Kim loại “độn” vàng chính là Vonfram
Ông Vũ Minh Châu, TGĐ Công ty vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu, Ủy viên Hiệp hội vàng Việt Nam khẳng định kim loại “độn” vàng mà dư luận lo ngại thời gian qua chính là vonfram.
Kim loại “độn” là Vonfram
Thời gian gần đây trên thị trường vàng tại Hà Nội, TP.HCM, Lào Cai, Ninh Bình và Cao Bằng xôn xao về việc vàng miếng có hợp chất lạ gây thiệt hại nặng nề cho các doanh nghiệp vàng bạc, đá quý. TS Vũ Đức Lợi, Trưởng phòng hóa phân tích, Viện hóa học Việt Nam khẳng định hợp chất độn vào vàng trong thời gian gần đây không phải vonfram. Tuy nhiên, ông Vũ Minh Châu lại khẳng định đó là hợp chất mà vonfram chiếm tỷ lệ lớn nhất.
Theo ông Châu, Bảo Tín Minh Châu đã gửi mẫu bột tới 2 phòng thí nghiệm khác nhau ở hai nước khác nhau. Kết quả là Bảo Tín Minh Châu nhận được 2 kết quả tương đương nhau. Mẫu hợp chất gồm nhiều kim loại, trong đó vonfram chiếm tỷ lệ lớn nhất. Các kim loại khác có thể kể đến như Osimi, Rutenim,…
Doanh nghiệp nhỏ và khách hàng nên thận trọng khi giao dịch vàng miếng. |
Cũng theo ông Châu, vonfram là kim loại rẻ nhất trong các kim loại có thể độn được vào vàng. Ngoài vonfram, còn có một số hợp chất khác thậm chí có giá đắt hơn vàng.
Ông Châu nhận định có hai khả năng. Thứ nhất, kẻ gian mua phôi vonfram thô, không tinh khiết nên lẫn tạp chất mà họ không hề biết. Thứ hai, kẻ gian cố tình trộn vào các kim loại khác như osimi vào để tăng độ dẻo và thay đổi nhiệt độ nóng chảy để dễ dàng gian dối hơn.
Ông Châu cho biết nguồn gốc của các miếng vàng độn này không rõ ràng nhưng hầu hết đều từ nước ngoài được mang vào Việt Nam dưới dạng xách tay. Hiện không có cơ sở khẳng định vàng đến từ nước nào mà chỉ biết vàng có đóng dấu của nhiều hãng tên tuổi, thậm chí có vàng miếng được đóng mác từ Thụy Sĩ.
Hiện nay, do đề cao cảnh giác nên các doanh nghiệp vàng đã hoàn toàn chặn đứng được sự cố này. Theo ông Châu, doanh nghiệp nào chưa đủ khả năng thẩm định thì dừng mua, doanh nghiệp nào đủ khả năng thẩm định vẫn tiếp tục mua vàng với tinh thần cảnh giác cao.
Sản phẩm lừa “siêu cấp về công nghệ”
Ông Châu nhận xét, vàng độn vonfram là sản phẩm lừa “siêu cấp về công nghệ”. Vonfram được độn vào vàng qua hai cách.
Thứ nhất, trộn bột vonfram hoặc kim loại nặng khác vào vàng đang nóng chảy. Dựa vào các tính lý học của các Vonfram và các kim loại nặng khác bao gồm nhiệt độ nóng chảy, khối lượng riêng những kẻ trục lợi đã dựa vào đặc điểm khối lượng riêng này, tạo ra vàng độn bằng cách trộn bột vonfram với vàng ở trạng thái nóng chảy. Khi nung vonfram với nhiệt độ nóng chảy của vàng tức 1.062oC, vàng sẽ nóng chảy và bao quanh hạt vonfram (khi đó chưa đạt nhiệt độ nóng chảy).
Thứ hai, dùng vàng nóng chảy để đúc bao quanh một khối vonfram hoặc kim loại nặng ở bên trong. Hình thức tinh vi này sẽ tạo thành một lớp vàng bao bọc bên ngoài lõi vonfram mà mắt thường không thể phát hiện ra được vì nhìn toàn diện miếng vàng vẫn vàng óng.
Khi chiếu tia X-quang vào bề mặt vàng để xác định vàng thật/giả, tia X-quang chỉ chiếu được sâu xuống dưới bề mặt vàng khoảng 4 phần nghìn millimet. Do đó, nếu kẻ gian người ta đúc lõi vàng có pha trộn các loại hợp kim khác và phủ lên bề mặt lớp vàng thật, chất lượng 9999, với độ dày phù hợp sẽ “đánh lừa” máy chiếu X-quang thử vàng.
Nếu dùng máy đo tỷ trọng, chúng ta khó có thể nhận thấy sự khác biệt do tỷ trọng của vàng và Vonfram là tương đương nhau (19,3g/cm3).Vì vậy, kẻ gian đã lợi dụng những phép kiểm tra thông thường này để đánh lừa các doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng.
Người tiêu dùng chưa mua phải vàng độn
Ông Châu cho biết thêm, cho tới thời điểm này, mới chỉ các doanh nghiệp mua phải vàng độn, còn người tiêu dùng chưa ai mua phải. Tuy nhiên, cũng không loại trừ khả năng người tiêu dùng đã mua phải vàng độn nhưng chưa phát hiện ra.
