Câu chuyện về cô bán vé số có tấm lòng như Phật
Một buổi sáng ở Bến Lức Long An. Như mọi ngày, chị Lành ( quê Hồng Ngự) phải ròng rã đi bộ cả chục cây số để mời mua vé số, gặp ai cũng mời cũng chào, nụ cười đôn hậu.
Sáng đó, chị gặp anh Tuấn, làm nghề chạy xe ba gác đang uống cà phê. Thấy chị tội nghiệp, anh Tuấn mua ủng hộ 20 tờ, nhưng hẻm có tiền trả, nên nói thôi chị cứ giữ giùm. Nếu tới chiều mà còn thì đưa cho tui, tui trả tiền cho, coi như giúp đỡ. Nói rồi anh chạy đi chở hàng, nụ cười sáng loáng. Dưới miền Tây, người lao động hay vậy. Dù nghèo khổ vẫn không quên giúp đỡ những người nghèo giống mình, ăn cái bánh cũng bẻ đôi cho người bên cạnh, chứ không phải đợi có tiền mới đi làm từ thiện, thể loại đó thì chỉ miệng mồm chứ muôn đời chả giúp ai.
Ở miền Tây, người ta hay cười. Cười hồn nhiên theo kiểu văn hóa Miên Thái, ít chửi bới văng tục nặng lời ghim gút với nhau kiểu văn hóa Tàu. Trong suốt hơn 300 năm mở cõi, những cư dân Việt ở đây đã phải biết thoát Trung như thế nào về mặt tư duy và văn hóa. Nhưng vì tài nguyên phong phú, nên ở miền Tây có rất nhiều người làm biếng, thích hưởng thụ hơn lao động. Và cũng bị đánh giá là ít sâu sắc, kém khoản ăn nói hoa mỹ. Nhưng suy cho cùng, cái tâm sáng mới là cái đáng trân trọng. Chứ ăn nói sắc sảo khôn ngoan mà chi. Sắc sảo thì có đứa sắc sảo hơn. Khôn ngoan khéo léo thì có đứa khôn khéo hơn. Chỉ có trung thực thì không có tính từ so sánh hơn ( Trong tiếng Anh, beautiful thì có more beautiful, the most beautiful nhưng honest ( trung thực) thì không có more hay most gì cả).
Cái chiều hôm đó, ông trời có mắt, trong 20 tờ vé số đó có 4 tờ trúng đặc biệt. Trị giá 1 tờ là 1 tỷ rưỡi. Và 16 tờ còn lại thì cũng có giải này giải kia…nên tổng trị giá là 6.6 tỷ. Chị Lành dò thấy trúng nên mới gọi anh Tuấn tới quán cà phê hồi sáng, kêu “trả lại cho tui 200 ngàn tiền anh mua thiếu rồi tui mới đưa 20 tờ vé trúng thưởng cho anh”. Anh Tuấn tới, móc túi đưa chị Lành 200 ngàn, nhận 20 tờ. Boa luôn 1 tờ đặc biệt. Thế là chị Lành có được 1.5 tỷ, còn anh Tuấn thì vẫn còn 5.1 tỷ. Mọi người nói sao chị không giữ lại, im luôn thì anh Tuấn cũng đâu có biết, thậm chí có biết cũng không làm được gì vì số trên vé bao nhiêu thì chỉ có chị Lành biết thôi. Chị Lành trả lời hồn nhiên là “ Hai chục tờ này anh Tuấn nói là mua rồi, tui để riêng, trúng trật gì cũng của ảnh. Tui chỉ giữ giùm. Tui mà im luôn thì người ta coi tui ra gì”.
Tony đọc mẩu tin trên mà cười ra nước mắt. “ Coi tui ra gì” à, chị như thế nào thì người ta coi ra như thế ấy chứ. Thích hành động chị Lành gọi điện đòi cho được 200 ngàn tiền bán thiếu. Dân làm ăn phải vậy. Sòng phẳng để được bền lâu. Và cũng thích cách anh Tuấn đưa lại 1 tờ trúng đặc biệt. Một sự tưởng thưởng rất hào sảng của người phương Nam.
Và cho dù ở ngoài kia, người ta có đảo điên chụp và giật, cho dù trên phương tiện truyền thông, hàng ngàn doanh nhân doanh nhéo với bao nhiêu là danh hiệu vẫn không biết TÍN biết nghĩa là gì, câu chuyện chị Lành như 1 dòng suối mát trong giữa sa mạc khô cằn của sự thiếu niềm tin. Có bao nhiêu người mang tiếng làm ăn lớn nhưng trở mặt như trở bàn tay, nuốt lời như cơm bữa, thì trong lòng Tony, chỉ có chị Lành xứng đáng với danh hiệu doanh nhân. Duy chỉ 1. Câu chuyện của chị xứng đáng được đưa vào giáo khoa thư.
Chị đã làm rạng danh quê hương Hồng Ngự, ít ra trong các quán cà phê, quán nhậu vỉa hè. Người ta vinh danh chị như vinh danh 1 cái đẹp, dù lẻ loi giữa cuộc đời này. Trong khi chị chỉ là 1 người bán vé số ở một huyện biên giới rất xa xôi. Nhìn ảnh chị chụp trên báo, nhìn nụ cười hồn nhiên của chị và anh Tuấn, trong đầu bất chợt vang lên bài hát “ Hồng Ngự mang tên em”* của nhạc sĩ Tô Thanh Tùng.
“Tôi sẽ về thăm quê hương Hồng Ngự.
Nhìn lúa Tháp Mười vươn lên đầy đồng.
Nhìn dòng Tiền Giang êm ái.
Nhìn cánh chim trời tung bay.
Mà nghe luyến lưu dâng đầy..”
Bài viết từ FB Tony Buổi sáng