4 loại nghề nghiệp không sợ bị AI “đá” khỏi thị trường lao động
Theo tiến sĩ khoa học máy tính Kai-Fu Le ở Đại học Carnegie Mellon, việc triển khai trí tuệ nhân tạo (AI) trong doanh nghiệp sẽ đe dọa công ăn việc làm của 40% dân số thế giới! Tuy nhiên, vẫn có 4 loại nghề nghiệp được xem như “miễn nhiễm” với “đại dịch AI” này.
Những nghề cần sự sáng tạo
AI là một tập hợp các hướng dẫn được lập trình sẵn để làm các việc với trí thông minh như con người. Nhưng nói cho cùng, AI không có khả năng tưởng tượng. Những bức tranh, âm nhạc do AI “sáng tạo” ra thực chất chỉ phản ánh hoặc sao chép các nội dung hiện có. Vì vậy, những công việc cần nhiều sự sáng tạo như nhà khoa học, tiểu thuyết gia, họa sĩ vẽ truyện tranh, nhà soạn nhạc, viết kịch bản truyền hình… sẽ không bị các AI giành giật công ăn việc làm.
Những nghề liên quan đến cảm xúc
Khi phải đưa ra quyết định, AI sẽ có xu hướng lựa chọn hành động có xác suất thành công cao nhất. Tuy nhiên, không phải con người lúc nào cũng ra quyết định dựa vào yếu tố “xác suất” khô khan như những AI.
Ví dụ như Columbus đã chỉ huy đoàn thuyền Tây Ban Nha ra khơi và cuối cùng ông đã tìm ra châu Mỹ dù lúc đó người ta tin rằng khả năng tìm được vùng đất mới của ông không cao. Trong các cuộc chiến, những vị tướng quân dũng cảm ra lệnh tấn công dù cơ hội chiến thắng là rất thấp. Hay như trường hợp các doanh nhân khởi nghiệp với một ít tiền trong túi, các nhà đầu tư mạo hiểm bỏ vốn vào những doanh nghiệp dường như có xác suất thành công rất thấp…
Con người đã chiến thắng trong các tình huống kể trên, qua đó thấy rằng linh cảm sẽ giúp người ta tìm ra con đường thành công. Ngược lại, đó là điều AI không thể làm được.
Vậy nên, những nghề liên quan đến “cảm nhận”, “cảm giác”, “mạo hiểm” như các nhà quản lý, nhà đầu tư, nhà kinh tế… vẫn nằm trong vùng an toàn.
Những nghề liên quan đến kỹ năng giao tiếp
Nếu AI làm các công việc như giáo viên, bác sĩ, bảo mẫu, cố vấn, ngoại giao, tiếp thị qua điện thoại… thì viễn cảnh sẽ ra sao?
Hãy tưởng tượng cảnh một AI gọi điện thông báo rằng người thân của bạn vừa mới qua đời bằng cái giọng đều đều của một cỗ máy! Vậy nên mới nói, con người nên giao tiếp với nhau, chứ không phải là giao tiếp với AI.
Những nghề nghiệp nói trên đòi hỏi lòng trắc ẩn, sự tin tưởng và đồng cảm – những điều mà AI không có. Ngay cả khi AI cố gắng tạo ra những cảm giác kể trên thì chắc hẳn không có ai muốn nghe một chatbot thông báo rằng mình bị ung thư, hay một robot trông chừng con em họ.
Cuối cùng là nghề bảo trì AI
Trong cơn sốt vàng California những năm 1800, người ta nhận thấy không phải tất cả những người đi đào vàng đều đào được vàng để mang về. Tuy nhiên, bộ phận những người chuyên bán các thiết bị đào vàng lại giàu có lên. Những người như vậy được xem là thông minh, họ thường có khả năng tài chính mạnh so với hầu hết các anh thợ đào vàng đã lãng phí thời gian và tiền bạc.
Bài học rút ra từ câu chuyện này là nếu không thể kiếm lợi nhuận trực tiếp, thì hãy thực hiện một cách gián tiếp. Trong trường hợp không thể cạnh tranh việc làm với AI, thì bạn còn một lựa chọn, đó là trở thành người bảo trì, chăm sóc cho các AI.
Hệ thống AI cũng giống như các phần cứng và phần mềm công nghệ khác, yêu cầu phải được kiểm tra và sửa chữa, nâng cấp liên tục. Nếu bạn chuyên về các lĩnh vực này thì sẽ đảm bảo rằng công việc của bạn sẽ an toàn trước “ngày tận thế” việc làm trong thời gian tới.
Xuân Nhạn (Theo Vision Times)
Xem thêm: