Thế hệ trẻ và sự xuống dốc về đạo đức
Mấy năm gần đây tôi quan sát thấy thế hệ thanh thiếu niên Việt Nam ngày nay thật sự quá khác biệt so với lớp anh chị cách đây 10 năm. Sự khác biệt lớn lao này có lẽ là điều tất nhiên khi mà công nghệ thông tin đã phát triển tới mọi ngõ ngách của làng quê, ai ai cũng có thể truy cập internet một cách dễ dàng bằng một chiếc điện thoại thông minh màn hình 4 inch. Họ có thể tải lên tải xuống hàng loạt các tài nguyên mạng, tốt có xấu có.Văn hóa đồi trụy và lối sống ảo tưởng như căn bệnh ung thư di căn khắp cơ thể và có thể giết chết tâm hồn trong sáng của nạn nhân bất cứ lúc nào một cách không tự biết. Tâm hồn của giới trẻ, cách nghĩ, cách sống của giới trẻ hiện nay là những thứ nhàn nhạt, nhàm chán và vô tri pha trộn lẫn nhau. Các bậc phụ huynh cho phép con cái sử dụng điện thoại di động khi các em mới bước vào phổ thông trung học, ở độ tuổi các em có nhiều bất ổn về tâm sinh lý, khi tiếp cận với những thứ như mạng xã hội, game online, các ứng dụng 18+, các em sẽ đánh mất tâm hồn trong sáng mà lứa tuổi này nên có.
Ngày nay, nam thanh niên trở lên yếu đuối, tính cách nhu mì giống phụ nữ, lập trường không mạnh lắm. Còn thiếu nữ thì mạnh bạo, thích thể hiện cảm xúc, trở lên chủ động trong mọi việc, khác xa với vẻ dịu dàng nhu mì tự nhiên của các cô gái trước đây. Việc phổ biến mạng xã hội đã khiến cho họ không còn cảm thấy cần phải giữ gìn lời ăn tiếng nói. Trên mạng xã hội lớn nhất hiện nay, Facebook.com, nếu bạn đăng ký một tài khoản và kết bạn với nhóm có độ tuổi 15 đến 19, bạn sẽ nhận được rất nhiều sự bất ngờ. Mỗi khi bạn cập nhật bảng tin sẽ hiện lên rất nhiều những status chửi bậy, than phiền một cách vô văn hóa, họ chửi bạn bè, thậm chí chửi cả bố mẹ vì những lý do rất đỗi thường tình như “không mua xe đạp điện, hoặc không cho họ đi dã ngoại với tập thể…” Trớ trêu thay, chủ nhân của các status này không phải là các nam thanh niên hỗn láo, mà phần lớn là của các thiếu nữ tuổi teen có ngoại hình xinh xắn. Tôi đã từng tiếp xúc với những cô gái tuổi teen nghiện facebook. Họ không thể rời xa chiếc điện thoại của mình, họ luôn để mắt tới nó, cập nhật comment, post ảnh, post status… Khi họ vui thì bài viết có văn hóa, khi họ bực mình thì không ngại nói tục chửi thề, lạ thay, lượng thích (likes) các status này rất lớn.
Công nghệ thông tin đã trói buộc những suy nghĩ đúng đắn của giới trẻ. Ở cái tuổi chưa ổn định về tâm lý, cái tốt khó tiếp thu, còn cái xấu rất dễ lôi cuốn vào. Những lối suy nghĩ xấu thậm trí bệnh hoạn lan tràn nhanh chóng trong giới trẻ làm quan niệm của chúng trở lên lệch lạc. Tình yêu tuổi học trò trở thành mốt, lên facebook cứ phải vợ vợ chồng chồng mới hay. Và tất nhiên quan hệ tình dục là điều khó tránh khỏi. Giới trẻ không nhận biết được chính bản thân mình làm điều tốt hay xấu. Phụ huynh thì tưởng rằng quản lý con cái tốt lắm. Nhà trường thì lại hay tổ chức dạy thêm học thêm, và giờ học thêm ấy chính là lúc thích hợp để các vợ chồng nhí trốn học.
