8 phát minh vĩ đại của người Ai Cập cổ đại vẫn còn ứng dụng đến tận ngày nay
Nền văn minh Ai Cập cổ đại đã có bề dày lịch sử kéo dài tới hơn 3100 năm TCN và cho tới nay là một trong 6 nền văn minh nổi tiếng trên thế giới. Với bề dày lịch sử ấy, người Ai Cập cổ đại đã phát minh ra những thứ tuyệt vời vẫn còn lưu truyền cho tới hậu thế ngày nay.
1. Chữ viết
Ai Cập và Lưỡng Hà là nơi đầu tiên phát triển hệ thống chữ viết từ cách vẽ lên vách hang động nhằm lưu giữ thông tin.
Hệ thống chữ viết Ai Cập là hệ chữ tượng hình, xuất hiện lần đầu tiên từ năm 6000 TCN. Chữ tượng hình là sự miêu tả đơn giản các từ ngữ mà chúng đại diện, nhưng có những hạn chế nhất định. Theo thời gian, người Ai Cập đã thêm một số nhân tố khác vào hệ thống chữ viết của họ, bao gồm các ký tự như alphabet đại diện một số âm nhất định và các kí tự khác, cho phép họ viết ra tên và các khái niệm trừu tượng.
Ngày nay, mọi người đều biết đến Ai Cập là nơi khai sinh ra hệ thống chữ viết chạm khắc (hieroglyphics), bao gồm các chữ cái, ký hiệu âm tiết, cũng như ideograms (chữ biểu ý) – hình ảnh đại diện cho toàn bộ cụm từ – được tìm thấy rộng rãi trong lăng mộ Ai Cập và nhiều nơi khác. Các ghi chép này cung cấp cho chúng ta hiểu biết về xã hội Ai Cập cổ đại từ chính trị đến văn hóa. Sau này học giả người Pháp Jean-Francois Champollion tìm thấy phiến đá Rosetta và giải mã thành công, đánh dấu sự kết thúc của thời kỳ đầy bí ẩn về Ai cập cổ đại đã kéo dài trong gần 1500 năm.
2. Giấy papyrus (Giấy cói)
Không ai phủ nhận rằng người Trung Quốc đã làm thay đổi cả thế giới với phát minh ra giấy vào khoảng năm 140 TCN, nhưng nhiều người không biết rằng người Ai Cập đã làm ra giấy từ cây papyrus từ cách đó hàng ngàn năm (giấy cói).
Giấy papyrus có màu ngà, nâu vàng, cứng nhưng có thể uốn cong, và đặc biệt rất bền, được làm từ lõi của một loại cói có tên papyrus, cao khoảng 2-3m mọc hai bên bờ sông Nile. Đặc tính cứng cáp và rất bền của paypyrus còn dùng để may buồm, làm dép, dệt thảm và các nhu cầu thiết yếu khác trong đời sống Ai Cập cổ đại.
Người Ai Cập cổ đại đã giữ kín bí mật kĩ thuật làm giấy papyrus để họ có được lợi thế buôn bán loại giấy này với các nước trong khu vực. Tuy nhiên đến năm 1965 nhà khoa học Hassan Ragab đã tìm ra cách mà người cổ xưa đã tạo ra các tấm giấy papyrus và cố gắng khôi phục nghề thủ công truyền thống này ở Ai Cập.
3. Lịch cổ đại
Ở thời cổ đại lịch đóng vai trò cực kì quan trọng, giúp con người tồn tại trước thiên nhiên khắc nghiệt. Người Ai Cập cổ đại đã sử dụng lịch từ hàng ngàn năm trước công nguyên để biết khi nào lũ trên sông Nile sẽ xảy ra, từ đó có biện pháp canh tác phù hợp.
Lịch của người Ai Cập xây dựng để phù hợp với tập quán nông nghiệp và được chia thành ba mùa chính: ngập lụt, phát triển và thu hoạch. Mỗi mùa có bốn tháng, mỗi tháng được chia thành 30 ngày, tất cả là 360 ngày một năm ngắn hơn thực tế một vài ngày. Người Ai Cập đã thêm vào năm ngày giữa mùa thu hoạch và ngập lụt. Năm ngày này được chỉ định riêng là ngày lễ tôn giáo để tôn vinh những người con của các vị thần.
4. Đồng hồ
Người Ai Cập khá coi trọng thời gian nên họ đã phát minh ra nhiều loại đồng hồ để đo lường, đáng kể nhất chính là đồng hồ mặt trời. Khi mặt trời lên, ánh nắng chiếu vào một cột tháp cao, đổ bóng xuống mặt đất đã được chia vạch giờ cụ thể.
