Du lịch Việt Nam – Nạn nhân của truyền thông Trung Quốc
Căng thẳng biển Đông kéo theo các ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế Việt Nam, ngành du lịch cũng không tránh khỏi các tác động này. Lượng khách du lịch đến Việt Nam, đặc biệt là du khách Trung Quốc sụt giảm nghiêm trọng.
Điều đáng nói ở đây là những lời truyền miệng từ những vị khách hủy tour làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh điểm đến du lịch an bình mà Việt Nam bấy lâu nay cố gắng xây dựng.
Cũng từ sau vụ giàn khoan, tình hình ngành du lịch trở nên ảm đạm hơn. Bởi theo Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, từ nhiều năm nay, Trung Quốc là thị trường có số lượng khách quốc tế đứng đầu của Du lịch Việt Nam (chiếm 25% tổng số khách quốc tế đến Việt Nam). Đồng thời, hiện nay, tại các nước Âu Mỹ đang là thời tiết đẹp, lượng khách du lịch đến Việt Nam không nhiều nên chỉ có thể kì vọng vào các nước châu Á. Thông thường khách tại khu vực châu Á thường theo đi đoàn với số lượng lớn và còn có thói quen mua quà kỷ niệm cho người thân và bạn bè. Do đó, họ là nguồn khách mang lại lợi nhuận và thu nhập khá cao cho du lịch Việt Nam nói chung và hướng dẫn viên nói riêng. Tuy nhiên, nhiều hướng dẫn viên du lịch hiện đang phải ‘nằm nhà’.
N.L, một hướng dẫn viên du lịch chuyên đón tiếp các đoàn khách nước ngoài, cho biết: “Theo thông tin từ một số công ty du lịch lớn, vụ việc Trung Quốc gây ảnh hưởng liên đới đến tình hình các du khách từ nước khác như Đài Loan, Nhật, Hàn Quốc và những nước ĐNÁ có người Hoa sinh sống. Lượng booking của các khách Nhật và Hàn giảm mạnh vì họ e ngại nét tương đồng về khuôn mặt sẽ gây hiểu lầm; còn du khách người Hoa tại các nước khác thì lại sợ bị vạ lây khi rất nhiều người VN không phân biệt nỗi đâu là Hoa TQ Đại lục, đâu là Hoa Sing, Hoa Mã, …”
Một số khách từ tận Dubai thì chỉ toàn nghe thông tin về VN như biểu tình, giết người dã man qua truyền thông nên không dám đến. Có những người vì phải đến VN công tác thì mới ‘liều’ qua. Đến nơi mới vỡ lẽ tình hình VN không đến nỗi tệ, thậm chí rất yên bình và có mong muốn sẽ trở lại”.
Đại diện công ty lữ hành có trụ sở tại Thụy Khuê (Hà Nội) cho biết: “Công ty chúng tôi từ trước tới nay chủ yếu cung cấp và phục vụ tour du lịch cho khách Trung Quốc tới Việt Nam. Tuy nhiên, từ khoảng cuối tháng 5/2014 trở đi, số lượng đoàn khách giảm đi đáng kể, thậm chí, có tuần không có đoàn nào. Hiện tại công việc kinh doanh của chúng tôi đang gặp rất nhiều khó khăn”.
Một doanh nghiệp khác có văn phòng đặt tại Hoàng Quốc Việt (Hà Nội) cũng chia sẻ khó khăn tương tự: “Kể từ giữa tháng 5/2014, dù đưa ra nhiều chương trình khuyến mại hấp dẫn, đổi mới hành trình tour nhưng phía đối tác Trung Quốc vẫn yêu cầu hủy hợp đồng. Hiện tại chúng tôi đang tập trung vào mảng du lịch nội địa và đón các đoàn khách từ các nước Đông Nam Á như Malaysia và Philippines. Tính từ đầu tháng 6 cho tới nay, chúng tôi chưa đón được đoàn khách Trung Quốc nào”.
