Đại Học Stanford bị lừa dối bởi tuyên truyền của Trung Cộng
Một khung hình từ truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV cho thấy các binh lính vũ trang trên đường phố ở thủ đô Lhasa, Tây Tạng vào ngày 16 tháng Ba năm 2008 – vài tháng trước thềm Olympic Bắc Kinh. Các nhóm người Tây Tạng thông báo rằng chính quyền Trung Quốc đã đàn áp dữ dội các cuộc biểu tình khắp Tây Tạng vào thời điểm đó, kết quả không rõ số người đã chết và mất tích. (Getty Images)
Một chương trình tuyên truyền đang được trình diễn tại đại học Stanford, sự tấn công mới nhất trong một cuộc chiến âm thầm đang được tiến hành tại các thành phố lớn, tại các thị xã nhỏ ở nông thôn, và đặc biệt là tại các giảng đường đại học trên toàn nước Mỹ, dưới sự điều khiển của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) – Đảng kiểm soát quyền lực tại Trung Quốc – quốc gia đông dân nhất thế giới.
Sau nhiều năm quan sát ảnh hưởng của chính phủ Trung Quốc lên quốc gia này, tôi có thể chứng thực rằng đây là một cuộc chiến âm thầm với cường độ lớn và là ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc – chế độ tàn bạo và độc tài nhất thế giới. Mục tiêu của Trung Quốc là gây ảnh hưởng, kết nạp, tham nhũng, hối lộ và chiếm đoạt những người Mỹ tận tụy, đó là các giáo viên, các nhà nghiên cứu, các chuyên gia, thường dân, giới trí thức, các nhạc công, nhà báo, chính trị gia, và các nhà quản lý thuộc mọi cấp độ.
Các trường đại học và học viện hàng đầu nước Mỹ – Stanford, Harvard, Yale, UW-Madison – là chiến trường trong cuộc chơi gây tầm ảnh hưởng này, và cho đến nay, Trung Quốc đang chiến thắng. Chúng ta đang chứng kiến một hiện tượng mang tính quốc gia thu hút sự quan tâm của báo giới, như việc Cộng sản Trung Quốc triển khai tiền, tuyên truyền, và nhân lực nhằm kiểm soát và lợi dụng các nhà giáo dục Mỹ.
Là một nhà hoạt động, tôi đã đích thân chứng kiến hậu quả mà dịch bệnh này mang đến cho tầng lớp sinh viên Mỹ, và nó thực sự đáng sợ. Các nhà giáo dục đang ngấm ngầm bị ép phải từ bỏ quyền phát biểu công khai về nhân quyền, về sự chiếm đóng quân sự của Trung Quốc lên Tây Tạng, về chính trị Trung Quốc, hay bất cứ điều gì được cho là “chủ đề nhạy cảm”.
Hãy xem báo cáo từ Bloomberg vào tháng 11 năm 2011: “Khi một tổ chức tại Bắc Kinh có quan hệ gần gũi với chính quyền Trung Quốc đề nghị chi cho Đại học Stanford 4 triệu đô, để tổ chức một Học viện Khổng Phu Tử về ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc , và tài trợ cho một vị trí giáo sư, kèm theo lời cảnh báo rằng: vị giáo sư này không được thảo luận về các vấn đề nhạy cảm như Tây Tạng.
“‘Họ nói rằng họ không muốn bị mất mặt,’ Richard Saller – hiệu trưởng trường khoa học và nhân văn thuộc Stanford nói. Stanford đã từ chối với lý do tự do trong học thuật, và các quan chức Trung Quốc đã rút lại, Saller cho biết thêm. Trường đại học này dự định sử dụng số tiền này để tài trợ cho một vị trí giáo sư ngành cổ thơ Trung Hoa, khác xa với vấn đề tranh chấp Tây Tạng.”
Những trao đổi
Các trung tâm giáo dục uy tín nhất của Mỹ đang hăng hái ký hợp đồng mở ra những trao đổi với Bộ Giáo dục Trung Quốc, nhưng sự trao đổi này là không bình đẳng và bị đầu độc bởi sự tuyên truyền và các âm mưu bí mật của ĐCSTQ.
Học viện Khổng Phu Tử do chính phủ Trung Quốc tài trợ, chuyên dạy các khóa ngôn ngữ và văn hóa và nằm dưới sự kiểm soát chặt chẽ của ĐCSTQ. Các học sinh Mỹ, ngay cả học sinh tiểu học, đang được dạy các giá trị chủ nghĩa Đại Hán tộc, chủ nghĩa mà các dân tộc thiểu số như người Tây Tạng, người Duy Ngô Nhĩ, người Mông Cổ được “Trung Hoa hóa”, và mọi kiểm định trung thực về 60 năm diệt chủng và đàn áp đều bị tình cờ một cách khác thường gạt sang một bên.
