Những sự kiện công nghệ thế giới nổi bật 2013
Cùng nhìn lại những sự kiện công nghệ ấn tượng nhất trong năm 2013.
Có thể nói 2013 là năm của smartphone, hàng loạt sản phẩm đình đám được các hãng điện thoại liên tục tung ra khiến thị trường này chở nên sôi động hơn bao giờ hết. Và đây cũng là năm đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử, doanh số bán ra của điện thoại thông minh vượt qua điện thoại phổ thông.
Theo các báo cáo thị trường, trong quý 2/2013, tổng số lượng smartphone được bán ra là 225 triệu máy, tăng hơn 46,5% so với cùng kỳ năm ngoái đồng thời chiếm 51,8% doanh số điện thoại di động trên toàn cầu. Trong khi đó doanh số của điện thoại cơ bản chỉ đạt 210 triệu máy và giảm 21% so với năm trước đó.
Quý 3/2013 cũng thêm một lần nữa khẳng định xu hướng đang lên của smartphone. Trong quãng thời gian này, tổng doanh số smartphone toàn cầu đạt 251,4 triệu chiếc, tăng 45% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó Samsung đứng đầu khi nắm giữ 35,2% thị phần smartphone bán ra. Đồng thời tiêu thụ số lượng máy lớn hơn tổng doanh số smartphone của các đối thủ trong nhóm 5 đầu bảng gồm Apple, Huawei, LG và Lenovo.
2. Cuộc chiến kiện tụng giữa Samsung và Apple
Trong quá khứ, 2 ông lớn của làng công nghệ thế giới đã không ít lần lôi nhau ra tòa xoay quanh bản quyền sáng chế.
Tháng 2/2013, tòa án Quận San Jose, Mỹ đã ra phán quyết yêu cầu Samsung nộp phạt 598,9 triệu USD do sử dụng trái phép 6 bằng sáng chế của Apple trên các sản phẩm của mình.
Đến tháng 6/2013, Ủy ban thương mại Mỹ (ITC) chấp thuận yêu cầu của Samsung trong việc cấm Apple nhập khẩu Phone 4, iPhone 3GS, iPad 3G và iPad 2 3G do AT&T phân phối vào Mỹ. Tuy nhiên phán quyết này đã bị phòng Đại diện Thương mại Mỹ thay mặt tổng thống Obama phủ quyết. Đây là một quyết định bất ngờ nếu biết trong 26 năm qua, chính quyền Mỹ chưa từng phủ quyết bất kỳ lệnh cấm bán nào từ ITC.
Thoát phạt, Apple ngay lập tử phát đơn kiện yêu cầu cấm bán nhiều dòng điện thoại và máy tính bảng của Samsung đã vi phạm bằng sáng chế tại thị trường nước Mỹ.
Các vụ kiện tụng qua lại giữa Samsung và Apple trong năm 2013 còn kéo theo nhiều hãng công nghệ khác vào cuộc như Microsoft, Intel và Oracle.
3. NSA và scandal do thám toàn thế giới
Hồi tháng 6/2013, Edward Snowden, cựu nhân viên CIA đã làm dậy sóng dư luận với việc hé lộ chương trình theo dõi bí mật người dùng Internet và điện thoại trên toàn thế giới của chính phủ Mỹ.
Theo đó, Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) và Cục Điều tra Liên bang (FBI) đã sử dụng một hệ thống giám sát có tên là Prism để truy cập trực tiếp vào hệ thống máy chủ của các công ty Internet Mỹ như Google, Apple, Microsoft, Facebook và AOL nhằm theo dõi thông tin người dùng.
Không những thế hệ thống này còn có thể thu thập các thư điện tử, cuộc trò chuyện qua video, tin nhắn trên mạng… để theo dõi những nghi phạm nước ngoài.