Tuy nhiên, loại đồng hồ trên chỉ xem được giờ vào ban ngày, chính vì vậy người Ai Cập đã sáng tạo thêm đồng hồ nước. Nước được chứa trong một hình phễu với đầu có lỗ cực nhỏ ở dưới và qua đó, nước sẽ từ từ chảy xuống. Dựa vào mực nước trong phễu, so sánh với các vạch chia sẵn, người Ai Cập có thể biết được giờ giấc.
5. Cái cày
Nhiều bằng chứng cho thấy người Ai Cập và người Sumer là một trong những xã hội đầu tiên sử dụng cày từ những năm 4000 TCN. Những chiếc cày đầu tiên được cải tiến từ các dụng cụ cầm tay, nên còn quá nhẹ và không hiệu quả khi xới đất. Hơn nữa, phải cần tới 4 người đàn ông khỏe mạnh để kéo chiếc cày này.
Nhưng mọi thứ đã thay đổi vào những năm 2000 TCN, khi lần đầu tiên người Ai Cập dùng bò để kéo cày. Cách đầu tiên họ sử dụng là buộc cày vào sừng nhưng lại làm gia súc gặp khó khăn khi thở. Về sau họ đã cải tiến bằng cách sử dụng hệ thống dây chằng buộc để đạt hiệu quả cao hơn. Cày đã tạo ra cuộc cách mạng nông nghiệp ở Ai Cập cổ đại, và cùng với chế độ nước đều đặn của sông Nile, việc canh tác nông nghiệp ở xã hội Ai Cập đã trở nên thuận lợi hơn rất nhiều khi so với các nền văn minh khác thời bấy giờ.
6. Đồ cạo và cắt tóc
Người Ai Cập cổ đại coi tóc và râu là những thứ không hợp vệ sinh, kết hợp với thời tiết oi ả vùng Bắc Phi khiến họ phải cắt tóc và cạo râu thường xuyên. Thậm chí, những linh mục dường như còn cạo sạch toàn bộ lông trên cơ thể ba ngày mỗi lần. Đối với xã hội Ai Cập thời xưa, người mày râu nhẵn nhụi được coi là “thời thượng”.
Để có thể cạo được tóc và râu, người Ai Cập cổ đại đã phát minh ra dụng cụ cạo đầu tiên. Đó là một miếng đá mài sắc nhọn được gắn vào trong tay cầm bằng gỗ. Họ đồng thời cũng phát minh ra nghề cắt tóc. Thợ cắt tóc sẽ được gọi tới các nhà quý tộc giàu sang để tạo những kiểu dáng tóc theo ý muốn của gia chủ.
Điều thú vị là người Ai Cập còn tạo ra tóc và râu giả. Họ cạo sạch lông của loài cừu và chế thành những bộ tóc và râu giả. Ngay cả nữ hoàng và vua cũng sử dụng chúng. Râu giả có nhiều hình dạng khác nhau tương đương với phẩm giá và vị thế của người đeo trong xã hội. Những người bình thường sẽ đeo râu giả có độ dài khoảng 5 cm, trong khi vua sẽ đeo những bộ râu giả dài tới mức có thể cắt tỉa thành hình vuông.
7. Khóa cửa
Những ổ khóa đầu tiên được tạo ra tại Ai Cập vào thời kỳ khoảng 4.000 năm TCN. Về cơ bản, ổ khóa có một then rỗng ở cửa được kết nối với chốt và chỉ được mở bằng cách sử dụng chìa khóa để xoay chốt và rút ra khỏi then. Loại khóa này đảm bảo an toàn hơn so với loại khóa sau này của người La Mã.
Tuy nhiên một nhược điểm của những ổ khóa do người Ai Cập ngày xưa phát minh là kích thước quá lớn, thậm chí có ổ khóa dài tới 0,6 m.
8. Kem đánh răng
Thành phần đầu tiên của kem đánh răng ngày xưa bao gồm móng bò, tro, vỏ trứng bị đốt cháy và đá bọt.
Mới đây, các nhà khoa học cũng đã khám phá thêm những công thức chế tạo kem đánh răng mới sau đó của người Ai Cập cổ đại sau khi bị người La Mã chiếm đóng vào thế kỷ thứ IV.
Công thức chế tạo bao gồm muối mỏ, bạc hà, hoa diên vĩ sấy khô và hạt tiêu. Tất cả được trộn lại và tạo nên một loại bột làm trắng răng hoàn hảo. Tuy vậy chưa rõ chính xác lượng pha chế như thế nào.
TinhHoa tổng hợp