Các cơ quan tình báo phương Tây vẫn luôn coi các học viện này là các công cụ “quyền lực mềm” của bộ máy ĐCSTQ, và gần đây Hiệp hội Các Giảng viên Đại học Canada – đại diện cho hơn 70 000 chuyên gia giáo dục đã đưa ra yêu cầu cấm tuyệt đối các Học viện Khổng Phu Tử tại Canada. Còn các trường Mỹ hoàn toàn lùi lại phía sau trong nỗ lực thanh lọc mình khỏi những ảnh hưởng này.
Những người Cộng sản ưu tú tại trường học
Khi mà các thanh niên Mỹ phải cố gắng để có được học vấn cao hơn trong một nền kinh tế đang ngày một khó khăn, rất nhiều trường học của chúng ta đã gây khó khăn đối với các sinh viên nghèo, bởi vì họ phải cạnh tranh với các sinh viên Mỹ khác và một tầng lớp những sinh viên Trung Quốc thượng lưu ngày càng đông và tách biệt, tràn ngập các trường đại học của Mỹ trong những năm gần đây.
Bloomberg gần đây công bố bài viết “Phần đông sinh viên Trung Quốc ở Hoa Kỳ ngồi xe sang.” Bài báo trích dẫn một nghiên cứu từ Zinch – một công ty tư vấn thuộc sở hữu của công ty cho thuê sách giáo khoa Chegg, làm việc với các sinh viên Trung Quốc tiềm năng: “Năm ngoái Zinch đã phỏng vấn 25 000 sinh viên Trung Quốc và phát hiện rằng 62% trong số này cho biết họ có thể chịu mức chi tiêu ít nhất 40 000$ mỗi năm cho giáo dục đại học”.
“Hầu hết các trường đang tuyển dụng các sinh viên [Trung Quốc], những người mà sự khác biệt giữa gói giáo dục trị giá 20 000 USD và 40 000 USD cứ như là những con số làm tròn’ [người đồng sáng lập Zinch Sid] Krommenhoek nói.
Tầng lớp thượng lưu các vương hầu công chúa non trẻ này, những người có khả năng chi trả cho giáo dục ở Hoa Kỳ – là các cậu ấm cô chiêu của các cán bộ cao cấp nhất của ĐCSTQ. Tập Cận Bình, tổng thư ký của ĐCSTQ gửi con gái tới Đại học Harvard. Con trai của Bạc Hi Lai, một quan chức bị thất thế của ĐCSTQ, cũng đang theo học tại Harvard.
Các trường đại học Mỹ đã chọn cách lấp đầy phòng học bằng các sinh viên trao đổi từ Trung Quốc với học phí cao thay vì những người Mỹ đang ráng sức đăng ký nhưng có thể là chẳng có gì hơn ngoài các khoản vay dành cho sinh viên.
Một số giáo sư đã lên tiếng lo ngại về việc giáo dục các nhà Cộng sản trẻ Trung Quốc – những người sẽ dùng sự giáo dục của họ để chống lại Mỹ, nhưng những tiếng nói này bị át đi bởi món lợi nhuận mà chính quyền Trung Quốc đung đưa trước các nhà quản lý trường đại học.
Hơn thế nữa, nếu các giáo viên Mỹ phát biểu tiêu cực về Trung Quốc hay thậm chí liên hệ với các cá nhân nhạy cảm chính trị, họ có thể bị đưa vào sổ đen cho đến suốt đời khi vào Trung Quốc, và do đó phần lớn chọn cách tự kiểm duyệt để đổi lấy visa.
Nếu hàng nghìn sinh viên Mỹ-Tây Tạng đã đăng ký một năm du học trong đất nước của chính họ thông qua các chương trình trao đổi tương tự, ít nhất họ sẽ phải chứng minh lòng trung thành chính trị của họ, mà thực tế thì họ gần như không bao giờ có cơ hội.
Vẫn còn một những suy tư lớn về những gì diễn ra trong phòng phỏng vấn ở các lãnh sự quán Trung Quốc trên khắp thế giới. Liệu người Tây Tạng có đang bị kết nạp hay bị ép lấy thông tin với tấm visa được sử dụng như là đòn bẩy? Có nhiều câu hỏi hơn là câu trả lời.
Trang web của người Tây Tạng ở nước ngoài Phayul.com, báo cáo vào ngày 29/01 như sau: “Bộ trưởng thông tin và bang giao quốc tế của Tây Tạng, Dicki Choyyang đã xác nhận rằng các quan chức của Đại sứ quán Trung Quốc đe dọa người Tây Tạng ở Úc khi họ xin visa về thăm Tây Tạng, theo báo cáo của tờ The Australian.