Đồng thời, Snowden cũng tiết lộ từ nhiều năm nay, Mỹ đã tiến hành nghe lén các cuộc điện thoại của nhiều nguyên thủ quốc gia trên thế giới như Đức, Pháp, Brazil …
Sau những thông tin chấn động được Edward Snowden tiết lộ, chính quyền Mỹ đã phát lệnh truy nã người đàn ông này. Snowden đã phải rời khỏi nước Mỹ và tiến hành xin tị nạn ở một số quốc gia như Ecuador và Nga.
4. Hàng loạt xu hướng mới cho smartphone
Cùng với tốc độ phát triển ấn tượng smartphone cũng đạt được nhiều bước tiến về mặt công nghệ trong năm 2013.
Phiên bản Mini: Là xu hướng thịnh hành của các dòng máy thuộc hàng siêu phẩm, phiên bản “ăn theo” thu nhỏ rất được ưa chuộng trong năm nay. Ngoài việc mở rộng hơn tập khách hàng, các loại máy này cũng giúp hãng điện thoại tận thu với thương hiệu sản phẩm của mình. Có thể kể đến các cái tên tiêu biểu như Galaxy S4 mini, HTC One mini …
Màn hình cong: Hiện có 2 hãng điện thoại đang đi đầu trong thế hệ màn hình mới này là Samsung với Galaxy Round và LG với G Flex. Mặc dù những smartphone trên chưa thực sự tạo được thành công lớn nhưng với sự đột phá của công nghệ, các phiên bản kế tiếp trong tương lai hứa hẹn thu hút được người dùng hơn.
Cảm biến vân tay: Mặc dù nhiều loại điện thoại Android đã trang bị tính năng đặc biệt này nhưng chỉ đến khi iPhone 5s ra mắt, bảo mật vân tay mới được nhận định là xu hướng trong thời gian tới. Mặc dù vẫn phải cải thiện nhiều nhưng đây có thể xem là điểm nhấn công nghệ của smartphone trong năm 2013.
Phụ kiện kết nối cùng smartphone: Ngành phụ kiện dành cho smartphone đã phát triển vượt bậc trong năm 2013. Từ nay người dùng đã có thể sở hữu đồng hồ thông minh smartwatch hay kính Google Glass có khả năng kết nối trực tiếp và hỗ trợ tới smartphone.
5. Trào lưu thâu tóm công nghệ
Thay vì tự mình phát triển các công nghệ mới, xu hướng được các đại gia trong lĩnh vực này ưa chuộng là thâu tóm những công ty nhỏ hơn. Một phần nhằm tránh vi phạm bản quyền, mặt khác là nhắm tới tập khách hàng sẵn có của đối tượng được mua lại.
Trong năm nay thương vụ đình đám nhất phải kể đến là vụ nhà mạng VerizonWireless mua lại 45% cổ phần từ hãng Vodafone của Mỹ với giá 130 tỷ đô. Hoặc Microsoft mua lại bộ phận sản xuất di động của Nokia với giá 7,2 tỷ USD.
Các hãng công nghệ khác cũng liên tục tiến hành nhiều vụ mua bán, sáp nhập. Apple đã thâu tóm được Matcha, Embark, và AlgoTrim; Facebook có Atlas, Hot Studio, Parse và Monoidics; Yahoo sở hữu Tumblr, Playerscale và Rondee …
6. Nokia bán mình cho Microsoft
Với số tiền lên đến 7 tỷ USD, Microsoft đã mua lại mảng thiết bị và dịch vụ của Nokia, cùng với quyền sử dụng bằng sáng chế của Nokia trong vòng 10 năm. Thương vụ này cũng đặt dấu chấm hết cho “đế chế” điện thoại di động lừng danh trong quá khứ.
Xét ở khía cạnh tích cực thì việc mua bán này sẽ mang lại lợi ích cho cả 2 bên. Microsoft muốn dốc toàn lực cho cuộc chiến smartphone trong khi Nokia đang thua lỗ triền miên và không chịu nổi sức ép từ các hãng điện thoại khác như Samsung hay Apple.
