10 thảm họa máy bay trong làng thể thao
Hiện trường vụ tai nạn dẫn đến cái chết của các thành viên đội bóng Torino A.C. năm 1949. |
Đội bóng đá Alianza Lima, Peru, năm 1987
Bi kịch xảy ra ngày 8/12/1987, khi chiếc máy bay mang số hiệu F27-400M của Hải quân Peru chuyển chở đội bóng Alianza Lima rơi xuống Thái Bình Dương khi cách điểm hạ cánh chừng 6 dặm. Ngoại trừ viên phi công duy nhất sống sót, toàn bộ 43 hành khách còn lại trên chuyến bay gồm cầu thủ, ban huấn luyện, ban lãnh đạo, hoạt náo viên cũng như phi hành đoàn đều tử nạn.
Lúc đó, Alianza Lima đang trên đường trở về sau một trận đấu ở giải vô địch quốc gia.
Sau khi tai nạn xảy ra, Hải quân Peru đã không tổ chức họp báo, không công bố các kết quả điều tra của họ cũng như cấm các cuộc điều tra độc lập. Thông tin chung chung đưa ra lúc đó là do sự xuống cấp của hệ thống máy móc trong máy bay, và Hải quân luôn tìm cách che giấu sự thật để giữ thể diện. Mãi đến năm 2006, kết luận điều tra chính thức mới được đưa ra ánh sáng. Theo đó, bên cạnh sự xuống cấp của hệ thống máy móc, nguyên nhân còn bởi sự thiếu kinh nghiệm của viên phi công trong các chuyến bay đêm. Anh ta đã nhầm lẫn trong lúc thực hiện các thao tác trong tình trạng khẩn cấp.
Alianza mất phần lớn những cầu thủ trụ cột trong đội hình, nhưng Liên đoàn bóng đá Peru khi đó vẫn không cho mùa giải kết thúc sớm. Trong những trận đấu cuối mùa giải, Alianza phải thi đấu với những cầu thủ được đôn lên từ tuyến trẻ, một số cầu thủ đi mượn từ một câu lạc bộ ở Chile và những tình nguyện viên – vốn là những cầu thủ đã treo giầy.
Đội quyền anh nghiệp dư Mỹ, năm 1980
Chếc máy bay mang số hiệu 007 của hãng hàng không Ba Lan đã gặp tai nạn tại Warsaw (Ba Lan) ngày 14/3/1980, do trục trặc kỹ thuật trong lúc phi hành đoàn đang cho máy bay bay vòng quanh chờ lệnh hạ cánh. Toàn bộ 87 hành khách đều thiệt mạng, trong đó có nhiều thành viên đội tuyển quyền anh nghiệp dư Mỹ. Họ đang trên đường đến Ba Lan để thi đấu với các đối thủ nước chủ nhà và Nga.
Chiếc máy bay 007 cất cánh từ New York lúc 21h18, và sau 9 tiếng đã đến điểm hạ cánh, khoảng 11h13 giờ địa phương. Khoảng một phút trước khi hạ cánh, phi hành đoàn thông báo đèn ở cần hạ cánh không sáng. Và xin được bay vòng quanh để các kỹ sư kiểm tra xác định nguyên nhân là do cháy cầu thì, đèn tín hiệu hỏng hay thực sự là do thiết bị hạ cánh hỏng. Tuy nhiên, chỉ 9 giây sau cuộc hội thoại cuối cùng chiếc máy bay đột nhiên bổ nhào xuống đất. Sau khoảng 26 giây nó đâm vào một gốc cây và bốc cháy.
Một trong những nạn nhân nổi tiếng nhất là Johnny “Bump City” Bumphus – đã đạt điểm lọt vào đội Olympic của Mỹ.
Đội bóng rổ University of Evansville, năm 1977
Ngày 13/12/1977, chiếc máy bay DC-3 chở đội University of Evansville đã đâm xuống một cánh đồng gần sân bay Evansville. Toàn bộ 29 hành khách, trong đó có 14 thành viên đội bóng, đều tử nạn. Một cầu thủ không thể tham dự trận đấu, nên không có mặt trên chuyến bay. Nhưng không lâu sau đó anh cũng ra đi vì một tai nạn xe hơi.
