS Chí cho rằng: có thể đưa hệ thống lọc đến vùng sâu, vùng xa bằng xe tải vì bộ phận lọc nước chỉ nặng hơn 600 kg. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu sẽ cải tiến thêm để thiết bị phải di chuyển nhanh, cơ động hơn nữa nhằm đáp ứng được nhiều nhiệm vụ, nhưng chi phí phải thấp nhất.
(Thái Ngọc)
(Theo baodatviet)