“Úc là nơi định cư của khoảng 1000 người Tây Tạng, phần lớn là các cựu tù nhân chính trị cùng với gia đình. Bà Dicki Choyyang đưa ra cáo buộc sau khi gặp gỡ các thành viên của cộng đồng người Tây Tạng và Trung Quốc tại Sydney, Brisbane, Canberra, và Melbourne. ‘Đây là một diễn biến mà chính phủ và nhân dân Úc phải được cảnh báo,’ tờ The Australian trích dẫn lời bà Choyyang.
“Bà Choyyang nói rằng người đến từ Tây Tạng thường xuyên bị tra hỏi rằng liệu họ có phải là thành viên của Hiệp hội người Úc-Tây Tạng hay không, liệu họ có tham gia vào cuộc biểu tình nào ở Úc hay không, và liệu họ có đóng góp cho Chính quyền Trung ương Tây Tạng có trụ sở tại Dharamsala miền Bắc Ấn Độ hay không.”
Văn hóa tham nhũng
Một số người muốn tin rằng sự trao đổi sinh viên Trung Quốc và ảnh hưởng của nó là vô hại và mang lại lợi ích trong việc thúc đẩy một cách toàn diện nền giáo dục quốc tế dành cho các sinh viên, tuy nhiên thực tế thì khác hẳn. Sức ảnh hưởng như vậy đã nuôi dưỡng một nền văn hóa tham nhũng mới, nơi mà số tiền dồi dào của người Trung Quốc và chỉ số FDI (nguồn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài) có thể mua lấy sự im lặng, và những lời tuyên truyền được phát tán trong các trường học trên toàn quốc.
Khi các nhân viên lãnh sự quán Trung Quốc được mời tới các tiệc chiêu đãi và các sự kiện quảng bá nhằm mục đích thúc đẩy sự hiểu biết Trung-Mỹ, nó cũng tồn tại một âm mưu đen tối của các hoạt động quyền-lực-mềm và quyền-lực-cứng, rất nhiều trong số này là bao gồm việc lợi dụng các sinh viên và thanh niên.
Các nhà ngoại giao Trung Quốc sử dụng đến tiền cứng cùng với sự đe dọa để biến các sinh viên du học thành những người giám sát các nhà hoạt động tiếng tăm, những người bất đồng chính kiến, những người Tây Tạng, người Duy Ngô Nhĩ, và chính bản thân các sinh viên Trung Quốc. Sinh viên Trung Quốc và các hội học sinh trên toàn thế giới nhìn chung đều báo cáo trực tiếp tới lãnh sự quán địa phương hoặc đại sứ quán, và dòng chảy thông tin giữa hai bên luôn được duy trì.
Trung Quốc giành các khoản tiền lớn cho việc chỉ đạo công luận tại Mỹ, nhấn chìm các cuộc biểu tình quan trọng của những người tị nạn lưu vong và tạo ra một môi trường của nỗi khiếp sợ, nơi mà ngay cả các tù nhân chính trị từng tìm kiếm việc tị nạn ở đất nước này cũng không thể ra mặt vì sợ bị giám sát và trừng phạt.
Đồng nghiệp của tôi, một nhà sư giấu tên đang sống ở Mỹ, là người Tây Tạng tìm kiếm tị nạn từ khi còn ở Tây Tạng. Anh ta có nhận thức sâu sắc về khả năng bị Trung Quốc giám sát và chọn cách không biểu tình bên ngoài lãnh sự quán Trung Quốc và các đại sứ quán, trừ khi anh ta che mặt. Các ví dụ như trên đáng để thúc đẩy người Mỹ đặt ra những câu hỏi khó về những gì đang diễn ra.
Tuyên truyền tại Stanford
Đại học Stanford hiện đang tổ chức một Lễ hội Âm nhạc Châu Á với sự kiện kéo dài hết ngày 01 tháng 03. Nó được tài trợ trực tiếp bởi Bộ Văn hóa Trung Quốc, Học viện Khổng Phu Tử thuộc đại học Stanford, và chính quyền địa phương dưới sự giám sát của Trung Quốc. Nó là một sự kiện tuyên truyền tốt nhất nhằm gây ảnh hưởng tới khán giả Mỹ.
