Còn Gì Bất Hạnh Hơn ?
Tột cùng bất hạnh
Tháng 1/1972, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng thanh niên Lê Văn Hoá (SN 1952) lên đường ra trận, tham gia đoàn quân Nam tiến đánh giặc. Sau những năm tháng ở chiến trận cùng với đồng đội và giải phóng miền Nam trong chiến thắng tưng bừng. Tháng 5/1976, anh xuất ngũ trở về quê hương kết duyên với chị Nguyễn Thị Tuyết (SN 1953) định cư tại xã Quỳnh Mỹ nay là khối 9 thị trấn Cầu Giát (huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An).
Do những năm tháng chiến đấu trong các trận mạc, anh đã bị chất độc màu da cam ăn sâu vào cơ thể mà anh không hề hay biết. Cái ngày vợ chồng anh sinh các con thì mới hay biết mình đã bị nhiễm chất độc da cam nhưng không biết phải làm sao giờ. Cũng từ đó, 3 đứa con của vợ chồng anh đều dị tật. Đầu tiên phải kể đến cậu con trai Lê Văn Cường (SN 1980) đầu óc khá tỉnh táo nhưng 2 cánh vai sạ xuống, mỗi bên nổi lên hai cục xương tựa như người có… 4 vai.
Và anh quặt quẹo ốm đau triền miên tưởng chừng anh không thể lấy được vợ. Thế nhưng, Cường may mắn được một thiếu nữ nghèo thương yêu lấy làm chồng. Ngày họ cưới nhau hai bên nội ngoại, làng xóm ai cũng vui mừng khôn xiết. Tuy nhiên, quà cưới cũng như của hồi môn với vợ chồng trẻ Cường lúc đó chẳng có gì ngoài mấy yến gạo, cân muối. Sau ngày cưới, họ không có tiền mua đất nên phải dựng tạm ngôi nhà trong vườn bố mình để ở riêng bữa rau bữa cháo nuôi nhau cho qua ngày đoạn tháng.
Người con trai thứ, anh Việt nằm một chỗ đã hơn 20 năm nay, không làm được gì.
Sau khi anh Cường ra đời được 2 năm, bà Tuyết tiếp tục sinh thêm đứa con thứ 2 và đặt tên là Việt (SN 1982). Ngày cất tiếng khóc chào đời Việt cũng như bao đứa trẻ cùng trang lứa và lớn nhanh như thổi. Từ năm lớp 1 đến gần cuối cấp 2, Việt luôn là đứa con ngoan hiền, chăm lo học giỏi. Thế nhưng đến năm 13 tuổi, Việt bỗng dưng trở chứng, tính tình khác thường… Đặc biệt, Việt cứ lắc lư như một người bị bệnh thần kinh và cuối cùng là toàn thân không sao cố định được.
Kể từ đó, con đường học hành của Việt chính thức dừng lại. Và quãng đời tăm tối gắn với Việt từ ngày đó. Hằng ngày, Việt chỉ nằm bẹp, lắc rung cả giường, muốn ngồi dậy phải có người khác khiêng. Những mong có đứa con lành lặn để sau này khi về già còn có đứa nuôi dưỡng, nâng đỡ nên năm 1984, chị Tuyết thêm một lần sinh hạ – lần thứ ba với đứa con gái chào đời chị đặt tên Lê Thị Hoa. Hoa ra đời rực rỡ như bông hoa đào chúm chím trước xuân ai cũng vui mừng. Niềm vui tràn ngập gia đình, anh chị nhìn con tràn trề hy vọng. Thế nhưng, tai họa lại ập đến, năm lớp 4, Hoa bỗng nhiên cứ đi như lao về phía trước rồi ngã ịch lúc nào không biết.
Người con gái duy nhất của ông Hóa chỉ biết nằm “cười” sảng. Chị bị từ khi đang học cấp 1 cho đến nay như cảnh ngộ của anh trai mình.
