Nợ xấu ngân hàng gia tăng
Nợ khó đòi, rủi ro cao hoặc nguy cơ mất khả năng chi trả đang gia tăng đặc biệt trong nhóm các ngân hàng quốc doanh, khi nhiều doanh nghiệp khó cầm cự vì lạm phát cao, chi phí vốn đắt đỏ…
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 7 tỷ lệ nợ xấu là 3,04% trên tổng dư nợ cho vay so với mức 2,16% cuối năm 2010. Mục tiêu Ngân hàng Nhà nước đề ra cho năm nay là trường hợp tệ nhất nợ xấu có thể chạm ngưỡng 5%. Bản thân mục tiêu này cũng cho thấy vấn đề nợ xấu có chiều hướng tiếp tục tăng.
Báo cáo của Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương hôm 8/9 cũng cho thấy nợ xấu đang gia tăng trong các ngân hàng vốn Nhà nước, cho dù nhóm này được đánh giá là đi đầu thị trường trong việc đảm bảo duy trì lãi suất huy động và cho vay hợp lý, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định thị trường. Trong đó, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) nợ xấu chiếm tới 3,47% tổng dư nợ. Tỷ lệ này tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam là 6,67%.
Trong một hội thảo tại TP HCM gần đây, ông Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia cho biết, tổng nợ xấu của hệ thống ngân hàng đến tháng 6 năm nay vào khoảng 75.000 tỷ đồng, tăng 50% so với cùng kỳ. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) chiếm tới 47% tổng nợ xấu và chủ yếu là các khoản nợ bất động sản.
Cũng theo ông Nghĩa, tính đến cuối tháng 3/2011, tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng là 2,39 triệu tỷ đồng, trong đó bất động sản chiếm 10,8%. Tỷ lệ nợ xấu bất động sản trong tổng dư nợ cho vay bất động sản là 4%, cao hơn mức bình quân nợ xấu của ngân hàng.
Nợ xấu ngân hàng đang có chiều hướng gia tăng. Ảnh: Lệ Chi |
Mới đây, việc 5 ngân hàng (ABBank, SeaBank, Vietinbank, Eximbank và Ngân hàng Phát triển Việt Nam) cho công ty TNHH An Khang (Cần Thơ) vay hơn 300 tỷ và đang khó thu hồi vốn, càng làm dấy lên lo ngại về nguy cơ nợ xấu.
Trong 5 ngân hàng trên, ngoài ABBank đã thu hồi hết nợ thì chỉ duy nhất SeaBank công bố đầy đủ hồ sơ về tài sản thế chấp liên quan đến kho hàng, bất động sản, tức là có khả năng thu hồi được phần lớn khoản tín dụng đã cấp. Còn lại, các nhà băng khác như Eximbank, VietinBank và Ngân hàng Phát triển Việt Nam khó thu hồi các món nợ hàng trăm tỷ đồng giải ngân dựa trên những chứng từ xuất nhập khẩu được xác minh ban đầu là không có giá trị.
Trao đổi với VnExpress.net về vấn đề này, một chuyên gia là thành viên trong hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia chỉ ra rằng, vụ vỡ nợ của An Khang mới đây chỉ là bước khởi đầu. Nguy cơ nợ xấu sẽ trở nên rõ ràng hơn vào cuối quý 3, đầu quý 4, khi những nỗ lực để trả lãi vay làm kiệt sức các doanh nghiệp. Đồng thời, tỷ lệ nợ xấu cũng đè nặng lên các ngân hàng dưới tác động kép của bức tranh chưa mấy sáng sủa của nền kinh tế từ nay đến hết năm.
Chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn nhận định, trước đây nhiều nhà băng quá chú tâm vào việc cho vay bất động sản vì nghĩ đây là “mảnh đất đầy béo bở”. Song thời điểm này vốn cho lĩnh vực bất động sản bị siết chặt. Bong bóng bất động sản vỡ tan. Nhiều dự án đóng băng khiến các doanh nghiệp địa ốc điêu đứng… Điều này khiến cho tỷ lệ nợ xấu trong ngân hàng tăng cao.
Một chuyên gia kinh tế khác còn cảnh báo, hệ thống ngân hàng Việt Nam bên cạnh nguy cơ nợ xấu có chiều hướng gia tăng, còn đang đối diện với 3 rủi ro lớn khác là thanh khoản, sai lệch cơ cấu thời hạn, sai lệch cơ cấu đồng tiền.
Theo ông, tùy thời điểm mà rủi ro nào tăng lên, nhưng tất cả nguy cơ đều đang tồn tại. Lý do bởi yếu kém về những nền tảng kinh tế vĩ mô, mức độ đôla hóa cao, biến động khó lường của môi trường kinh tế trong và ngoài nước, năng lực hạn chế trong quản trị của doanh nghiệp… Đặc biệt, hệ thống tài chính ngân hàng mặc dù đã được hiện đại hóa hơn nhưng quản trị rủi ro và năng lực giám sát vẫn còn nhiều điều phải hoàn thiện.
Do đó, chuyên gia này cho rằng, để ngăn ngừa nợ xấu và rủi ro khác gia tăng, trước hết cần phải nhanh chóng nâng cao năng lực quản trị rủi ro của các định chế tài chính và hệ thống giám sát tài chính của Việt Nam, trong đó có Ngân hàng Nhà nước. Đồng thời, cần xây dựng hệ thống cảnh báo sớm cùng những phương án xử lý nếu xảy ra sự cố “đổ vỡ” nào đó trong hệ thống tài chính ngân hàng, để hạn chế thiệt hại của những bên trực tiếp liên quan.
Chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn thì nghĩ rằng, để quản lý nợ xấu, khi cho vay các ngân hàng thương mại cần phải kiểm soát mục đích sử dụng các khoản vay của doanh nghiệp; có chứng từ vay vốn rõ ràng; cũng như duy trì các kênh liên lạc giữa ngân hàng và doanh nghiệp để có thông tin trao đổi kịp thời. Ngược lại, doanh nghiệp cũng phải tiến hành trích lập dự phòng, khi có những phát sinh khoản thu khó đòi. Bên cạnh đó, còn cần phải có các biện pháp đồng bộ từ Chính phủ nhằm duy trì một nền kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiềm chế tốt.
Lãnh đạo cấp cao của một ngân hàng quốc doanh thừa nhận nợ xấu không còn dừng lại ở việc thành tích bị ảnh hưởng nữa mà liên quan đến sự an toàn của các ngân hàng. “Trước đây, chúng tôi vẫn quen với việc không ý thức đầy đủ về mức độ nghiêm trọng của vấn đề, cộng với sức ép buộc phải tăng trưởng tín dụng cao làm cho việc biến nợ xấu thành nợ tốt trở nên bình thường. Thế nhưng chuyện này sẽ không thể tiếp diễn”, ông này nói.
Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, nếu như các ngân hàng từ giờ trở đi tập trung xử lý nợ xấu quyết liệt và không để phát sinh thêm các khoản nợ xấu mới, thì chắc chắn sẽ phải thắt chặt tín dụng. Một hệ quả tiếp theo là doanh nghiệp sẽ khó khăn hơn trong việc tiếp cận với nguồn vốn của ngân hàng.
Lệ Chi