ÔNG QUAN NGỌC
ÔNG QUAN NGỌC
Truyện ngắn
Nhờ “công lao to lớn” trong việc giúp quân đội Pháp săn lùng bắn giết các chiến sĩ yêu nước phong trào Cần Vương những năm cuối thế kỷ 19, mà Phùng Quang Ngọc từ một tên lưu manh hèn mọn, đã được nhà nước Bảo hộ cất nhắc lên đến chức tri phủ. Đó là sự thật. Nhưng, Ngọc ta muốn giấu nhẹm chuyện ấy, và tìm đủ mọi cách tung hỏa mù vào mặt thiên hạ, để ai nấy tưởng đâu, sở dĩ ngài được hanh thông trên đường hoạn lộ là do bản thân học rộng tài cao. Mới ngồi lên chiếc ghế tri phủ tháng trước, thì đầu tháng sau, ngài đã sức cho đám lý dịch quê ngài đổi tên bến đò Trôốc Voi làng này ra bến đò Ngọc, tên ngài. Tiếp theo, ngài cho cất cạnh bến đò một ngôi nhà hai tầng có đủ vườn hoa cây cảnh, nom như một cung thất bậc vương giả, đặt tên là “lầu Văn bút”. Từ bấy, nếu không có chuyện gì đặc biệt xảy ra trong bản phủ, thì mỗi tháng một lần đều đặn, ngài rời phủ đường mang theo dăm bảy vị “tao nhân mặc khách” về đây thả hồn theo bầu rượu túi thơ. Bản thân chẳng được học hành đến nơi đến chốn, tư cách lại thuộc loại mạt hạng như vậy, thì thơ ngài hay sao được? Khốn nỗi đám “tao nhân mặc khách” được ngài biệt đãi kia toàn loại mồm mép bẻo lẻo. Ngài làm xong “bài thơ” nào, họ tranh nhau đọc choang choảng bài ấy, rồi rập đầu khen khéo khen hay, bốc ngài lên tận chín tầng mây. Cứ thế, cứ thế, dần dần bọn họ đã làm cho ngài mắc bệnh hoang tưởng, ngỡ đâu mình đã thành “Thần Siêu Thánh Quát”. Đi đến đâu, hễ có thời cơ thuận lợi là ngài “phun châu nhả ngọc” cho thiên hạ lác mắt.
Chiều hôm đó khi đang ngâm vịnh cùng mấy “tao nhân mặc khách” trên “lầu Văn bút”, quan ngài chợt thấy một thiếu nữ mặt hoa da phấn nách rổ quần áo ra bến đò giặt rũ.
– Này, Mới – Ngài quay sang hỏi tên lính hầu – Mày có biết cô kia là ai không?
– Trình quan – tên lính đáp – Cô Nhật Tân, con gái rượu của cụ đồ Thạch Sơn người làng ta đó mà.
– Ô la la… cái cô gái nổi tiếng văn hay chữ tốt vùng hữu ngạn sông Cái đây ư? Vậy thì mày xuống mời cô ta lên đây. Nhớ phải mời bằng được nghe không?
Tên lính vâng dạ rối rít, bước xuống cầu thang. Đám “tao nhân mặc khách” nháy nhau cười thích thú. Hẳn họ đang chờ đợi sự xuất hiện của cô gái trẻ trung xinh tươi kia trước quan phụ mẫu với vẻ sợ sệt như gà phải cáo. Nhưng bọn họ đã nhầm. Nhật Tân chẳng những không sợ sệt, mà thậm chí, còn rất đàng hoàng đĩnh đạc.
– Trình quan! Chào các vị! – Cô dõng dạc lên tiếng – Chẳng hay quan lớn đòi con lên đây vì việc gì ạ?
– Bản quan mời cô em lên đây là để thù tạc, đàm đạo văn chương cho vui, chứ ai đòi! – Quan ngài nhìn cô gái với cặp mắt hau háu, ra hiệu cho cô ngồi xuống.
– Không dám! Tuổi con còn bé, ngồi đối ẩm với các bậc bề trên sao được. Dạ, nếu không có việc gì khác, xin cho con xuống bến giặt áo quần, kẻo về muộn thầy mẹ con mắng ạ.