Chiếc DC-3 chở University of Evansville đến Nashville (Tennessee) để thi đấu với đội Middle Tennessee University. Nó gặp nạn chỉ khoảng 90 giây sau khi cất cánh khỏi sân bay Evansville, trong điều kiện thời tiết xấu có mua và sương mù. Nguyên nhân dẫn đến tai nạn là sự mất cân bằng trọng lượng và thất bại của phi hành đoàn trong việc mở khóa an toàn bên ngoài.
Đội bóng Cal Poly, năm 1960
Vụ việc xảy ra ngày 29/10/1960 khi chiếc C-46 chở đội California Polytechnic State University gặp nạn sau khi cất cánh khỏi sân bay Toledo Express Airport ở Toledo, Ohio. Chiếc máy bay được sử dụng từ Thế chiến thứ II gẫy làm đôi và bốc cháy. 22 trong 48 hành khách tử nạn, trong đó có 16 cầu thủ.
Kết luận điều tra cho thấy chiếc máy bay đã chở quá trọng tải. Điều kiện thời tiết xấu cũng là nguyên nhân dẫn đến tai nạn, khi tầm nhìn lúc đó bằng không (sau vụ tai nạn này giới chức đã đưa ra những quy định mới về tầm nhìn cũng như trọng tải cho phép khi cất cánh).
Sau khi bi kịch kể trên ban lãnh đạo California Polytechnic State University đã hủy ba trận đấu cuối cùng của họ ở mùa giải 1960. Cựu sinh viên Cal Poly và huấn luyện viên John Madden của NFL Hall of Fame kể từ đó sợ đi máy bay. Madden từng thi đấu cho đội California Polytechnic State University trong khoảng thời gian 1957-1958. Trong lúc tai nạn xảy ra, ông đang tập huấn ở gần Allan Hancock Junior College. Trong số những nạn nhân, có nhiều người là bạn bè của ông.
Cũng kể từ sau vụ tai nạn, mãi cho đến năm 1969 Cal Poly mới lại thi đấu ở bên ngoài lãnh thổ California.
Đội bóng Wichita State, năm 1970
Thứ Sáu, ngày 2/10/1970, chiếc máy bay Martin 4-0-4 chở đội Wichita State University đã đâm vào một ngọn núi khi ở cách Silver Plume (Colorado) khaongr 8 dặm về phía Tây. 29 người, trong số 36 hành khách và 4 thành viên phi hành đoàn, đã tử nạn tại chỗ và hai người khác chết sau đó vì chấn thương nặng. Đây là một trong hai máy bay chờ đội Wichita State University đến Logan (Utah) để tham dự trận đấu với Utah State University.
Cặp máy bay này được gọi là “Vàng” và “Đen” theo mầu áo của đội bóng. Chiếc “Vàng”, bị tai nạn, chở những cầu thủ được thi đấu chính thức, các huấn luyện viên và đội cổ động viên, trong khi chiếc “Đen” chở những cầu thủ dự bị và một số cổ động viên khác.
Trận đấu đương nhiên bị hủy. Đội Utah State đã tổ chức một lễ tưởng niệm các nạn nhân ở chính sân vận động dự kiến diễn ra trận đấu. Một vòng hoa được đặt ở vạch 50-yard.
Trong khi đó, sau khi tăng cường cầu thủ mới cho phần còn lại của đội bóng, Wichita đã thi đấu tiếp tục những trận còn lại của mùa giải 1970. Tuy nhiên, Wichita State đã ngừng hoạt động sau mùa giải 1986. Trường Đại học đã cho xây dựng một khu tưởng niệm về sự kiện đau lòng này, được gọi là Memorial ’70. Mỗi năm, cứ vào 9h sáng ngày 2/10, tại đây lại diễn ra một buổi lễ tưởng nhớ các nạn nhân.
Đội bóng Torino A.C, năm 1949
Thứ Tư ngày 1/5/1949, một thảm họa hàng không đã cướp đi sinh mạng của phần lớn thành viên đội Torino A.C, vốn được mệnh danh là Il Grande Torino. Chiếc máy bay Fiat G212CP đã đâm vào ngọn đồi Superga, gần Turin, làm chết toàn bộ 31 hành khách – trong đó có 18 cầu thủ, các quan chức đội bóng cũng như phóng viên đi theo đội và phi hành đoàn.
