Ẩm thực trị bệnh trong Đông Y & Tây Y
(Shutterstock*)
Ngày xửa ngày xưa, ở một thiên hà xa, rất xa (theo kiểu Star Wars) có một vị thầy thuốc đi du hành với một túi thảo dược, một vài cây kim châm cứu bằng vàng và một ngàn lạng vàng.
Thật ra, vị lương y này không có một nghìn lạng vàng nhưng ông có những cây kim châm cứu bằng vàng và sống trên trái đất. Ông có một niềm tin vững chắc rằng sinh mệnh mỗi người quý giá hơn cả ngàn lạng vàng. Ông chính là Tôn Tư Mạo (581-682 SCN) và vì niềm tin của mình, ông đã viết một cuốn sách tên là “Bị Cấp Thiên Kim Yếu Phương” (phương thuốc sẵn có để cứu nguy đáng giá ngàn vàng – 千金要方).
Trong cuốn sách này ông mô tả chế độ ăn uống bằng cách sử dụng các loại thực phẩm cụ thể và các loại thảo mộc Trung Quốc để chữa các bệnh như bệnh bướu cổ, bệnh quáng gà và bệnh tê phù. Ngày nay chúng ta hiểu được tính khoa học đằng sau phương cách chữa bệnh này: iốt cho bướu cổ, Vitamin A cho bệnh quáng gà và B1 cho bệnh tê phù. Nhưng chúng ta có hiểu được hệ thống các loại thực phẩm và thảo dược Trung Quốc để điều trị bệnh vào 1400 năm trước?
Từ xa xưa người Trung Quốc đã biết sử dụng thực phẩm và các loại thảo mộc Trung Hoa, trong các chế độ ăn uống, để điều trị các bệnh nan y, điều này đã được ghi lại trên các giáp cốt văn. Chúng ta đã có các nghiên cứu chứng minh rằng các loại thực phẩm và thảo dược Trung Quốc có hiệu quả trong việc điều trị hầu hết các loại bệnh mà con người biết đến. Ở phương Tây, khái niệm “chế độ ăn uống” hầu như để chỉ các phương pháp giảm cân.
Chế độ ăn uống của Trung Quốc có thể tập trung vào việc giảm cân hoặc không, nhưng mục đích chính của nó là để điều trị bệnh. “Chế độ ăn uống” của phương Tây tập trung vào protein, calo, carbohydrate, các vitamin và chất dinh dưỡng khác, trong khi chế độ ăn uống của Trung Quốc tập trung vào: Ngũ vị, Ngũ Hành, sự kết hợp cũng như kiêng kỵ trong thực phẩm. Khái niệm cơ bản là, nếu tôi cảm thấy lạnh, tôi nên ăn một cái gì đó ấm. Nếu tôi cảm thấy nóng, tôi nên ăn một cái gì đó mát (chúng ta đều làm điều này phải không?). Nghe có vẻ đơn giản, nhưng cũng cần hiểu một số khái niệm cơ bản.
Người Trung Quốc phân loại thực phẩm thành ngũ vị. Hương vị rất quan trọng cho cả thực phẩm và các loại thảo mộc Trung Quốc bởi vì mỗi hương vị ảnh hưởng một số cơ quan nội tạng. Ngũ vị là ngọt, chua, đắng, mặn và cay. Nếu bạn thích thưởng thức các loại thực phẩm ngọt và mặn và bỏ lỡ những lợi ích sức khỏe của các loại thực phẩm đắng, chua và cay vậy thì bạn nên mở rộng sở thích của mình.
Thức ăn ngọt có tác dụng với dạ dày và lá lách, ví dụ rõ ràng là mật ong, đường và dưa hấu. Thức ăn ngọt khiến người Mỹ liên tưởng đến kẹo và kem ngọt. Bài viết này sẽ không bao gồm các loại thực phẩm chế biến, vì vậy hãy nghĩ đến lúa mạch, đậu xanh và hạt hướng dương, các loại thực phẩm ngọt giúp trung hòa các tác dụng độc hại của các loại thực phẩm khác.
Nếu bạn chưa nếm thử đậu xanh thì hãy thử một lần xem sao; nếu bạn bị bệnh tiểu đường, nó sẽ là thực phẩm tuyệt vời cho bạn. Vì không thể trình bày hết ở đây nên các bạn có thể tham khảo danh mục các loại thực phẩm được phân loại theo danh mục trong cuốn sách sau: Chữa Bệnh với Thực Phẩm Toàn Phần: Phong Tục Châu Á và Dinh dưỡng hiện đại (Healing with Whole Foods: Asian Traditions and Modern Nutrition) của Paul Pitchford nếu bạn muốn biết thêm thông tin về chủ đề này.
Thực phẩm chua như giấm, ôliu, chanh và đậu đỏ có thể giúp ngưng đi ngoài và rất hữu ích trong điều trị tiêu chảy. Các loại thực phẩm đắng có thể giúp giảm nhiệt độ cơ thể. Ví dụ về các loại thực phẩm đắng như củ cải, cỏ biển và cà phê.
Hầu hết người phương Tây có thể không xem cà phê là thực phẩm đắng, hãy thử nhai một hạt cà phê sống, có thể bạn sẽ ngạc nhiên. Thức ăn mặn giúp làm mềm các phần cứng, điều đó giải thích tại sao tảo bẹ và rong biển thường được sử dụng cho người bị bệnh bướu cổ. Các loại thực phẩm cay hay nồng như bạc hà Trung Quốc hoặc gừng giúp gia tăng sự lưu thông năng lượng. Trà bạc hà tươi, đặc giúp ra mồ hôi nhẹ trên trán.
Khi đề cập đến ngũ hành trong thực phẩm, học thuyết của Trung Quốc cho rằng thực phẩm có khả năng làm cho bạn thấy nóng hoặc lạnh. Nhưng năng lượng thậm chí được phân loại thành lạnh, mát, ôn hòa, ấm hay nóng. Đây là một khía cạnh rất quan trọng của thực phẩm vì một “chế độ ăn uống cân bằng” là khác nhau tùy thuộc vào thể chất của mỗi người.
Ví dụ một người có thân nhiệt lạnh sẽ cần thức ăn có tính nóng. Nếu một người bị bệnh thấp khớp và cơn đau trở nên tồi tệ hơn trong những ngày lạnh, hãy cung cấp cho người đó thức ăn có tính ấm nóng như một món súp làm từ các loại thảo mộc Trung Quốc như gừng, ớt đỏ, ớt xanh hoặc quế.
Sự hiểu biết về tính chất của các loại thực phẩm để đưa ra một chế độ ăn uống cân bằng là điều quan trọng nhất. Thông thường các loại thảo mộc có tác dụng hiệu quả hơn và nhanh hơn so với các loại thực phẩm và vì lý do này các loại thảo mộc thường được sử dụng trong nấu ăn Trung Quốc.
Chủ đề này là rất rộng lớn và tôi mới chỉ nói tới hai chủ đề liên quan đến các loại thảo mộc Trung Quốc, nguyên lý về thực phẩm và chế độ ăn uống. Sự khác biệt chính giữa chế độ ăn uống của người phương Tây và khái niệm về chế độ ăn uống của người Trung Quốc là: Sự tác động của thực phẩm đối với thân thể người và các tính chất của nó. Để tìm hiểu thêm về những khái niệm này xin vui lòng xem phần tiếp theo.
Theo Đại Kỷ Nguyên