Đến lượt Đức rơi vào khủng hoảng nợ
Nền kinh tế hàng đầu châu Âu, nhà tài trợ chính cho các nước bị khủng hoảng, đầu tàu của châu Âu – nay đến lượt trở thành nạn nhân của cuộc khủng hoảng nợ.
Thủ tướng Đức Angela Merkel đang đứng trước sức ép từ phía thị trường – Ảnh: AFP |
Phiên bán đấu giá trái phiếu Chính phủ Đức (Bund), một loại trái phiếu làm quy chiếu cho thị trường châu Âu, ngày 23-11 đã không được mua hết.
Reuters cho biết Berlin hi vọng huy động được 6 tỉ euro (9,3 tỉ USD) thông qua hình thức bán trái phiếu nhưng rốt cuộc chỉ bán được 3,64 tỉ euro (4,92 tỉ USD), tức chỉ chiếm 60%. Kết quả này đã tác động tiêu cực đến đồng euro, khiến đồng tiền này bị sụt giảm dưới mức 1,34 USD.
Báo Wall Street Journal dẫn lời một số nhà phân tích cho biết kết quả thất vọng này cho thấy giới đầu tư đang e ngại không dám mua trái phiếu châu Âu trong thời điểm khủng hoảng nợ đang lan rộng, ngay cả loại được xem là an toàn nhất là trái phiếu Chính phủ Đức. “Khủng hoảng nợ đang xâm nhập sâu vào trung tâm châu Âu và đã chạm đến Đức” – Reuters dẫn lời chính trị gia Frank Schaeffler thuộc đảng Dân chủ tự do Đức.
Chuyên gia tài chính Makoto Noji thuộc hãng SMBC Nikko Securities ở Nhật cho rằng nếu lãi suất trái phiếu Đức tiếp tục tăng lên, có khả năng khu vực sử dụng đồng euro sẽ tan vỡ hoàn toàn.
Thị trường chứng khoán châu Âu và châu Á trồi sụt thất thường trong phiên giao dịch ngày 24-11, trong khi giá đồng euro tiếp tục giảm trước cuộc gặp của “bộ ba” là Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Thủ tướng Ý Mario Monti tại Strasbourg (Pháp) nhằm tìm giải pháp chống đỡ khủng hoảng nợ.
Tại “hội nghị thượng đỉnh mini” này như báo chí mô tả, ông Sarkozy đã kêu gọi bà Merkel cho phép Ngân hàng Trung ương châu Âu mua mạnh trái phiếu chính phủ của các nước châu Âu.
Các nước châu Âu cũng đang gây sức ép để buộc Đức chấp nhận giải pháp 17 nước sử dụng đồng euro phát hành một loại trái phiếu chung (eurobond) để lấy lại niềm tin của các thị trường tài chính. Dù vậy, bà Merkel vẫn phản đối phương án này, khẳng định nó không thể giải quyết được những lỗi hệ thống của đồng euro.
Theo Tuổi Trẻ.vn(Đức)