Khi xem một vở kịch với tựa dề “Ấn tượng Shambhala,” phần lớn khán giả không thể biết được rằng Tây Tạng đang tham gia vào cuộc đấu tranh sống còn chống lại quân đội tàn bạo của Trung Quốc. Các nhạc công, các giáo viên, học sinh, và các nhà trí thức đang bị cầm tù hàng ngày ở Tây Tạng, chỉ đơn thuần vì họ là người Tây Tạng hoặc thể hiện ý kiến về các vấn đề chính trị nhạy cảm của ĐCSTQ và các tổ chức liên đới của nó.
Những người cầm đầu cuộc biểu tình sinh viên ở Tây Tạng cũng đối mặt với những phán quyết vô cùng hà khắc. Ví dụ như trường hợp Dorje Wangchuk, 22 tuổi, và Jampa Gyaltsen đã bị kết án 4 năm tù vì dẫn đầu một cuộc biểu tình hàng loạt tại khu vực Amdo.
Chương trình văn hóa này đưa đến trường Stanford một đoàn múa “Tây Tạng” đến từ Amdo (Thanh Hải). Các vũ công này được chuyển từ Tây Tạng tới lãnh sự quán ở San Francisco dưới sự theo dõi và giám sát chặt chẽ.
Bản thân họ là nạn nhân của sự sắp đặt này, bởi vì họ có ít hay không có quyền quyết định về những gì họ được phép làm. Các visa xuất cảnh bị kiểm soát chặt chẽ, và phần lớn người Tây Tạng đều bị xem xét kỹ lưỡng trước khi ra khỏi nước.
Tồi tệ hơn nữa, có một nguy cơ lớn là các vũ công này bị bắt giữ nếu như trong khi ở nước ngoài, họ gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma của mình hay thậm chí bước ra khỏi ranh giới mà các nhà ngoại giao Trung Quốc đã đặt ra.
Trong khi Stanford muốn bảo đảm có được các khoản tiền tài trợ nhiều tỷ đô, mở ra các dự án trên toàn Trung Quốc đại lục, trường đã tự biến mình thành một đại diện cho chính phủ Trung Quốc. Con đường mà Stanford lựa chọn đang đe dọa tự do học thuật.
Vào mùa hè năm 2013, Trung tâm Nguyên tắc Ứng xử trong Thương mại và Dịch vụ Công cộng tại Cambridge, nước Anh, đã lên lịch tiếp đón một phái đoàn ‘Gestapo của Trung Quốc’ – Cục Công an. Họ nhắc các giáo sư được dự kiến tham gia rằng không được thảo luận về các vấn đề chính trị hay nhân quyền.
Một giáo sư dũng cảm đã tố cáo lời khuyên nhát gan của Trung tâm về ĐCSTQ. Các bài viết, thư từ, cùng các cuộc gọi đã đến sau đó, và Trung tâm đã hủy sự kiện này.
Chúng ta cần hành động nhanh chóng để tạo nên sức ép tương tự đối với trường đại học Stanford, nhằm hủy bỏ chương trình tuyên truyền của Trung Quốc mà đang che giấu sự thật ghê rợn về những việc làm bẩn thỉu của Trung Quốc, đó là diệt chủng, tra tấn và đàn áp ở Tây Tạng.
Trong cộng đồng Tây Tạng tồn tại một cảm giác thất vọng trước sự thiếu thông tin của các phương tiện truyền thông về vấn đề Tây Tạng, bên cạnh sức mạnh và phạm vi công tác tuyên truyền của chính phủ Trung Quốc mà đã che mờ và giải thích sai lệch sự thật xấu xa về chế độ khủng bố của Trung Quốc tại Tây Tạng. Trong khi sự thất vọng này là có cơ sở, tôi muốn khuyến khích những người Tây Tạng ở phương Tây nhớ rằng chúng ta có thể tạo nên những thay đổi rõ rệt nếu chúng ta thực hiện chính xác và tập trung vào đúng nơi.
Trong một thời gian ngắn, khó mà khởi động một chiến dịch lật đổ chính quyền Trung Quốc, nhưng chúng ta có thể ngăn các hội đồng tại các thành phố của Mỹ giương cao lá cờ máu của Trung Quốc, và chúng ta có thể gây sức ép với các trường đại học uy tín tránh khỏi việc bị mua lại và bị nạt nộ bởi Bắc Kinh. Điều này nằm trong tầm tay của chúng ta, và khi người Tây Tạng cùng những người ủng hộ tạo sức ép dữ dội lên các đơn vị nhỏ hơn, chúng ta sẽ nhận được kết quả.
Gabriel Feinstein là thành viên của Quốc hội Tây Tạng.
Dịch Việt ngữ bởi: Việt Nguyên
Để đọc bản gốc trên Epoch Times, vui lòng click vào đây.
Theo Việt Đại Kỷ Nguyên