350 hộ dân bị nứt nhà do dự án kênh nghìn tỷ ở Thanh Hóa
Hàng trăm hộ dân ở xã Nguyệt Ấn (Thanh Hóa) đang sống trong cảnh thiếu nước và phấp phỏng lo âu do nhà nứt toác, nguy cơ đổ sập.
Ông Nguyễn Hữu Đức, Phó chủ tịch xã Nguyệt Ấn (Ngọc Lặc, Thanh Hóa) cho biết, thống kê đến giữa tháng 8, xã có 349 hộ dân bị hỏng nhà cửa, tài sản. Hiện tượng lún nứt tiếp tục lan rộng và kéo dài trên phạm vi 2,8 km, rộng 350 m. Nguyên nhân là việc thi công kênh thủy lợi Bắc sông Chu – Nam sông Mã.
Dự án hợp phần kênh thủy lợi Bắc sông Chu – Nam sông Mã do Ban quản lý thủy lợi III (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) làm chủ đầu tư. Tuyến kênh dài hơn 370 km, tổng vốn đầu tư hơn 4.300 tỷ đồng được khởi công vào năm 2011. Hiện tại, các tuyến chính đã gần hoàn thành.
Công trình có chức năng dẫn nước từ hồ Cửa Đạt và hồ Dốc Cáy (huyện Thường Xuân) cung cấp nước tưới cho hơn 31.000 ha đất nông nghiệp, cấp nước sinh hoạt cho nhiều địa phương ở tỉnh Thanh Hóa như Thọ Xuân, Yên Định, Thiệu Hóa, Ngọc Lặc, Thường Xuân…
Tháng 3/2015, gói thầu số 22 thuộc dự án kênh thủy lợi Bắc sông Chu – Nam sông Mã chạy qua xã Nguyệt Ấn với chiều dài khoảng 7 km được khởi công. Do gặp đá ngầm lớn, nhà thầu phải dùng phương án nổ mìn.
Hoạt động nổ mìn kéo dài nhiều tháng gây chấn động địa chất, làm nứt hàng loạt nhà dân ở 8 thôn Nán, Tường, Liên Cơ 1, Liên Cơ 2, Liên Cơ 3, Khe Ba, Đồng Thuận và Minh Thạch của xã Nguyệt Ấn. “Ban đầu chỉ ít hộ ven kênh bị nứt nhà, nhưng hiện tượng lún nứt ngày một lan rộng...”, Phó chủ tịch xã Nguyễn Hữu Đức cho hay.
“Nhiều tháng nay, bà con sống trong nhà mà cứ nơm nớp bất an“, ông Nguyễn Hữu Tư, thôn Liên Cơ 1 nói. Căn nhà của gia đình ông Tư chỉ cách kênh Bắc vài chục mét đã bị nứt toác, vết lớn nhất rộng đến hơn 20 cm, phần móng nhà cũng bị lún và nứt gãy nhiều vị trí.
Căn nhà kiên cố mới xây dựng năm 2015 với tổng số tiền là 550 triệu đồng. “Mỗi khi trời mưa gió là vợ chồng tôi không dám ở trong nhà, phải sơ tán sang nhà hàng xóm ở nhờ“, ông Tư nói. Ông bà mong muốn sớm được đền bù để tái định cư đến nơi ở mới an toàn.
Tương tự, ngôi nhà của gia đình bà Trịnh Thị Định gần đó cũng đang có nguy cơ đổ sập. Phần tường, trần tầng một đều bị nứt gãy, từng mảng hồ lớn cứ thi thoảng lại rơi xuống đất. Nhiều tháng nay, sinh hoạt của gia đình bà Định bị đảo lộn, công việc kinh doanh đình trệ.
Theo chính quyền xã Nguyệt Ấn, 2 bên đã có nhiều lần kiểm kê, áp giá nhưng chủ đầu tư đền bù đơn giá quá thấp khiến các hộ dân không đồng ý.
Không những thế, nhiều diện tích đất nông nghiệp ở địa phương bị sạt lở. Ven triền kênh còn xuất hiện nhiều hố sụt lún rất lớn, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Đại diện chính quyền cho hay, dự án còn làm mất nước ngầm diện rộng ở Nguyệt Ấn. Hầu hết giếng khơi cũ không còn nước khiến người dân phải khoan giếng ngầm cả trăm mét mới tìm được mạch nước ăn. Nhiều hộ dân khó khăn chưa có điều kiện khoan giếng phải bắc ống mua nước của hàng xóm.
Ông Lê Văn Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Ngọc Lặc cho biết, địa phương đã thống kê danh sách hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án kênh Bắc để báo cáo UBND tỉnh Thanh Hóa và đề nghị chủ đầu tư sớm có phương án giải quyết. Trong khi chờ chủ đầu tư và nhà thầu đền bù, UBND huyện khuyến cáo người dân không nên ở trong các ngôi nhà có nguy cơ bị sập, nhất là trong mùa mưa bão hiện nay.
Trao đổi với VNE, ông Lê Hữu Hải, Phó giám đốc Ban quản lý thủy lợi III thừa nhận, quá trình nổ mìn thi công kênh thủy lợi qua xã Nguyệt Ấn đã gây hư hỏng nhà dân. Chủ đầu tư và nhà thầu đã nhiều lần phối hợp với chính quyền kiểm đếm, lên phương án đền bù cho bà con. Tuy nhiên, tình hình ngày càng phức tạp nên chưa thể giải quyết triệt để.
“Đào đá thì phải nổ mìn“, ông Hải nói và cho hay phương pháp này được thực hiện đúng quy chuẩn của Bộ Công Thương và thiết kế phê duyệt.
Bộ Nông nghiệp đã làm việc với UBND tỉnh Thanh Hóa và thống nhất để tỉnh thành lập hội đồng, chủ trì giải quyết quyền lợi cho người dân. Cũng theo ông Hải, việc hàng loạt hộ dân bị nứt nhà cửa có thể do nhiều nguyên nhân như bão lũ, co ngót vật liệu không đều theo thời gian cộng với hoạt động nổ mìn gây rung chấn. “Các cơ quan chuyên môn đang xác định nguyên nhân, nếu do thi công kênh thì đương nhiên trách nhiệm đền bù thuộc chủ đầu tư và nhà thầu“, ông Hải nói.
Theo VNE