Mỹ ủng hộ nhưng không gửi quân tới Iraq
Ngoại trưởng Mỹ nói Hoa Kỳ sẽ giúp Iraq chiến đấu chống lại các chiến binh liên kết với al-Qaeda, nhưng không có kế hoạch gửi quân trở lại nước này.
John Kerry nói ông tin tưởng Chính phủ Iraq của Thủ tướng Nouri Maliki có thể đánh bại các chiến binh.
Trước đó, chính phủ Iraq nói họ đã mất quyền kiểm soát thành phố chiến lược Fallujah, ở phía tây Baghdad.
Các chiến binh liên kết với al-Qaeda hiện đang kiểm soát phía Nam của thành phố, theo một nguồn tin an ninh nói với BBC.
Giới chức Iraq nói đã mất quyền kiểm soát về tay nhóm chiến binh có tên gọi Isis.
Theo một phóng viên người Iraq có mặt tại chỗ, những chiến binh là người của các bộ lạc có liên minh với al-Qaeda đang chiếm giữ phần còn lại của Fallujah.
Ông Kerry đưa ra lời bình luận khi rời Jerusalem tới Jordan và Saudi Arabia để thảo luận về các nỗ lực môi giới cho hòa bình giữa Israel và Palestine.
“Chúng tôi sẽ đứng cùng với Chính phủ Iraq và với những người khác để đẩy lùi những nỗ lực gây mất ổn định”, ông nói.
“Chúng tôi sẽ đứng cùng với Chính phủ Iraq và với những người khác để đẩy lùi những nỗ lực gây mất ổn định… Chúng tôi sẽ làm tất cả mọi thứ có thể“
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry
“Chúng tôi sẽ làm tất cả mọi thứ có thể. Tôi sẽ không đi vào chi tiết. “
Ông nói thêm: “Chúng tôi không dự tính đặt chân trở lại miền đất này, đây là cuộc chiến của người Iraq.”
Người đứng đầu cảnh sát ở tỉnh Anbar – Hadi Razeij – hôm thứ Bảy nói rằng lực lượng của ông đã phản kích trở lại vào thành phố và người dân Fallujah đang là “tù nhân của Isis “.
‘Xung đột gia tăng’
Giao tranh nổ ra sau khi quân đội ra tay trấn áp một trại biểu tình của người Ả Rập dòng Sunni ở thành phố Ramadi vào hôm thứ Hai.
Những người biểu tình cáo buộc Chính phủ do người Shia lãnh đạo đã đặt người Sunni ra ngoài rìa.
Người Sunni Ả Rập ở địa phương đã phẫn nộ bởi những gì mà họ cho là phân biệt đối xử do chính phủ của ông Maliki.
Họ cũng nói rằng cộng đồng thiểu số Sunni đang là mục tiêu của các biện pháp ‘chống khủng bố’ được thực hiện nhằm ngăn chặn gia tăng bạo lực giáo phái.
Trong những tháng gần đây, các chiến binh Sunni đã đẩy mạnh các cuộc tấn công trên khắp Iraq, trong khi các nhóm Shia bắt đầu các hành động trả thù gây chết người – tất cả làm dấy lên các mối lo sợ về sự trở lại trên quy mô lớn các cuộc xung đột giáo phái.
Hôm thứ Tư, Liên Hợp Quốc nói ít nhất 7.818 thường dân và 1.050 thành viên của lực lượng an ninh đã bị giết vào năm 2013.
Con số người chết hàng năm lên cao nhất trong nhiều năm, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với số liệu được thống kê kỷ lục trong các cuộc nổi dậy trong các năm 2006 và 2007.
Quân đội Hoa Kỳ đã kết thúc nhiệm vụ chiến đấu tại Iraq vào năm 2010 và rời khỏi nước này vào cuối năm 2011, sau khi đã tiến hành vào năm 2003 một cuộc xâm lược của liên quân do Mỹ dẫn đầu để loại bỏ Saddam Hussein khỏi quyền lực.
Theo BBC