– Không được! Lâu nay đã thành lệ, ai đã đặt chân lên “lầu Văn bút”, đều là khách thi phú của bản phủ. Mà đã là khách thi phú của bản phủ, thì ít ra cũng phải họa lại của bản phủ một bài thơ, hoặc đối lại của bản phủ một vế đối mới được ra khỏi đây. Cô em rõ rồi chứ. Rõ rồi thì chọn đi. Cô em muốn họa hay muốn đối?
– Nếu thế thì cho con đối vậy – Nhật Tân đáp – nhưng vì… còn ít tuổi, ăn chưa no lo chưa tới, tính tình bộp chộp, nên trong lúc đối đáp có gì không hay không phải, con cúi xin bề trên mở lượng hải hà mà bỏ quá đi cho ạ.
– Đúng là cách nói năng của một trang thục nữ. Tiếng đồn quả không sai. – Quan ngài cười sởi lởi – Vế thách đối của bản phủ thế này, chú ý nhé: ÔNG QUAN NGỌC ĐI BẾN ĐÒ NGỌC.
Nhật Tân xuýt bật cười vì cái vế thách đối quá thô thiển. Sau vài phút cau mày suy nghĩ, Nhật Tân nhìn sang quan phụ mẫu:
– Bẩm, “ÔNG” đối với “CON”, được không ạ?
– “ÔNG” mà đối với “CON” thì trúng cách quá, còn gì! – Quan đáp.
– Bẩm, “NGỌC” đối với “VÀNG”, được không ạ!
– Tuyệt, tuyệt! “NGỌC” mà đối với “VÀNG” còn gì hay hơn!
– Bẩm, “BẾN” đố với “BÃI” được không ạ!
– Được, được. “BẾN” đối với “BÃI” được lắm chứ? Nào, đọc hết cả câu đi, đọc đi! Chà, phen này bản phủ sẽ có trọn một đôi câu đối vào loại “kỳ văn diệu bút” đây. Nào, đọc đi!
Lúc này, nom Nhật Tân có vẻ bối rối. Quan phủ giục đi giục lại đến năm lần bảy lượt, cô ta mới thôi mím môi mím lợi…
– Con chỉ sợ… đọc hết cả câu… e quan lớn cho… ăn đòn!
– Cho ăn đòn! Chẳng lẽ cô em nghĩ rằng, ta dốt nát đến mức không đánh giá đúng mức tài năng “nhả ngọc phun châu” của cô em sao.
– Không dám ạ – Nhật Tân lại tiếp – con chỉ sợ không phải “nhả ngọc phun châu”, mà nhả, mà phun ra thứ gì đó làm quan lớn phật ý.
– Đừng lo. Ta chẳng những không phật ý, mà còn thưởng tiền cho cô em nữa cơ. Quân tử nhất ngôn đó.
– Đội ơn quan lớn. Vậy con xin phép… Vế thách đối của ngài là: ÔNG QUAN NGỌC ĐI BẾN ĐÒ NGỌC; sau khi được ngài góp ý, con xin đối lại: CON CHÓ VÀNG ĂN BÃI CỨT VÀNG.
Đọc xong vế đối, Nhật Tân nhìn như đóng đinh vào khuôn mặt vừa to vừa sần sùi như mẹt bánh đúc lạc của quan ngài trong lúc nó cứ giật giật và nhanh chóng chuyển từ màu đen xỉn qua tím tái, đến trắng bệch. Rõ ràng ngài vừa tức tối, vừa hoang mang. Không ngờ sự thể lại như thế. Nhưng, trí khôn của một tên lưu manh trên đường hoạn lộ đã mách bảo với ngài: Con bé đã đối rất chuẩn. Nếu không muốn làm bia miệng cho người đời bêu giếu, thì đừng nên dùng quyền lực ức hiếp nó.
– Trình quan, giờ thì con có thể rời khỏi nơi đây được rồi, chứ ạ?
Giọng nói nhỏ nhẹ của Nhật Tân không dè lại làm cho quan lớn giật mình. Lấy lại bình tĩnh, ngài thét gọi người hầu:
– Mới đâu! Quân tử nhất ngôn, mày vào mở hòm lấy nén bạc đem tặng cho trang thục nữ ngay nhé!
Nhật Tân thở phào nhẹ nhõm, hớn hở đón nhận nén bạc. Trên đường xuống cầu thang, cô vừa bước đi vừa cười thầm trong bụng: “lần sau nếu có ra được vế thách đối nào như thế, xin quan ngài cho lính gọi con đến hầu nhé.”
Hoàng Bình Trọng