Dần dần, Hoa cứ liêu xiêu như người đi trong mưa bão và cuối cùng là chân tay run bần bật không cầm được cái gì rồi dẫn đến mất trí nhớ, và hằng ngày Hoa chỉ biết la hét suốt ngày đêm. Hai đứa con mang bệnh nặng, có thứ gì đáng đồng tiền trong nhà anh chị bán hết để đưa 2 con đi bệnh viện hầu mong sẽ có một phép mầu nào đó sẽ chữa trị khỏi. Song, vợ chồng anh mang hai con đưa đi khắp các bệnh viện từ Bắc vào Nam, hay Miền Trung nhưng vô vọng, đành gạt nước mắt đưa về sớm khuya lặn lội làm lụng nuôi con.
Tưởng rằng nỗi thống khổ đã đến tột cùng, dè đâu năm 1990, ông Hoá, chỗ dựa vững chắc của cả gia đình đột nhiên phát bệnh: Chân run, tay khèo, cơ teo, miệng ngọng, mắt lồi, trí nhớ hoàn toàn bị xoá sạch. Hàng ngày, ông chống 2 tay xuống đất lết đi từng centimet, vừa lết ông vừa kêu lên thảm thiết “Đồng đội ơi…cứu với”.
Họa vô đơn chí
Trong lúc nỗi bất hạnh của gia đình cựu chiến binh này khó có gia đình nào ở xứ Nghệ có thể “sánh kịp” thì tạo hoá lại khéo “trêu ngươi”. Thế là tai hoạ thêm một lần nữa đổ ập xuống như muốn nghiền nát, chặn hết con đường sống của họ. Trong một lần đi nhặt ve chai, bà Tuyết bị một chiếc xe tải tông phải. Bà được nhập vào bệnh viện đa khoa tỉnh Nghệ An, nằm tại “Phòng hồi sức tích cực đặc biệt” sau đó chuyển qua khoa thần kinh cột sống rồi xuống Khoa răng hàm mặt.
Tại bệnh viện, bà Tuyết bị cắt cụt cánh tay phải, gãy xương đòn vai, chấn thương sọ não, gãy xương quai hàm trên dưới, vỡ xương xoan mặt, dập đốt sống 4, đa chấn thương toàn thân. Hiện nay, bà vẫn hôn mê sâu, nằm bất động, toàn thân quấn đầy băng trắng dù đã chạy chữa hết 60 triệu. Bà Tuyết là lao động chính trong gia đình, là chỗ dựa cho cả 4 con người giờ bà đã như sụp đổ, không còn khả năng lao động được nữa, giờ bà đang nằm chờ chết mà thôi… Như thế, đoạn kết của một gia đình có thể xem như đã chấm dứt.
Trong khi đó, có mặt tại gia đình bà Tuyết vào những ngày cuối tháng 11 này cơn mưa cứ rắc rắc như rắc muối, giữa cái lạnh tê tê của xứ Nghệ và lặng người chứng kiến sự điêu tàn không bút nào tả xiết. Căn nhà của những người “khốn khổ” này khi những bức tường vôi lở loác như một thân hình người bị ghẻ lỡ, mái ngói tiêu điều xác xơ như có cơn gió giật cấp 12 vừa vụt qua, cũng vì thế nhưng trong căn nhà không có chỗ nào không dột khi trời mưa xuống. Nước mưa, cộng với bột mọt (những con mọt đục xà nhà – PV) từ rui hoành rơi xuống đầu 3 con người gầy gò, rách rưới, hôi hám, vô thức, run cầm cập.
Dường như cảm nhận được nỗi đau, ông Hoá không còn kêu la ngồi thẩn thờ, đôi mắt vô hồn. Cô con gái út không còn lê la ngoài chợ được nữa mà thay vào đó là hú hét mà ngồi lỳ một chỗ tay chân run bần bật lên, còn Việt thì vẫn cứ run lắc liên tục không ngừng. Từ đầu đến cuối nhà, không thấy bất cứ một vật dụng gì để có thể nhận ra đây là chỗ ở của “con người”.
Cậu con trai đầu dù ốm yếu vẫn phải vào bệnh viện trực mẹ. Toàn bộ gánh nặng gia đình nhờ vào cô con dâu đã ở riêng cũng nghèo khổ, nhàu nát, tả tơi chẳng khác gì mẹ chồng do gánh nặng nhà chồng và nhà mình với hai con thơ dại. Khi thấy chúng tôi đặt gói quà vào bên cạnh, ông Hoá bổng như cảm nhận được, hai giọt nước mắt vón thành cục trào ra, lăn xuống, đọng lại trong hốc mắt sâu hoằn.