2 hành khách đi máy bay dùng hộ chiếu đánh cắp, FBI vào cuộc
Trong khi số phận chiếc Boeing 777 của Malaysia Airlines vẫn đang là dấu hỏi, việc có tới 2 hành khách trên chuyến bay dùng hộ chiếu ăn cắp của các công dân EU khiến các chuyên gia không thể loại trừ khả năng xảy ra khủng bố. FBI đã vào cuộc điều tra.
Cho đến thời điểm này, các nỗ lực điều tra vụ máy bay của Malaysia Airlines đột ngột mất tích trên vùng biển giữa Việt Nam và Malaysia, mang theo 239 người vẫn đang diễn ra khẩn trương, với sự tham gia của nhiều tàu và máy bay cứu hộ của Việt Nam. Suốt đêm qua, các lực lượng đã tiếp cận khu vực nghi là có vệt dầu loang nhưng vẫn chưa thể tìm thấy tung tích chiếc Boeing 777.
Cơ quan chức năng nhiều nước đang tham gia điều tra vụ máy bay mất tích
Theo hãng tin AFP, trước hy vọng về số phận của chiếc máy bay đang ngày một mờ dần, hãng hàng không Malaysia hôm nay (9/3) đã kêu gọi “toàn thể người Malaysia và nhân dân thế giới cầu nguyện cho chuyến bay MH370”.
Malaysia Airlines thừa nhận “đã hơn 24 giờ kể từ khi chúng tôi nhận được tin tức cuối cùng từ MH370, lúc 1 giờ 30 sáng. Cuộc tìm kiếm và cứu nạn vẫn chưa thể xác định vị trí của chiếc máy bay Boeing 777-200”
Trong khi đó, các tình tiết mới xuất hiện khiến các chuyên gia an ninh hàng không không khỏi lo lắng.
Sau khi danh sách 239 người trên máy bay mất tích được đăng tải, đã có thêm một tình tiết bất thường nữa khi hai trong số những người có tên trong danh sách này khẳng định hộ chiếu của mình đã bị đánh cắp.
Một người Áo có tên Christian Kozel trong danh sách khẳng định hộ chiếu của mình bị mất tại Thái Lan năm 2012. Trong khi đó công dân Ý Luigi Maraldi, 37 tuổi, có tên trong danh sách khẳng định đã mất hộ chiếu hồi năm ngoái, cũng tại Thái Lan. Thông tin đã được giới chức hai nước xác nhận.
Điều đó có nghĩa là dù có tên trên chuyến bay, không ai trong số hai người có mặt trên chuyến bay tới Bắc Kinh.
Chi tiết này cộng với việc máy bay đột ngột biến mất khỏi màn hình radar mà không phát đi thông báo khẩn nào khiến các chuyên gia nhận định, dù có chuyện gì xảy ra, mọi thứ phải rất nhanh và đột đột.
“Cho dù đó là một sự kiện khủng khiếp khiến máy bay bị xé toạc, hay có một hành động khủng bố, nó hẳn phải diễn ra nhanh đến mức họ không thông báo qua điện đàm”, Scott Hamilton, giám đốc điều hành công ty tư vấn hàng không Leeham Co. nói.
Phát biểu tại Malaysia, thứ trưởng giao thông nước này, ông Datuk Aziz Kaprawi, cho biết cơ quan chức năng đang điều tra khả năng đã có sai sót. “Thông tin vẫn đang được rà soát”, ông khẳng định với tờ Malay Mail Online.
Vị trí màu đỏ được cho là của máy bay Malaysia trước khi mất tích
FBI vào cuộc điều tra
Trên chuyến bay bị mất tích, theo thông báo lúc 19 giờ 20 phút giờ địa phương của Malaysia Airlines có 3 công dân Mỹ, bao gồm một trẻ nhỏ, thay vì 4 người như công bố trước đó.
Cụ thể, 3 công dân Mỹ có mặt trên khoang gồm Yan Zhang 2 tuổi, Nicolechd Meng, 4 tuổi, và Philip Wood 51 tuổi. Tổng số người có mặt trên chuyến bay vẫn không đổi, với 239 người, trong đó có 227 hành khách và 12 thành viên phi hành đoàn đều là người Malaysia.
Malaysia Airlines chưa lý giải vì sao lại có sự điều chỉnh này.
Dù vậy, với việc có công dân của mình trên chuyến bay, Cục điều tra liên bang Mỹ FBI đã quyết định cử các đặc vụ cùng chuyên gia kỹ thuật để hỗ trợ Malaysia điều tra vụ việc, một quan chức cấp cao cơ quan thực thi pháp luật liên bang khẳng định với tờ LA Times.
Ông cho rằng một hành khách thứ tư, người được miêu tả là trẻ nhỏ bay cùng với 3 người Mỹ nêu trên cũng có thể là một công dân Mỹ.
“Việc này cho chúng tôi quyền tham dự” vụ điều tra, quan chức giấu tên này cho biết. “Nhưng đến nay những gì xảy ra vẫn còn là bí ẩn”.
Các quan chức Mỹ cho biết họ đang nghiên cứu khả năng liệu đã có một vụ khủng bố xảy ra hay không. Đây là giả thuyết luôn được giới chức Mỹ cân nhắc trừ khi đủ cơ sở chứng minh điều ngược lại.
Một sỹ quan chống khủng bố cấp cao của Mỹ thì không cho rằng việc có hành khách lên máy bay bằng hộ chiếu bị đánh cắp chưa phải là dấu hiệu của tấn công khủng bố. “Không có dấu hiệu cho thấy đây là một vụ tấn công khủng bố; hộ chiếu bị đánh cắp rõ ràng không phải chỉ báo cho một vụ khủng bố”.
Trong thời gian tới, FBI sẽ hỗ trợ việc rà soát các đoạn băng ghi hình tại sân bay Kuala Lumpur để tìm hình ảnh của các hành khách dùng hộ chiếu đánh cắp tại quầy vé, khu vực an ninh và khu vực lên máy bay. Vị sỹ quan trên khẳng định các hình ảnh họ tìm thấy có thể được phân tích bởi công nghệ chống khủng bố khổng lồ của Mỹ, qua đó sàng lọc xem có đối tượng nào là thành viên Al Qaeda hay các tổ chức khủng bố khác hay không.
Thanh Tùng
Tổng hợp
Nguồn: Dân Trí