Hàng trăm dân nghèo bỏ tiền triệu mua hàng “xa xỉ” để… mong giàu
Nhiều tháng nay, hàng trăm người dân tộc thiểu số tại huyện Đắk Glei, Kon Tum đua nhau bán nông sản “non” và vay nợ mua máy ôzôn, bếp từ, máy mát xa… với giá “khủng” chỉ để… ngắm và chờ tiền.
Nhịn ăn nhịn mặc để mua hàng “xa xỉ”
Anh A Mắc đang khoe cái máy ôzôn 4,7 triệu mà anh mua về 4 tháng nay chưa 1 lần sử dụng
35 tuổi nhưng vợ chồng A Mắc và Y Nin (thôn Đắk Ác, xã Đắk Long) đã có đến 5 đứa con. Làm 1 ha mì, gần 3 sào lúa và vài sào bắp nhưng cuộc sống của gia đình luôn bấp bênh chỉ với 1 ngôi nhà gỗ vài m2, trong nhà không có bất cứ vật dụng gì đáng giá ngoài chiếc ti vi. Thế mà tháng 4 vừa rồi, vợ chồng A Mắc mang 15 triệu đồng xuống Quy Nhơn, Bình Định “tậu” về 1 nồi cơm điện, 1 bếp từ (giá 5,2 triệu đồng), 1 máy ôzôn (4,5 triệu), 1 “túi vú” và “túi xi- líp” mặc vào có thể “hút bệnh” (2,5 triệu) xuất xứ từ Trung Quốc…
Anh A Mắc cho biết, phần lớn số tiền trên hai vợ chồng anh đi vay bà con và gia đình anh Quân người Kinh, đến mùa thu hoạch mì thì sẽ bán trả nợ. “Mình mua vì “trăm hoa đua nở”, khi nào khung 1 đầy 100 người cộng từ Hà Nội vào Nam thì mình sẽ được hưởng 1 triệu đồng, khung 2 là 10 triệu đồng, khung 3 là 40 triệu đồng. Lúc đó mình sẽ có nhiều tiền, còn mấy cái hàng này khi nhận tiền rồi mình vứt đi chứ để làm gì”, anh A Mắc giải thích.
Được cậu con rể động viên, ông thôn trưởng A Jêu, thôn Đắk Ác cũng dẫn vợ xuống Quy Nhơn “tậu” 1 máy ôzôn, một nồi điện và bếp từ với giá gần 10 triệu đồng: “Mình đi mua hàng nên công ty lấy xe đưa đón không mất tiền, mình chỉ mất 130.000 tiền thuê khách sạn và tiền ăn 1 đêm, 2 ngày thôi. Bếp từ mình không dùng, còn máy ôzôn 1 tháng dùng 1 đến 2 lần, vì chỉ khi nào mua thịt hoặc cá mình mới dùng để rửa thôi”, ông trưởng thôn cho biết.
Chính quyền bất lực
Hỏi kỹ ra thì được biết những người dân ở đây tham gia hệ thống kinh doanh của một Công ty kinh doanh đa cấp khá “tiếng tăm” từ trong Nam tới ngoài Bắc. Quy tắc kinh doanh ở đây với tên gọi khá “mỹ miều” là “trăm hoa đua nở”: ai mua hàng từ 5 triệu đồng trở lên sẽ được tham gia vào hệ thống. Khi khung 1 đầy 100 người tham gia, người chơi sẽ nhận được khoản tiền 1 triệu đồng. Đầy khung khung 2 sẽ có cơ hội nhận 10 triệu đồng và đầy khung 3 sẽ được 30 triệu đồng. Ngoài ra công ty này còn “phỉnh” người tham gia bằng cách cho “lên chức” tổ trưởng kinh doanh nếu rủ được 3 người tới công ty mua hàng. Ngoài ra nếu ai rủ thêm được 1 người mua hàng của công ty với số tiền từ 5 triệu đồng trở lên sẽ được hưởng ngay từ 400 – 600 nghìn đồng. Chính vì cách thức trên mà những người dân nghèo cứ tự rỉ tai nhau, lôi kéo nhau bỏ ra những khoản tiền lớn tới công ty này mua những món đồ mà theo họ là “vứt đi chứ để làm gì”.
Đau xót hơn, nhiều người vì ham “thoát nghèo” mà vay nợ, thiếu đói, nheo nhóc; rồi để “gỡ lại vốn” họ lại cố gắng rủ rê chính những người thân của mình bỏ tiền triệu ra mua hàng.
“Bà con tham gia chỉ là hám lợi chứ đâu có biết gì, cả ngày trên rẫy đến tối mới về mệt ngủ lăn ra chứ có dùng đến những thứ mua về đâu. Nhiều gia đình thậm chí rất nghèo, cơm không đủ ăn, quần áo thiếu mặc nhưng cũng cố gắng vay tiền để tham gia mua hàng vì chương trình “trăm hoa đua nở”. Có gia đình nghèo quá vay không được tiền, chuẩn bị bán nhà để lấy tiền mua hàng, may mà xã kịp thời can thiệp”, ông Lai chua xót.
Trước tình trạng trên, cán bộ xã đã kết hợp với bộ đội biên phòng họp dân, động viên, phân tích cho người dân hiểu không nên mua những món hàng “xa xỉ” trên nhưng người dân vẫn bỏ ngoài tai. “Khi họp nói thì họ nghe, nhưng sau đó vẫn đâu vào đấy. Trước đây cứ đủ 10 người là công ty (công ty kinh doanh đa cấp nói trên- PV) cho xe vào tận nhà để đón dân đi xuống Quy Nhơn mua hàng. Khi xã ngăn chặn thì họ không cho xe vào đón nữa mà người dân tự nguyện lén lút chạy xe máy xuống Quốc lộ 14 để lên xe công ty chờ sẵn đưa đi” – ông Lai cho biết thêm.
Theo tìm hiểu của người viết, không chỉ tại xã Đắk Long mà một số xã khác cũng đang có hàng trăm người dân nghèo vay nợ, bán nông sản “non” để được tham gia vào hệ thống kinh doanh đa cấp này.
Nhìn người dân mua “hàng xịn” về cất trên cái đói, cái nghèo, sự nheo nhóc, sự ngây thơ mông muội mà xót xa!
Thiên Thư
Theo dantri