Cái chết hồi sinh nhà nước Do Thái của “Adolf thứ hai”
Khi Adolf Eichmann đứng trước vành móng ngựa trong phiên tòa dành cho tội phạm chiến tranh 50 năm về trước, lần đầu tiên trong lịch sử, người Do Thái mới có đủ can đảm để kể lại về nạn diệt chủng, và sau đó, nhà nước Israel hợp nhất đã ra đời.
Nhà sử học Israel Tom Segev nói: “Đối với người Do Thái, luôn luôn tồn tại 2 Adolf. Adolf Hitler đã tự sát trong đống tro tàn boongke của hắn tại Berlin, nhưng tên Adolf còn lại – Adolf Eichmann mới chính là bộ mặt của chế độ diệt chủng”.
50 năm trước, vào lúc 9h sáng 11/4/1961, tên Adolf thứ 2 đã đối diện với công lý tại tòa án tối cao Isarel lâm thời tại Jerusalem. Cuộc xét xử Eichmann là khởi nguồn cho xã hội Israel hiện đại và góp phần tạo ra thế giới như ngày nay.
“Khi tôi đứng trước hắn,” – Công tố viên Gideon Hausner nói trước tòa – “Tôi không hề đơn độc. Tại đây, lúc này, tôi đang đứng cùng 6 triệu nguyên đơn trên tòa thế giới.”
Adolf Eichmann (bên phải, cạnh Hitler) gia nhập Đức Quốc Xã từ 1932 và nhanh chóng được thăng chức trung tá lực lượng vũ trang SS Đức Quốc Xã. Ảnh: history |
Kế hoạch áp giải tên tội phạm diệt chủng
Eichmann là đầu não tổ chức các trại tập trung, nơi hàng triệu người đã bị giết chết dã man. Hắn là người chịu trách nhiệm chính trong kế hoạch tàn sát “Giải pháp tối hậu” của Đức Quốc xã, và cũng chính hắn đã quyết định giết chết hàng triệu người Do Thái tại Ba Lan, người Hungari gốc Do Thái,… Tại trại Auschwitz, Eichmann đã ra lệnh từng người Do Thái phải lần lượt chết, vì hắn lo sợ một ngày nào đó sẽ bị những người sống sót tìm đến trả thù.
Khi quân Liên Xô tràn vào Hungary, Eichmann trốn chạy về Áo và nhiều nước khác. Sau thế chiến thứ II, Eichmann từng bị quân Hoa Kỳ bắt, nhưng sau đó đã trốn trại, và dùng giấy tờ giả mạo để trốn sang Argentina từ năm 1950.
Công tố viên Tây Đức Fritz Bauer đã lần ra dấu vết của Eichmann và báo lại cho tổ chức Mossad. Tổ chức này đã lập kế hoạch bắt cóc Eichmann vào năm 1960.
Eichmann bị dẫn giải khỏi Buenos Aires và đưa dến 1 địa điểm bí mật tại Israel thẩm vấn trong nhiều tháng.
Những người từng tiếp xúc với Eichmann trong những năm này đều nghi ngờ bộ mặt ác quỷ của hắn. Rafi Eitan, người trực tiếp thẩm vấn Eichmann đã miêu tả: “Hắn bề ngoài là một kẻ bình thường, không hề nổi bật, luôn run sợ”.
Án tử hình và hàn gắn đau thương
David Ben Gurion – Bộ trưởng Bộ Tư pháp Israel lúc bấy giờ – hiểu rằng phiên tòa là một cuộc chơi chính trị hết sức khó khăn. Cuộc xét xử nếu được diễn ra công bằng sẽ là sự kiện hợp nhất đất nước Israel non trẻ.
Những người Do Thái nhập cư đến từ khắp nơi trên thế giới, nói những ngôn ngữ khác nhau và tưởng chừng có ít điểm chung sẽ trở về Israel và cùng xây dựng một mảnh đất mới từ đau thương.
Vào năm 1961, Israsel chưa hề có các thiết bị truyền hình, nhưng toàn thế giới thì đã lắng nghe tường thuật trực tiếp cuộc xét xử qua radio và 10 triệu người đón xem những tin tức này qua tivi.
Adolf Eichmann – “kiến trúc sư” của các trại diệt chủng tại phiên xét xử. Ảnh: BBC |
Nhà sử học Tom Segev khẳng định: “Cho đến tận năm 1960, nạn diệt chủng vẫn là vấn đề cấm kị trong các cuộc nói chuyện, cha mẹ không dám kể, và con cái cũng không bao giờ dám hỏi. Cuộc xét xử Eichmann đã phần nào xoa dịu những vết thương lòng của cả loài người”.
Một trong những cảnh sát Israel chịu trách nhiệm thẩm vấn Eichmann, Michael Goldman Gilad, sống sót từ trong trại Auschwitz, nơi cha mẹ và chị gái của ông đã chết. Khi ông quay trở về Israel sau thế chiến, như nhiều người sống sót sau nạn diệt chủng, ông không bao giờ nói về những gì mình đã trải qua, vì “Sẽ không ai tin. Những điều đó quá kinh khủng, nhưng phiên tòa Eichmann đã giúp tôi dám đối mặt và nói ra những điều khiếp đảm đó”.
Ngày qua ngày, càng thêm nhiều người sống sót trong các trại diệt chủng mở lòng chia sẻ về sự khiếp đảm và đau đớn họ đã từng trải qua.
Phiên tòa xét xử trở thành một kinh nghiệm hàn gắn quốc gia chưa từng có.
Vào ngày 30/5/1962, án tử hình duy nhất trong lịch sử Isarel được thi hành. Sau án tử hình, Eichmann được hỏa tang và tro của hắn được rắc xuống biển, để chắn chắn không một hồi ức nào về tên Adolf này sẽ gây đau buồn cho những người đang sống.
Israel hiện tại
Từ một đề tài đau thương, nạn diệt chủng giờ đây đã trở thành một chủ đề bắt buộc tại các trường học ở Israel, những học sinh ở đây tự miêu tả mình như những người sống sót, những mầm sống từ nạn diệt chủng.
Lần kỷ niệm thứ 50 này một lần nữa khơi dậy nỗi đau vẫn âm ỉ trong lòng Israsel. Nhưng liệu bóng tối của quá khứ có ảnh hưởng đến cái nhìn của đất nước Trung Đông này về hòa bình, trong hiện tại và cả tương lai?
Ngọc Anh (Theo BBC)