Cận cảnh những Mộc bản quý hiếm triều Nguyễn
Trước nay người quan tâm đến Mộc bản triều Nguyễn chỉ tiếp cận được chúng dưới dạng phiên bản, vì để bảo quản, việc chụp hình, quay phim đều không được phép. Nhưng lần này, Ban Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV đã cho Bee.net.vn giới thiệu những Mộc bản quý hiếm nhất trong kho tư liệu, để độc giả tận mắt chứng kiến nguyên bản Mộc bản triều Nguyễn – Di sản tư liệu thế giới.
Những tấm Mộc bản được công bố bên dưới, theo TS. Phạm Thị Huệ, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV, đây là những tấm Mộc bản quý hiếm và điển hình nhất trong khối Mộc bản, bởi nội dung của những Mộc bản này khắc lại những sự kiện quan trọng, tiêu biểu mà đến nay chúng ta còn lưu giữ được.
Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV tại Đà Lạt (Lâm Đồng) đang lưu trữ 34.618 tấm Mộc bản triều Nguyễn được di chuyển từ Huế lên Đà Lạt bảo quản từ năm 1960. Đây là kho tư liệu cực kỳ quý hiếm, phản ánh văn hóa, xã hội, lịch sử cùng những sự kiện qua trọng diễn ra dưới thời nhà Nguyễn trị vì.
Trong các triều đại phong kiến Việt Nam, chỉ duy nhất có triều Nguyễn dưới thời Minh Mạng là cho khắc mộc bản, do vậy mới gọi là Mộc bản triều Nguyễn. Mộc bản triều Nguyễn có nội dung rất phong phú, gồm 152 đầu sách được chia làm 9 chuyên đề gồm: Lịch sử, Địa lý, Quân sự, Pháp chế, Văn thơ, Tôn giáo – Tư tưởng – Triết học, Ngôn ngữ – Văn tự, Chính trị – Xã hội, Văn hóa – Giáo dục. Trong khối tài liệu này có một số bộ sách rất có giá trị mà các nhà nghiên cứu về lịch sử, địa lý, pháp luật, văn hóa của Việt Nam không thể bỏ qua như: Đại Nam thực lục, Hoàng Việt luật lệ (luật Gia Long), Đại Nam nhất thống chí… Trong đó bộ sách Đại Nam thực lục là đồ sộ nhất được biên soạn trong 88 năm (1821 – 1909). Theo một số tài liệu cho biết, những bản khắc Mộc bản chủ yếu sử dụng gỗ thị để khắc, bởi gỗ thị có đặc điểm có màu trắng, thớ gỗ mịn, nhẹ, thường được dùng để khắc dấu không nứt mẻ, không cong vênh. Vì thế nên trải qua mấy trăm năm đến nay Mộc bản vẫn có tình trạng vật lý tốt. Ngoài ra, người ta còn dùng gỗ lê, gỗ táo để khắc Mộc bản. Sách Đại Nam nhất thống chí, một bộ sách địa chí nổi tiếng của triều Nguyễn còn cho biết thêm: “Gỗ dùng để khắc Mộc bản là gỗ cây nha đồng, thớ gỗ mịn, trắng sáng như ngà voi”. Các vấn đề, sự kiện diễn ra dưới triều Nguyễn trị vì chỉ được khắc một lần duy nhất. Để phổ biến rộng rãi nội dung Mộc bản ra nhân dân, triều đình đã cho khắc chữ ngược để in ra nhiều phiên bản trên giấy. Theo Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV, ngày nay Mộc bản triều Nguyễn không những là một dạng tài liệu đặc biệt quý hiếm ở Việt Nam mà còn hiếm có trên thế giới khi phương pháp chế tác khắc in Mộc bản truyền thống ngày càng thất truyền. Đầu năm 2011, Trung tâm cũng đã tìm được 14 tài liệu trong khối tài liệu Mộc bản triều Nguyễn (được khắc trên 17 mặt gỗ) khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. |
Khắc Lịch/Theo Bee