Mặc dù đã có trong tay Nokia nhưng khả năng thành công của Microsoft trên lĩnh vực smartphone vẫn còn là dấu hỏi lớn. Thực tế, mặc dù Microsoft đã đầu tư không ít cho cuộc chiến di động, nhưng điện thoại Windows Phone mới chỉ đạt vỏn vẹn 3,7% thị phần smartphone toàn cầu, quá ít so với Android (79,3%) và iOS (13,2%).
Thêm vào đó, Microsoft vẫn thường có quá khứ không mấy tốt đẹp khi phát triển các thiết bị di động. Tiêu biểu là các thất bại của máy nghe nhạc Zune, điện thoại Kin hay máy tính bảng Surface là ví dụ điển hình.
7. Steve Ballmer rời Microsoft
Ngoài thương vụ mua lại Nokia, sự kiện quan trọng nhất trong năm đối với Microsoft chính là việc CEO Steve Ballmer tuyên bố nghỉ hưu. Mặc dù tới hiện tại, Steve Ballmer vẫn đang nắm quyền nhưng vị trí này sẽ được bàn giao ngay lập tức khi Microsoft xác định được người thay thế.
Steve Ballmer bắt đầu làm việc tại Microsoft vào tháng 6/1980. Ông từng là trưởng một số bộ phận ở Microsoft, bao gồm Bộ phận Phát triển Hệ điều hành, Bộ phận Điều hành và Bộ phận Bán hàng và Hỗ trợ. Vào ngày 13/1/2000, Steve Ballmer trở thành giám đốc điều hành khi Bill Gates rời bỏ chức vụ này.
Trong thời gian ngồi ở vị trí cao nhất Microsoft, Steve Ballmer cũng thu được nhiều thành công đáng kể với hệ điều hành Windows 8, máy chơi game Xbox, quan hệ đối tác với Nokia … Nhưng cũng không ít thất bại như thất bại trên thị trường smartphone, máy nghe nhạc Zune, máy tính bảng Surface và hệ điều hành Windows Vista.
Theo những tin đồn, hiện 2 ứng cử viên sáng giá nhất được ngắm vào chiếc ghế CEO của Microsoft là Alan Mulally – CEO của Ford Motor, và Satya Nadella – Phó chủ tịch bộ phận điện toán đám mây và doanh nghiệp của Microsoft.
8. Đế chế BlackBerry sụp đổ
Từng có một quá khứ huy hoàng không kém gì Nokia nhưng giờ đây BlackBerry lại đang tiếp bước đồng nghiệp khi cận kề với bờ vực của sự sụp đổ. Mặc dù vẫn chưa “chết” nhưng BlackBerry đã giương cờ trắng và sẵn sàng bán mình để tìm đường sống.
Đỉnh cao của hãng điện thoại Canada là vào tháng 8/2007 khi cổ phiếu đạt mốc 236 USD. Tuy nhiên cũng chính thời điểm đó bắt đầu đánh dấu sự đi xuống của BlackBerry. Mặc kệ sự vươn lên mạnh mẽ của các dòng điện thoại Android và iPhone, hãng vẫn trung thành với những dòng máy dành cho doanh nghiệp và chính phủ.
Chính việc đánh giá thấp các đối thủ đã khiến BlackBerry nhận phải thất bại nặng nề. Tới năm 2013, cổ phiếu của hãng chỉ còn khoảng 10 USD, kể từ đây BlackBerry đã không thể tự quyết định được vận mệnh của mình. Hãng này sẵn sàng chấp nhận liên doanh với bên ngoài hoặc thậm chí bán toàn bộ công ty nhưng tới hiện tại các hướng đi đều rơi vào bế tắc.
Theo giới đầu tư, tài sản đáng giá nhất của BlackBerry không phải nằm ở bộ phận sản xuất di động mà chính là kho bằng sở hữu trí tuệ. Đây cũng là đích đến mà các công ty như Samsung hay Lenovo đang nhăm nhe, tuy nhiên những đối tác này không có gì phải vội, BlackBerry đang chết dần và chi phí phải bỏ ra để mua lại cũng giảm dần theo thời gian.
Theo Vtcnews