Trung Quốc khó chịu với chuyến công du của TT Mỹ
Thủy quân lục chiến Mỹ sẽ có điều kiện sử dụng căn cứ không quân Tindal ở Darwin, phía Bắc Australia để phục vụ các cuộc tập trận chung. Tại đây Mỹ cũng sẽ bố trí máy bay ném bom chiến lược, máy bay chiến đấu và tiếp dầu.
Đây là kết quả đạt được giữa Tổng thống Barack Obama và Thủ tướng Julia Gillard trong chặng dừng chân đầu tiên của người đứng đầu Nhà Trắng nhân chuyến công du 4 ngày tới châu Á.
Ngay lập tức, chính quyền Bắc Kinh đã lên tiếng, cho rằng thỏa thuận trên là “không hợp thời” và không đáng ứng lợi ích chung của các nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Đáp lại, Washington khẳng định về sự cần thiết củng cố liên minh quân sự với Canberra và không dễ bị lay chuyển trước bất kỳ thỏa hiệp với Bắc Kinh.
Phát biểu trước Quốc hội Australia hôm 17/11, Tổng thống Barack Obama cam kết không có kế hoạch giảm sự hiện diện quân sự của Mỹ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Tổng thống Mỹ tại Tòa nhà Quốc hội Australia. |
Người đứng đầu Nhà Trắng nhấn mạnh: “Tôi đã chỉ thị cho các quan chức chịu trách nhiệm về an ninh quốc gia nhận thức rằng, sự hiện diện quân sự trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương là mục tiêu ưu tiên đối với Mỹ. Cắt giảm kinh phí quốc phòng của Mỹ sẽ không ảnh hưởng đến sự hiện diện của chúng tôi ở khu vực”.
Theo giới quan sát, thỏa thuận trên là bước tiến đáng kể giúp Mỹ cân bằng ảnh hưởng với Trung Quốc tại khu châu Á – Thái Bình Dương. Bởi hiện nay, căn cứ quân sự Mỹ tại Australia vượt ngoài tầm với của tên lửa đạn đạo mới từ Trung Quốc.
Ngoài ra, sự có mặt thường xuyên của lực lượng hải quân tại đây sẽ giúp Mỹ kiểm soát được sự di chuyển của các tàu chiến và máy bay tại Biển Đông. Từ nhiều năm nay, Washington thể hiện sự quan tâm đặc biệt đối với vùng biển này, nơi hằng năm có lưu lượng tàu thương mại, chuyên chở hàng qua lại với tổng trị giá hơn 1,2 tỷ USD.
Đối phó với sức mạnh hải quân của chính quyền Bắc Kinh, một số nước có tranh chấp với Trung Quốc cân nhắc tới việc cho phép Hải quân Mỹ ra vào hải phận.
Trước đó, hôm 16/11 tại bến cảng Manila, trên tàu khu trục Mỹ Fitzgerald, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton đã ký với người đứng đầu Bộ Ngoại giao Philippines Alberto Del Rosario một tuyên bố về Biển Đông nhân chuyến thăm đánh dấu kỷ niệm 60 năm ngày hai nước ký một hiệp ước quốc phòng chung.
Theo đó, 2 bên đạt thỏa thuận về sự hỗ trợ của Washington về quân sự, chính trị và ngoại giao cho Manila trong trường hợp bùng phát tranh chấp liên quan tới Biển Đông.
Tổng thống Mỹ nói chuyện với thủy quân lục chiến Mỹ và Australia tại căn cứ RAAF – Darwin hôm 17/11. |
Theo Dmitry Mosyak, người đứng đầu Trung tâm Đông Á Viện Nghiên cứu phương Đông, Mỹ đã chính thức xuất hiện phía sau Philippines để đối mặt với Trung Quốc trong tranh chấp chủ quyền. Tổng thống Benigno Aquino hiểu rằng, Manila cần phải có một đối tác đáng kể, ít nhất không thua kém sức mạnh chính quyền Bắc Kinh.
Trong ấn bản dành cho các độc giả nước ngoài của Nhân dân Nhật báo số ra ngày 17/11, Trung Quốc cảnh báo, bất cứ nỗ lực của Mỹ thống trị khu vực đều sẽ thất bại. Và rằng, “Bắc Kinh rất biết hướng những thách thức thành cơ hội. Washington chắn hẳn cũng nhận thức rõ về thực tế này”