Những gương mặt 11/9: Ngày ấy, bây giờ
Nhiếp ảnh gia Stan Honda của AFP đã chộp được một khoảnh khắc khó quên: một người đàn ông bị khói bụi bám đầy trên người, một tay cầm túi, một tay lấy khăn che miệng và mũi, thất thểu đi trên đại lộ Broadway sau vụ tấn công 11/9. 10 năm sau thảm họa 11/9, Fine, 57 tuổi, hiện vẫn là một doanh nhân như ngày nào, nhưng ký ức về ngày khủng khiếp vẫn còn nguyên. Ông thậm chí còn giữ được cả chiếc túi đã mang ngày hôm đó. Ảnh: AFP, Mirror |
Hình ảnh một người phụ nữ bước vội khỏi tòa tháp đôi Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC) với lớp bụi bám đầy trên người, được coi là một trong những hình ảnh có tính biểu tượng mạnh mẽ nhất trong vụ 11/9. Đó là cô Marcy Borders, một nhân viên ngân hàng làm việc tại tầng 81 của Tháp Bắc khi vụ khủng bố xảy ra. Cuộc đời cô đã thay đổi hoàn toàn sau cuộc tấn công khủng khiếp của những tên không tặc. Borders, 38 tuổi, thỉnh thoảng lại xuất hiện trên các báo kể lại câu chuyện của mình. Ảnh: Life, Coleman-Rayner |
Dennis Smith là một trong số những lính cứu hỏa đầu tiên có mặt tại hiện trường đổ nát của tòa tháp đôi WTC để tiến hành công tác chữa cháy và cứu hộ. Bức ảnh chụp ông đứng giữa đống đổ nát đã tác động mạnh tới tình cảm của người dân Mỹ và thế giới. Smith còn có mặt tại nơi này trong nhiều tuần sau đó. Khi nghỉ hưu, ông viết hai cuốn sách để kể về những gì đã xảy ra và hai tác phẩm này đều nằm trong số những sách bán chạy nhất tại Mỹ. Smith nay là một nhà văn, với kho chất liệu sáng tác dồi dào từ 18 năm làm lính cứu hỏa. Ảnh: Yahoo News |
Ông Rudolph Giuliani là thị trưởng thành phố New York khi vụ tấn công 11/9 xảy ra. Vai trò của Giuliani được đánh giá cao khi những nỗ lực của ông góp phần vực dậy một thành phố đang rúng động vì vụ khủng bố tồi tệ nhất trong lịch sử nước Mỹ. Sự bình tĩnh và khả năng điều phối các hoạt động của ông mang lại sự tự tin cho người dân New York. Giuliani, nay 67 tuổi, vẫn rất năng nổ trong các hoạt động kinh doanh. Ảnh: AP, Exposay |
Bob Beckwith trở nên nổi tiếng khi hình ảnh ông đứng cạnh cựu Tổng thống Mỹ George Bush tại hiện trường đổ nát của tòa tháp đôi WTC trở thành biểu tượng cho sức mạnh và khả năng nhanh chóng phục hồi của nước Mỹ. Beckwith, khi đó đã 69 tuổi, vẫn là một trong những lính cứu hỏa năng nổ nhất tại hiện trường. Ông lão nay 79 tuổi đã nghỉ hưu sau 29 năm liên tiếp phục vụ trong ngành cứu hỏa Mỹ. Ảnh: Mirror, AFP |
Ba ngày sau khi vụ 11/9 xảy ra, Michael McCormark và các đồng đội đào một đường hầm xuyên qua đống đổ nát của tòa tháp đôi WTC. Họ đột nhiên phát hiện một mảnh vải đỏ, và đều nghĩ rằng đó có thể là chiếc váy của phụ nữ. Tuy nhiên, cuối cùng đó lại là một lá quốc kỳ Mỹ khá lớn và tương đối nguyên vẹn. Khi ấy là 10h30 sáng ngày 14/9/2001, và McComark cùng các đồng đội ngay lúc đó không biết rằng tấm ảnh họ chụp lại với lá quốc kỳ có ý nghĩa như thế nào. Đó chính là lá quốc kỳ Mỹ vẫn tung bay trên đỉnh Tháp Bắc, và việc tìm được lá cờ này có ý nghĩa vô cùng lớn lao đối với người Mỹ, ở thời điểm niềm tin và tự hào bị tổn thương nghiêm trọng. McComark nay đã nghỉ hưu sau 36 năm cống hiến, nhưng hình ảnh của ông và các đồng đội sẽ còn mãi với thời gian. Ảnh: ABC |
David Handschuh là một phóng viên ảnh của nhật báo New York và từng ba lần được đề cử giải thưởng báo chí danh giá Pulitzer. Ông chính là một trong những phóng viên ảnh đầu tiên tiếp cận tòa tháp đôi WTC. Handschuh tới nơi lúc 8h48, tức là chỉ 2 phút sau khi chiếc máy bay số hiệu 11 của hãng American Airlines lao vào Tháp Bắc, và sau đó chứng kiến đầy đủ cú đâm của một máy bay chở khách khác vào Tháp Nam. Không may cho Handschuh, khi tòa tháp đầu tiên sụp xuống, ông đứng khá gần và bị vùi trong lớp bụi dày. Hai lính cứu hỏa, mà Handschuh miêu tả là “những vị thần hộ mệnh”, đã kéo phóng viên ảnh của nhật báo New York ra khỏi đống gạch đá. Handschuh, 52 tuổi, hiện sống cùng vợ và hai con tại bang New Jersey. Ảnh: ABC |
Khi William “Billy” Eisengrein cùng hai lính cứu hỏa khác kéo lá quốc kỳ Mỹ trên đống đổ nát của tòa tháp đôi WTC, họ không biết rằng hình ảnh của mình đã được chụp lại. Bức ảnh này sau đó nhanh chóng trở nên nổi tiếng và được các phương tiện truyền thông khắp thế giới sử dụng rộng rãi. Nó tượng trưng cho sự đứng dậy của nước Mỹ sau một cú vấp nghiêm trọng. Eisengrein, 47 tuổi, nay vẫn là một lính cứu hỏa, với cánh tay đầy hình xăm. Bên cánh tay trái, người ta thấy hình xăm tòa tháp đôi được vẽ nên chỉ một năm sau thảm họa 11/9. Ảnh: ABC |
Gương mặt thảng thốt của cựu Tổng thống Mỹ George Bush khi nghe Chánh văn phòng Nhà Trắng Andrew Card thông báo về việc hai máy bay chở khách lao vào tòa tháp đôi WTC. Không lâu sau đó, ông Bush đại diện cho nước Mỹ phát động cuộc chiến chống lại chủ nghĩa khủng bố toàn cầu. Sau khi rời Nhà Trắng vào ngày 20/1/2009, ông Bush không thường xuyên xuất hiện trước công chúng nhưng vẫn giành được sự quan tâm đáng kể từ dư luận. Ngày 2/5/2011, Tổng thống Barack Obama đã gọi cho ông Bush, khi đó đang ở trong một nhà hàng cùng vợ, để báo về việc cựu trùm khủng bố Osama bin Laden đã bị tiêu diệt. Ảnh: AFP, NBC/Splash |
Phan Lê