500 “trứng rồng” trong hang động bắt đầu nở sau hàng thập kỷ chờ đợi
Hàng triệu du khách vỡ òa trong niềm xúc động khi chứng kiến 2 ấu trùng nở ra từ 500 quả trứng của con manh giông mẹ, loài động vật lưỡng cư kỳ lạ và quý hiếm với biệt danh “rồng non”.
Hôm 31/5, người quan sát ở khắp nơi trên thế giới có dịp chứng kiến quá trình trứng nở vô cùng hiếm hoi của loài manh giông, động vật lưỡng cư có thể sống tới 100 năm và chỉ sinh nở một lần trong mỗi thập kỷ. Ấu trùng manh giông trong suốt chui ra từ lớp vỏ trứng mỏng sau 4 tháng được mẹ ấp ủ. (Ảnh: Iztok Medja).
Ca sinh được ghi lại trực tiếp giống như một phép màu, theo mô tả của phát ngôn viên cơ quan quản lý hang động. “Chỉ hai con manh giông non nở thành công từ 500 quả trứng trong tự nhiên”, phát ngôn viên cho biết. Loài vật có hình dáng giống lươn đã sống trong hang động Postojna nổi tiếng, cách thủ đô Ljubljana của Slovenia 50 km về phía tây nam, suốt hàng triệu năm.(Ảnh: Iztok Medja).
Hang Postojna là một trong những môi trường đầu tiên cho phép nhân giống thành công loài manh giông dưới sự giám sát của con người. “Dù cả khoa học và kinh nghiệm nghiên cứu trước đây cho thấy có rất ít khả năng cảnh tượng ở thủy cung trong hang kết thúc tốt đẹp nhưng chúng tôi vẫn tin chắc điều đó sẽ xảy ra”, phát ngôn viên chia sẻ. (Ảnh: Iztok Medja).
Hai ấu trùng manh giông mới ra đời sẽ sớm có thêm anh chị em, do nhiều quả trứng khác có thể nở bất cứ lúc nào. Bên trong gian phòng lớn, con mẹ và đàn con được giữ trong bóng tối hoàn toàn ở bể chứa trước sự theo dõi liên tục của máy quay nhìn đêm.(Ảnh: Iztok Medja).
Thông qua màn hình tivi đặt gần đó, khách tham quan có thể xem những quả trứng nhỏ lơ lửng trên tảng đá. Thỉnh thoảng, một trong các quả trứng lắc nhẹ. “Đó là khoảnh khắc khiến bạn cảm thấy hạnh phúc vì đang tồn tại và chứng kiến sự kiện hiếm hoi như vậy”, Discovery News dẫn lời Saso Weldt, nhà sinh vật học làm việc tại hang động Postojna, nằm trong số những hang động lớn nhất châu Âu và thu hút 700.000 lượt khách ghé thăm mỗi năm. (Ảnh: Iztok Medja).
Weldt và nhóm nghiên cứu hy vọng đàn mạnh giông mới ra đời sẽ giúp họ hiểu thêm về loài vật được xem như biểu tượng quốc gia của Slovenia này. Dù rất hào hứng khi nhắc đến “rồng non”, người dân địa phương tỏ ra e ngại đến gần hang động suốt nhiều thế kỷ. Theo lưu truyền, vào mùa đông, những cơn mưa nặng hạt thường cuốn trôi manh giông ra khỏi hang động. (Ảnh: Iztok Medja).
Với chiều dài tối đa 35 cm, loài manh giông mù có 4 chi nhỏ. Đôi khi còn gọi là “cá người”, manh giông có ba chiếc mang màu hồng ở mỗi bên mõm. Lớp da màu hồng trong suốt khiến các cơ quan nội tạng lộ rõ. (Ảnh: Youtube).
Do sinh sống trong hang, manh giông phát triển một số kỹ năng săn mồi vô cùng hiệu quả. Thay cho thị giác, loài vật sở hữu thụ thể cảm giác vô cùng tinh nhạy về mặt khứu giác và vận động, giúp nó săn con mồi như cua và ốc sên trong bóng tối. Ngoài ra, manh giông có thể sống sót mà không cần thức ăn suốt một thập kỷ. (Ảnh: Iztok Medja).
Theo khamphavui