Chỉ trong vòng 2 tháng, khách sạn Crown Plaza (Đà Nẵng), nơi có sòng bạc và lượng khách chủ yếu đến từ Trung Quốc, đã sụt giảm 20% lượng du khách.
Theo nhận định của ông Kenneth Atkinson – Chủ tịch điều hành Grant Thornton Việt Nam, người am hiểu sâu sắc về kinh tế Việt Nam thì ngoài nguyên nhân là các vụ gây rối tại Bình Dương, Hà Tĩnh khiến du khách e ngại, thì nguyên nhân chủ yếu chính là sự tuyên truyền của chính quyền Trung Quốc khiến các du khách hoang mang và lo lắng.
Như phân tích của ông Kenneth Atkinson, yếu tố chính trị tác động rất mạnh và ngay tức thì đến các chỉ số thống kê kinh tế. Chính quyền Trung Quốc không ngừng dùng mọi biện pháp để tuyên truyền sai lệch về chủ quyền biển đảo của Việt Nam đối với quốc tế. Đối với người dân trong nước họ vẽ lên một tình hình bất ổn để tạo tâm lý e ngại khi muốn đến Việt Nam.
Về việc tuyên truyền, có thể nói Trung Quốc đã thiếp lập cho mình một bộ máy tuyên truyền đồ sộ với các cơ quan truyền thông do nhà nước quản lý, trong đó, chủ chốt nhất phải kể đến Tân Hoa Xã, Nhân Dân Nhật Báo và Đài truyền hình Trung Ương Trung Quốc (CCTV) cùng mạng lưới thông tin phân nhánh được quản lý và điều hành từ chính quyền trung ương đến địa phương. Bên cạnh đó, hàng năm, Trung Quốc phải chi các khoảng đầu tư khổng lồ cho mạng lưới kiểm duyệt thông tin gắt gao mà trong đó có ‘Tường lửa vĩ đại’ được dựng ra để ngăn người dân Trung Quốc tìm kiếm thông tin từ các trang tin nước ngoài. Điều đó có nghĩa là người dân Trung Quốc chỉ có thể tiếp nhận thông tin một chiều và họ không có phương tiện để kiểm chứng các thông tin này.
Trung Quốc áp dụng triệt để cách thức của ông trùm tuyên truyền của phát xít Đức – Paul Josepp Gobbels, đó là sự dối trá được lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ khiến người ta tin là sự thật.
Những lời tuyên truyền về tình hình biển Đông cho người dân Trung Quốc và quốc tế là minh chứng hẳn hoi cho chiêu bài truyền thông của Trung Quốc. Hàng loạt ví dụ khác có thể đưa ra làm để làm dẫn chứng cho cái có thể được gọi là chiến lược tuyên truyền của Trung Quốc.
Ví dụ đơn giản nhất là việc truyền thông Trung Quốc ‘hô biến’ một anh chàng nghiện ma túy thành anh hùng cứu lũ. Khi đó Lý Hướng Quần, tên chàng trai nọ, trở thành tấm gương lao động gương mẫu được tán dương ngày này qua ngày khác. Sự thật sau này mới vỡ lẽ ra rằng, chỉ là lừa bịp.
Qua những vụ việc trên cũng không lạ gì khi du lịch Việt Nam trở thành nạn nhân của những trò bịp tại Trung Quốc. Nếu có thể nhìn nhận khách quan thì người dân Trung Quốc cũng là nạn nhân, họ đã bị chính quyền “bịt mắt, bịt tai” mà không hay không biết.
Về phần mình, có lẽ Việt Nam cần phải mạnh dạn hơn nữa trong việc sử dụng các bằng chứng, minh bạch thông tin và cả biện pháp pháp lý trước quốc tế lúc này chính là cách để Việt Nam bảo vệ chủ quyền biển đảo và còn để bảo vệ chính nền kinh tế của mình.
Hàn [email protected]
Theo Motthegioi, cafebiz, Tien Phong