Một vài hình ảnh của chuyến đi thăm trại tâm thần ở Tân Uyên – Bình Dương ngày 10.09.2011
Trại này ở Tân Uyên, Bình Dương. Đi từ Saigon đến đó khoảng 3 tiếng. Trại đang nuôi dưỡng và điều trị cho hơn 1000 người bị bệnh tâm thần.
Cứ ngỡ là vào trong đó sẽ thấy đáng sợ và nhức đầu lắm! Ai dè… Tất cả cảm xúc của tôi lúc đó cho đến tận bây giờ chỉ là lòng thương bạn ạ! Thương lắm! Họ gần như là người bình thường, không la hét, không trợn mắt chửi bới, không quậy phá… Tất cả mọi người đều hiền lành, nghe theo bất cứ cái gì mình kêu họ làm… Từ những đứa trẻ chỉ mới mười mấy tuổi, đến những thanh niên khỏe mạnh, rồi những cụ già… Nhìn họ mà trong lòng tôi rất chua xót và có những lần không kiềm được, nước mắt tôi cứ chảy ra vì xót xa cho họ…
Hầu như đa số họ là những người bình thường, rồi có một biến cố nào đó khiến họ trở nên như vậy… Thà rằng họ bị bẩm sinh, tôi không thấy tội cho họ nhiều như thế này! Hơn 150 con người sống trong một khu nhỏ (có nhiều trại, mỗi trại chứa khoảng 180 người), nội bất xuất, ngoại bất nhập!
Tôi nhớ mãi một em khoảng chừng 15-16 tuổi. Em có thân hình gầy gò, hay đi lòng vòng xung quanh khu, bên trong các cánh cửa sắt kiên cố khóa chặt. Khuôn mặt sáng sủa, điển trai đó cứ hay cười một cách thoải mái, sau mỗi lần cười, em nói: “Mắc cười quá, vui quá!”. Gặp ai, em cũng hỏi: “Khỏe không? Hôm nay vui không?”… Sau khi được cắt tóc, tắm rửa, em nói: “Em vô thay đồ đẹp để được ăn kẹo!”…
Một em khác khoảng 22-23 tuổi, khi tôi lau người cho em, em nhìn tôi và nói: “Anh cho em về đi anh! Em không muốn sống ở đây…”. Tôi chỉ lặng thinh không nói gì, cố kiềm nén xúc cảm trong lòng mình cứ chực trào ra ngoài…
Và đến tận hôm nay tôi vẫn nhớ như in ánh mắt của một anh nọ, khoảng 36-38 tuổi… Anh hay nhìn tôi và ánh mắt của anh rất xa xăm, chứa muôn ngàn câu hỏi, chứa cả nỗi đau luôn thì phải… Có người nói với tôi rằng đó là ánh mắt của người tâm thần… Nhưng thú thật là tôi chưa bao giờ nghĩ họ là người tâm thần… Tôi chỉ nghĩ họ là những người bất hạnh…
“- Chú ơi, ba năm nay con chưa được nói chuyện với người nhà! Chú cho con điện thoại nói chuyện với người nhà con một chút! Con nhớ lắm!” – Một anh gần 40 tuổi nói với tôi như thế…