Ukraine ‘thôi thúc tình yêu nước Nga’
Nga đang kỷ niệm chiến thắng Phát xít Đức trong Thế chiến Hai với lễ diễu binh thường niên tại Quảng Trường Đỏ. Như tường thuật của phóng viên BBC Steve Rosenberg từ Moscow, cuộc khủng hoảng hiện thời với quốc gia láng giềng Ukraine đã làm dâng lên tinh thần ái quốc của người Nga.
Khi chiến đấu và đánh bại Phát xít Đức hồi 69 năm về trước, Nga và phương Tây là đồng minh. Nhưng khi tôi hỏi chuyện một số cựu binh thì nay, người ta không có cảm giác đó.
Tôi trò chuyện với Vladimir Petrovich, 89 tuổi. Ông mặc bộ quân phục cũ, trên đó gắn hơn 40 chiếc huân, huy chương.
“Hãy nhìn xem những gì đang xảy ra tại Ukraine,” Vladimir nói với tôi. “Người Mỹ đang ủng hộ cho một chính quyền ở Kiev mà người dân họ không muốn.”
Sau đó, tôi gặp Bilal Bagadiev, 88 tuổi.
Bilal nói với tôi ông đã chạy 100 cuộc marathon. Ông thậm chí còn chạy 10km với Bill Clinton và có một tấm ảnh tổng thống Mỹ ký tặng. Nhưng Bilal không hài lòng với Mỹ.
“Ngày nay,” ông nói với tôi, “Hoa Kỳ đang tìm cách đẩy Nga đi vòng quanh. Nhưng mà họ sẽ không thành công đâu.”
Dẫu vậy, trong lúc các cựu binh ngồi nghỉ ăn trưa và xem trò giải trí, thì Hoa Kỳ vẫn là một phần rất đáng kể trong các lễ ăn mừng.
Khi buổi lễ bắt đầu, nhạc hiệu lấy từ phim truyền hình giải trí của Mỹ, Dallas, được phát đi trên các loa phóng thanh. Nó được phát đi phát lại cả chục lần.
Cuộc vui bắt đầu với người đàn ông được gọi là “Frank Sinatra của Liên Xô” Iossif Kobzon.
Ngoài việc ca hát, ông Kobzon còn làm chính trị nữa. Ông là một nghị sỹ trong Viện Duma Quốc gia Nga.
Ông Kobzon cũng quy trách nhiệm cho phương Tây về tình trạng bạo lực tại Ukraine.
“Phương Tây thiếu thông minh, không hiểu tình hình và đã lãng quên quá khứ,” ông Kobzon nói với tôi.
Buổi lễ kỷ niệm kết thúc với tiết mục cô bé Mariya 11 tuổi hát với tất cả trái tim về Thế chiến Hai.
Khi tôi nói chuyện với Mariya, cô bé nói với tôi rằng đất nước cô đang đối diện với “những đe dọa và nguy hiểm”. Cô bé nhắc tới những gì đang xảy ra tại Ukraine.
“Rất tồi tệ. Ở đó có nội chiến,” cô bé nói. “Và dẫn đến một kết quả là người Ukraine không còn ưa người Nga nữa. Điều đó khiến cháu đau lòng, vì người Ukraine là anh em với người Nga.”
Mariya tiếp tục nói với tôi về lòng ái quốc, về chuyện yêu tổ quốc thì quan trọng ra sao, bởi, cô bé nói, đất nước “giống như người mẹ thứ hai vậy”.
Theo sau vụ sáp nhập Crimea vào Nga, Moscow đã nhận được một làn sóng yêu nước.
Điều này được điện Kremlin cổ vũ, và được thổi bùng thêm nhờ các tường thuật khuấy động trên các kênh phát thanh, truyền hình nhà nước.
Năm nay, các cuộc diễu binh và các lễ ăn mừng Ngày Chiến thắng dường như càng củng cố thêm tinh thần này.
Theo BBC