Mạng xã hội làm lối sống của một bộ phận giới trẻ trở lên ảo tưởng, họ thích được quan tâm thái quá, thích thể hiện bản thân trong một cộng đồng ảo. Ở đó họ cảm thấy tự do, không bị quản thúc của phụ huynh. Mạng xã hội đã biến tính cách một số bạn trẻ trở thành 2 mặt: một mặt hòa nhã trong cuộc sống thực, mặt khác có thể tuôn ra những lời nói vô văn hóa trên thế giới ảo. Có người nhận xét “ trên mạng xã hội người ta được sống thật với bản thân, nói lên những điều họ muốn nói và bộc lộ cảm xúc thật”. Tôi thấy rằng đó là suy nghĩ thật nông cạn. Cảm xúc tiêu cực của con người mà nhiều thì chứng tỏ lý trí của họ rất lu mờ, cũng tương tương rằng đầu óc họ không được sáng suốt cho lắm, chuyện nhỏ nhặt cũng làm họ phát hỏa, những ái ố riêng tư cũng phơi bày hết cả ra cho toàn thiên hạ thấy, loại người như thế có đáng được người khác tôn trọng hay không? Người khác lướt qua và thấy thật là tẻ nhạt và lố bịch. Nói thêm về thiếu nữ sử dụng mạng xã hội, thiếu nữ ngày nay không được đoan trang lắm, họ thích chụp loại ảnh “ tự sướng”, chụp ngay cả khi ăn, khi ngủ, thậm trí khi sắp đi tắm, họ khoe cơ thể, vai và ngực, khi post ảnh lên tường Facebook, họ chắc mẩm sẽ nhận được 1 lượng likes khổng lồ. Đây là tâm lý gì vậy. Nó là một sự ảo tưởng về bản thân, thích được người khác chú ý.
Một thiếu nữ đẹp, mà giới trẻ gọi là “ hot girl” tâm sự rằng “ Con trai theo đuổi tôi không có ai tử tế và đáng tin”. Thử hỏi khi post những bức hình khoe cơ thể như vậy thì đối tượng nào sẽ quan tâm đến cô ta. Tôi sẽ phân tích một chút. Khi nhìn những bức ảnh thiếu đoan trang, một chàng trai tốt sẽ nghĩ “ Cô ấy thật đẹp, nhưng có lẽ không hợp để làm một người vợ” và chàng trai này sẽ không quan tâm lắm đến cô gái. Nhưng những đàn ông trăng hoa sẽ để mắt tới, họ sẽ buông những lời làm quen lịch sự và ngọt ngào mục đích muốn tán tỉnh cô ta. Cái mà đàn ông hiện nay gọi là “chăn rau” đều xuất phát từ những trường hợp như thế.
Từ đầu bài viết tới đây, có lẽ mọi người nghĩ tôi đổ lỗi cho sự phát triển của công nghệ thông tin. Không hẳn là vậy. Mặt chủ yếu của hiện tượng tha hóa đạo đức giới trẻ ngày nay chính là vì nền văn minh và dân trí nơi đây không theo kịp công nghệ. Ở các nước phát triển, công nghệ thông tin phủ sóng toàn quốc, nhưng họ sử dụng chúng một cách có văn hóa, có mục đích và có lý trí. Điều này các du học sinh Châu Âu, Úc, và Mỹ có thể cảm nhận được. Tôi thấy rằng cuộc sống của họ là phát triển bình thường, những thứ họ tiếp xúc là có trình tự, không giống như ở Việt Nam, khi dân trí người ta còn quá hạn hẹp, việc tiếp xúc với nguồn thông tin tốt và xấu tràn lan trên internet một cách dễ dàng quá khiến người ta không còn nhận thức được điều gì là đúng đắn. Ở Việt Nam, người ta đã rất quen với 2 từ “Quá độ”.
By Hải Phong