Phát hiện cá chình cùng thời khủng long
Các nhà khoa học Mỹ và Nhật Bản vừa phát hiện một loài cá chình vẫn còn giữ nhiều đặc điểm từ thời kỳ khủng long ở trong một hang ngầm dưới biển ở đảo Palau (Thái Bình Dương).
Trên toàn thế giới có khoảng 800 loài cá chình, chia thành 19 họ. |
Những phân tích ban đầu cho thấy, loài vật này đã có mặt trên Trái Đất từ 200 triệu năm trước và từ đó đến nay, cơ thể chúng rất ít thay đổi.
Nhóm các nhà khoa học Mỹ-Palau-Nhật Bản cho biết những đặc điểm của loài cá chình này cho thấy nó đã có một lịch sử tiến hóa độc lập và lâu đời kéo dài khoảng 200 triệu năm.
Các thông tin chi tiết xuất hiện trên tạp chí Proceedings của Royal Society B.
Con cá chình được sử dụng là cơ sở cho nghiên cứu mới này là một con cái dài 18cm, được một nhà nghiên cứu phát hiện trong quá trình lặn xuống một hang động sâu 35 mét thuộc Cộng hòa Palau.
Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng đề cập đến ví dụ khác về các loại cá chình mới trong bài nghiên cứu.
Ban đầu đã có nhiều cuộc thảo luận giữa các nhà nghiên cứu về sự tương đồng của loài này. Tuy nhiên, những phân tích di truyền đã xác nhận rằng con cá này là cá chình ‘thực sự’ – dù nó là một con cá chình nguyên thủy.
“Nó nguyên thủy hơn so với những con cá chình gần đây ở một vài đặc điểm, thậm chí còn nguyên thủy hơn cả những con cá chình hóa thạch lâu đời nhất được biết đến. Điều này cho thấy con cá chình này đại diện cho một ‘hóa thạch sống’ mà không có một tài liệu hóa thạch nào từng ghi lại” – các nhà khoa học viết.
Ngô Nguyễn (Theo BBC)