Thời tiết không tốt, tầm nhìn hạn chế và hệ thống thông tin nghèo nàn là nguyên nhân xảy ra vụ tai nạn đau lòng.
Tấn bi kịch đã làm chấn động làng thể thao Italy, bởi lúc đó Torino là một đội bóng huyền thoại. Họ là đội giành chức vô địch Serie A cuối cùng – trước khi giải đấu bị gián đoạn bởi Thế chiến thứ II, và liên tiếp vô địch bốn lần kể từ khi giải đấu trở lại năm 1946.
Vào thời điểm tai nạn xảy ra, Torino A.C. đang dẫn đầu Serie A khi mùa giải còn bốn trận. Trong những trận đấu còn lại với Genoa, Palermo, Sampdoria và Fiorentina, đội bóng đã buộc phải tung ra sân đội hình toàn gương mặt trẻ. Và để tôn trọng và chia sẽ những mất mát của Torino A.C, những đối thủ của họ cũng chỉ sử dụng các cầu thủ trẻ để thi đấu.
Vụ tai nạn cũng làm suy yếu đội tuyển quốc gia Italy lúc đó, bởi trong đội hình của họ có đến 10 cầu thủ Torino. Bản thân Torino cũng mất một thời gian dài mới tìm lại được chức vô địch, vào năm 1976. Duy nhất cầu thủ trong đội Torino năm đó không chết là Sauro Tomà, bởi anh phải sang Bồ Đào Nha điều trị chấn thương.
Đội bóng MU, năm 1958
Vụ tai nạn ở Munich, làm mất đi nhiều thành viên của đội MU. |
Một ngày sau khi cầm hòa Sao Đỏ Belgrad 3-3 tại Nam Tư để lọt vào bán kết cúp C1, ngày 6/2/1958 các thành viên của MU hồ hởi trên chuyến bay trở về Anh. Họ không biết rằng thảm họa đang chờ ở phía trước.
Trên đường trở về từ Belgrad, chiếc máy bay mang số hiệu 609 của British European Airlines phải dừng ở Munich để nạp nhiên liệu. Tuy nhiên, tuyết rơi quá dày nên sau hai lần lấy đà, chiếc 609 vẫn không thể cất cánh. Đến 15 giờ 4 phút, phi hành đoàn quyết định thử lần thứ ba và tưởng như thành công khi đạt đến vận tốc 217km/h. Nhưng đến cuối đường băng, bánh xe sục vào lớp tuyết nhão khiến tốc độ đột ngột giảm xuống còn 194 km/h làm máy bay đổi hướng đâm qua hàng rào sân bay, cánh trái quệt vào một ngôi nhà, thân máy bay lao thẳng vào một ngôi nhà khác, gãy gục trước khi bốc cháy.
Trong số 44 hành khách, 21 người chết ngay tại chỗ, trong đó có 7 cầu thủ MU gồm: Roger Byrne – đội trưởng và hậu vệ hay nhất nước Anh thời đó, tiền đạo Tommy Taylor, các tiền vệ Eddie Colman, Mark Jones, Geoff Bent, tiền đạo David Pegg và Liam “Billy” Whelan. Sau 15 ngày đấu tranh với tử thần, các bác sỹ đã thất bại trong việc cứu sống Duncan Edwards – vốn được đánh giá là tiền đạo cánh hay nhất nước Anh thời đó.
Tuy nhiên, linh hồn của đội bóng – HLV Matt Busby – đã không chịu đầu hàng số phận. Sau 63 ngày chiến đấu với bệnh tật, có đến hai lần cha cố đã đến làm lễ xưng tội, nhà cầm quân huyền thoại đã ở lại với trần thế. Tháng 4/1958, khi chống nạng tập tễnh rời bệnh viện ở Munich, ông tuyên bố: “Tôi cần 10 năm để xây dựng một đội bóng có thể vô địch châu Âu”. Từ số ít những cầu thủ còn lại của “Busby Babes”, ông đã tạo nên một đội bóng hùng mạnh. Và đúng 10 năm sau, ngày 29/5/1968, MU giành chiến thắng 4-1 trong trận chung kết trên sân Wembley trước Benfica Lisbon sau hai hiệp phụ để đăng quang tại C1.
