Dán nhãn cho oai!
-“Tôi sẽ không viết được bài báo này nếu hôm đó xe chúng tôi không dừng lại trước cái quán ăn nhếch nhác ven quốc lộ 1” – “Chuyện li ti” tuần này thầy giáo Văn Như Cương nhặt được trên đường về quê xứ Nghệ của ông. Đúng là “chuyện li ti” mà không li ti nhờ sự hóm hỉnh, hài hước và sâu sắc. …
Những từ đặc trưng địa phương của xứ Nghệ, Bee.net.vn xin được giữ riêng như thầy Cương đã viết và có chú giải trong ngoặc đơn ().
Chúng tôi đang đi về Vinh, đến quãng tiếp giáp giữa huyện Quỳnh Lưu và huyện Diễn Châu thì phải dừng lại để nạp “năng lượng” và bước vào cái quán đó. Vì tôi là dân Nghệ nên được giao trách nhiệm “đi chợ”. Tôi gọi cô chủ quán :
– O (cô) gì ơi !Quán o có bia không ?
– Có chứ ạ. Các bác uống bia chi (gì) để em dán nhãn ?
– Răng (sao) lại rứa (thế)? O nói lại tui nghe coi. Răng lại phải dán nhãn ?
– Nhà em chỉ có một thứ bia “địa phương”, tức là bia chúng em tự nấu. Nhưng các bác thích uống loại bia chi thì em dán cho bác nhãn bia đó vào chai.
– Hay hề ! Thế phải trả tiền theo các loại nhãn à? Mà dán nhãn thì hơn được cái chi ?
– Bác ơi, tiền thì trả giống nhau hết (ý nói giá các loại nhãn như nhau cả). Còn dán nhãn là để uống cho sướng, cho có vẻ như mình đang uống thứ bia đó, và cũng oai hơn khi không có nhãn chứ. Các bác muốn bia Hà Nội, bia Sàigòn, bia Tiger – bia chi (gì) em cũng có nhãn để dán.
Thế là chúng tôi vừa uống bia vừa bàn luận.
– Xỏ lá thật (xin lỗi o chủ quán nhé, bọn tỉnh thành bầy tui hay nói kiểu đó). Bia như nước chè thế này mà lại bảo Heineken – Một ông đứng tuổi nói .
– Bác nhầm rồi, họ là người nhà quê thật thà. Họ chả đã nói trước cho chúng ta biết chất lượng thực của bia đó sao, còn cái nhãn dán vào để cho vui mà thôi. Họ không đánh lừa chúng ta. Họ không xỏ lá .
– Theo tôi, họ là những người nhà quê thông minh – Đến lượt một vị trắng trẻo, đã ngà ngà vì mấy cốc bia nước chè, nói – Họ dạy cho chúng mình cái chủ nghĩa “tự làm sướng và làm oai” đó…
– Tôi chả hiểu cái chủ nghĩa “tự làm sướng và làm oai” mà bác nói là cái gì ?
– À thế này nhé. Anh đang ngồi vỉa hè ăn bát phở 20 ngàn đồng… Tôi khuyên anh cứ tưởng tượng như mình đang chén bát phở bò Kô-bê với giá 950 ngàn đồng. Lúc ấy anh sẽ cảm thấy sướng hẳn lên, và cũng cảm thấy oai.
– Đúng đấy. Con tôi đang học một trường quốc lập cũng vào loại tầm tầm, năm nay được dán thêm cái nhãn “chuẩn quốc gia” thế là cả thầy trò và phụ huynh đều sướng.
– Còn cháu tôi thì học ở trường tư thục, năm vừa rồi họ tự dán thêm cái nhãn “trường chất lượng cao”, chẳng thấy sướng gì cả mà chỉ méo mặt vì phải đóng thêm học phí (tính bằng đô ).
– Ông Giám đốc nhà máy của tui được thưởng Huân chương Lao động hạng nhất. Sướng thì không biết có sướng không, nhưng mà oai hơn thì có.
Những chuyến đi, những cuộc gặp gỡ giúp thầy giáo Văn Như Cương có thêm tư liệu và ý tưởng để viết “chuyện liti” |
Một ông đưng đứng tuổi có cái đầu tóc bạc từ nãy cứ ngồi im nghe, nay bỗng cựa mình và nói:
– Vừa qua tôi được giới thiệu làm ứng cử viên của HĐND tỉnh, tôi nghĩ nếu trúng thì mình cũng có một cái nhãn oai oai, nhưng không phải mình tự dán mà do nhân dân (tức là cử tri) dán cho. Nhưng rồi …không đắc cử, chẳng biết được bao nhiêu phần trăm phiếu, chỉ biết là trượt. Trước khi công bố kết quả, tôi đã chuẩn bị tinh thần để trở thành một người khác, oai hơn. Nhưng bây giờ thì tôi trở lại…chính mình rồi. Hề … hề.
Cuộc bàn luận bị cắt ngang vì anh lái xe cao giọng: “Xin mời các bác trở lại xe của mình để đi tiếp.
Tôi trả tiền o chủ quán và không quên xin mấy cái nhãn làm kỉ niệm. O vui vẻ cho tôi một xấp.
Văn Như Cương