Ông Châu khuyến cáo, kẻ gian rất gian xảo, không bán vàng cho các công ty vàng lớn như Bảo Tín Minh Châu vì các doanh nghiệp lớn thường có máy móc thiết bị hiện đại. Kẻ gian thường bán cho các doanh nghiệp nhỏ, thiếu kinh nghiệm, thiếu trang thiết bị nên đó là đối tượng cần phải bảo vệ mình trước nhất.
Sau đó đến người tiêu dùng. Theo ông Châu, hiện các doanh nghiệp vàng bạc đề cao cảnh giác nên kẻ gian khó có thể tiêu thụ được. Chúng có thể quay sang bán trực tiếp cho người tiêu dùng. Vì vậy, người tiêu dùng không nên mua vàng không có nguồn gốc rõ ràng dù được chào bán với mức giá rất rẻ.
Ngoài ra, ông Châu khuyến cáo các doanh nghiệp và người dân không nên mua vàng không rõ nguồn gốc mà chỉ nên mua của các doanh nghiệp uy tín trong nước bởi quy trình sản xuất vàng của các doanh nghiệp này thường được quản lý chất lượng khá ngặt nghèo từ khâu nhập vàng, chế tác cho đến phân phối.
Hơn nữa, khi mua vàng của các doanh nghiệp vàng uy tín, khách hàng đều được lấy hóa đơn biên nhận, trong đó có ghi số seri của vàng miếng, mã hiệu tuổi vàng của sản phẩm và doanh nghiệp. Đây chính là cơ sở để người dân có thể tự bảo vệ mình khi có sự cố. Trong trường hợp nếu thấy nghi ngờ về sản phẩm, người dân hoàn toàn có thể mang vàng và giấy biên nhận đến các nơi mà mình đã mua yêu cầu thẩm tra và kiểm định. Ông Châu cho biết phí kiểm định của Bảo Tín Minh Châu rất thấp, gần như bằng 0.
Những cách phân biệt vàng đủ tuổi và vàng độn Vonfram Bảo Tín Minh Châu đã cung cấp những cách phân biệt vàng đủ tuổi và vàng trộn vonfram. – Các doanh nghiệp có thể phân biệt vàng độn với vàng thật bằng cách: Khi cán mỏng xuống 1,5zem- 1,8zem thì bề mặt xuật hiện những hạt kim loại lạ nổi lên lấm tấm, đó là những hạt kim loại độn trong vàng. Cũng theo một số chuyên gia để phân biệt, chúng ta có thể cắn thử lên miếng vàng mà bạn muốn xem xét là thật hay độn. Vàng độn sẽ không để lại bất kỳ vết cắn nào trong khi vàng thật sẽ có, nguyên nhân là do vàng thường mềm hơn các kim loại khác. K Kiểm tra trên bề mặt vàng, nhìn một cách cẩn thận, nếu có bất kỳ điểm màu xanh lá cây hoặc màu đen, thì đó là vàng độn. Đặc biệt chú ý đến các cạnh và móc khi kiểm tra bề mặt vàng vì sự đổi màu thường xuất hiện ở đây. – Khi mua trang sức bằng vàng 99.9 và vàng 99.99%Au, người dân có thể xì nóng chảy một điểm, để nguội thấy có nhiều sạn và váng là vàng độn. Khi hơ lửa, để nguội, ngâm xuống nước bóp mềm mềm, êm êm là vàng thật. – Trong trường hợp phát hiện thấy vàng khả nghi, có thể mang nấu chảy vàng ở một nồi gốm và để nguội tự nhiên. Quan sát khi nóng chảy, bề mặt của vàng gợn sóng, có nhiều váng màu đen, xám… chạy trên mặt là vàng đã độn vonfram. Vàng thật khi kết tinh bề mặt bóng và có một lõm sâu. Khi nhấc mặt sau của miếng vàng lên bề mặt vẫn nhẵn bóng như trên mặt lõm. – Một cách làm khác, có thể đổ vàng vào thão dài sau đó để nguội rồi gõ nghe âm thanh để phân biệt. Nếu là vàng thật sẽ có tiếng phát ra đục, vàng độn âm thanh sẽ thanh và trong. Trong chế tác, vàng thật rất mềm, dễ gọt, dễ làm. Khi thấy vàng cứng, mũi máy phay gắn kim cương – Phân kim để tính hàm lượng bằng dung dịch cường toan (3 axit HCL và 1 axit HNO3. Cán mỏng miếng vàng cho vào dung dịch axit để phân kim. Sau khi hòa tan sẽ được chất bột màu xám lắng ở đáy bình là vonfram vì vonfram không tan trong dung dịch cường toan. Các chất còn lại như Ir, Os, Ru sẽ tan trong dung dịch như vàng, người ta sẽ dùng phương pháp kết tủa để lấy lại vàng và tính ra hàm lượng thực của vàng. – Cài đặt phần mềm nhận biết vonfram và một số kim loại nặng khác như cho máy phổ kế huỳnh quang tia X.
|
Khánh Vân