Đội trượt băng nghệ thuật Mỹ, năm 1961
Ngày 15/2/1961, chiếc máy bay Sabena Flight 548 chở khách New York đến Brussels (Bỉ) đã gặp nạn trong lúc hạ cánh. Toàn bộ 72 người trên máy bay, một người ở dưới mặt đất, đã tử nạn. Trong số đó có 18 vận động viên đội trượt băng nghệ thuật Mỹ cũng như 16 thành viên gia đình của họ, các huấn luyện viên và ban lãnh đạo. Họ đang trên đường đến Prague (Tiệp Khắc cũ) để tham dự giải Vô địch thế giới năm 1961.
Hoàn toàn không có dấu hiệu nào báo hiệu xảy ra vụ tại nạn. Khi đến sân bay Brussels, phi hành đoàn được yêu cầu bay vòng quanh để chờ một chiếc máy bay nhỏ rời khỏi đường băng. Sau đó, theo các nhân chứng kể lại, chiếc máy bay lấy độ cao rồi đột ngột đâm sầm xuống một cánh đồng gần đó. Toàn bộ hành khách thiệt mạng. Một nông dân đang làm việc cũng chết oan, trong khi một người khác bị thương vì những mảnh vỡ của máy bay bắn vào.
Giải vô địch thế giới năm đó buộc phải hủy. Từ Nhà Trắng, đương kim tổng thổng Mỹ John F. Kennedy bảy tỏ sự bàng hoàng. Một trong những nạn nhân – vận động viên Dudley Richards – là bạn của ông.
Đội tuyển quốc gia Zambia, năm 1993
Bi kịch xảy đến với đội tuyển bóng đá nam Zambia khi họ trên đường đến Senegal dự vòng loại World Cup 1994, trên một chiếc máy bay quân đội. Đó là tối muộn ngày 27/4/1993.
Toàn bộ 30 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng, trong đó có 18 cầu thủ cũng như huấn luyện viên trưởng. Hai cầu thủ khác của đội tuyển do thi đấu ở nước ngoài nên đi chuyến bay khác và may mắn thoát nạn.
Đã có những điềm báo không tốt xảy ra trước khi máy bay gặp nạn. Trên hành trình từ Zambia đến Senegal, nó đã phải dừng lại ba lần. Lần đầu ở Congo, do những vấn đề về động cơ. Lần thứ hai, chiếc máy bay lại buộc phải hạ cánh xuống Libreville (Gabon) do một trong các động cơ bị cháy và không thể hoạt động. Phi công sau đó đã bắt động cơ bị hỏng, khiến máy bay mất hết trọng lực khi rời sân bay Libreville. Chiếc máy bay sau đó rơi từ trên trời xuống biển.
Một đội tuyển mới nhanh chóng được thành lập để thay thế, và nhận nhiệm vụ khó khăn đưa đội tuyển vượt qua vòng loại World Cup và thi đấu ở giải vô địch các quốc gia châu Phi vài tháng sau. Bất ngờ xảy ra khi tại giải đấu này, Zambia vào đến chung kết, và chỉ chịu thua Nigeri.
Đội bóng bầu dục Old Christians của Uruguay, năm 1972
Thứ Sáu ngày 13/10, chiếc máy bay 571 của Không lực Uruguay nhận nhiệm vụ chở 45 hành khách, trong đó có đội bóng bầu dục Old Christians, gia đình cũng như các quan chức của đội đã gặp nạn ở núi Andes.
Chuyến bay định mệnh hôm đó đưa đội Old Christians từ Montevideo (Uruguay) đến Santiago (Chile) để thi đấu. Do thời tiết xấu và hạn chế của máy bay, chiếc 571 đã không thể bay vượt qua ngọn Andres và buộc phải “đi xuyên” giữa những ngọn núi. Tuy nhiên, phi hành đoàn đã đánh giá sai vị trí dẫn đến tai nạn thảm thương. 29 người đã tử nạn, trong khi 16 người thoát khỏi lưỡi hái tử thần.
Vụ tai nạn sau đó được viết thành truyện mang tên “Alive” và năm 1993 được dựng thành phim với cùng tựa đề.
Doãn Mạnh