Syria phớt lờ tối hậu thư của Liên đoàn Ảrập
Hạn chót mà Liên đoàn Ảrập (AL) đưa ra cho Syria nhằm chấp nhận các quan sát viên quốc tế hoặc phải đối mặt với các lệnh trừng phạt đã trôi qua mà không có phản ứng chính thức nào từ Damascus đối với tối hậu thư.
AL muốn 500 quan sát viên quốc tế tới Syria để giám sát tình hình giữa lúc các cuộc biểu tình đang gia tăng, nhưng chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad được cho là chỉ đồng ý để 40 người vào nước này.
Trong khi đó, các bằng chứng mới đã xuất hiện về việc các cuộc biểu tình đã biến thành nổi loạn có vũ trang. Phóng viên nước ngoài tại Damascus đã nhìn thấy một nhóm những người đào ngũ từ các lực lượng an ninh chính thức.
Ít nhất 11 người đã thiệt mạng trong đợt bạo lực mới nhất hôm qua, các nhà hoạt động xã hội cho hay.
Nhóm quan sát nhân quyền Syria, có trụ sở tại Anh, cho biết các vụ cái chết xảy ra tại các thành phố Homs, Damascus, Deir el-Zour và tỉnh Deraa ở phía nam.
Các nhà hoạt động khác – từ Các uỷ ban phối hợp địa phương tại Syria – cho biết có tới 26 người đã thiệt mạng.
Liên hợp quốc ước tính, hơn 3.500 người đã thiệt mạng kể từ khi các cuộc biểu tình chống chính phủ Syria bắt đầu hồi tháng 3.
Chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad đổ lỗi bạo lực cho các phiến quân và băng nhóm có vũ trang.
Truyền hình quốc gia Syria cũng cáo buộc các phiến quân gây ra một vụ tấn công hôm 24/11 trong đó 6 phi công quân đội tinh nhuệ đã thiệt mạng.
AL đã đặt hạn chót cho Syria để ký vào thoả thuận quan sát viên – một phần của kế hoạch hoà bình lớn hơn – trong một cuộc họp ở Cairo hôm 24/11.
Hồi đầu tháng này, Liên đoàn Ảrập đã đình chỉ tư cách thành viên của Syria và cảnh báo về các biện pháp trừng phạt sau khi chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad không thực hiện kế hoạch của AL nhằm chấm dứt bạo lực.
Các khả năng trừng phạt
Các biện pháp trừng phạt mà AL có thể áp đặt với Syria có thể bao gồm lệnh ngừng các chuyến bay thương mại tới Syria và ngừng tất cả các giao dịch với ngân hàng trung ương nước này. Nếu bị áp đặt các lệnh trừng phạt, Syria sẽ gặp khó khăn vì Damascus phụ thuộc vào các quốc gia láng giềng về 1/2 các sản phẩm xuất khẩu và 1/4 sản phẩm nhập khẩu.
Tại Cairo, các nhà ngoại giao đã kêu gọi Liên hợp quốc ngăn chặn xảy ra thêm bạo lực, yêu cầu tổ chức này “thực hiện tất cả các biện pháp để ủng hộ các nỗ lực của AL nhằm giải quyết tình hình cấp bách tại Syria”.
Hôm qua, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu miêu tả hạn chót của AL là “cơ hội cuối cùng” cho chính phủ Syria.
Tuy nhiên, Nga đã bày tỏ sự đối trước áp lực từ bên ngoài, kêu gọi đàm phán giữa Damascus và phe đối lập.
Pháp trước đó gợi ý rằng một số khu vực bảo vệ nhân đạo cần được thiết lập tại Syria. Đây là ám chỉ đầu tiên cho thấy sự can thiệp quân sự của cộng đồng quốc tế đang được cân nhắc.
An Bình
Theo BBC