Những cây cầu đi bộ vượt sông ở châu Âu
Thực tế đã chứng minh tại nhiều thành phố nằm dọc sông, việc xây dựng cầu bộ hành vượt sông kết nối với khu vực trung tâm không những đảm bảo tốt chức năng kết nối giao thông phi cơ giới giữa hai bờ sông mà còn thực hiện chức năng kết nối quan trọng giữa giao thông phi cơ giới (gồm đi bộ, xe đạp) và mạng lưới giao thông công cộng dày đặc phía trong trung tâm thành phố. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để khuyến khích người dân sử dụng phương tiện phi cơ giới và giao thông công cộng thay thế phương tiện cơ giới cá nhân, đây sẽ là một trong những giải pháp chìa khoá để giải quyết các vấn nạn về giao thông liên quan đến tắc đường, tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường và tổn thất về kinh tế.
Nhiều nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra việc đặt vị trí cầu vượt người đi bộ gần khu vực trung tâm thành phố, khu vực mua sắm, trường học, bệnh viện, và đặc biệt là các đầu mối giao thông công cộng… sẽ cho hiệu quả rất cao về nhiều mặt. Hơn nữa, cầu vượt người đi bộ qua sông tại các thành phố lớn còn là một công trình kiến trúc, một điểm thu hút du lịch, một điểm nhấn về cảnh quan và văn hóa của thành phố.
Ví dụ tại thành phố Frankfurt (CHLB Đức), bố trí 2 cầu vượt cho người đi bộ và xe đạp qua sông Main kết nối trực tiếp với khu vực trung tâm. Hai cầu vượt cách nhau chưa đầy 1,5 km, một cầu kết nối vào trung tâm mua sắm chính của thành phố, một cầu kết nối với trung tâm tài chính của Châu Âu. Hai cầu vượt này không những đảm bảo rất tốt chức năng về giao thông mà còn là một công trình kiến trúc nổi bật của thành phố.
Cầu vừa có chức năng kiến trúc, cảnh quan, vừa có chức năng giao thông. Ảnh sưu tầm |
Cách đó chưa đầy 1,5km, một cây cầu vượt sông thứ hai |
Và còn nhiều thành phố lớn khác của Châu Âu cũng nằm dọc theo sông, việc bố trí cầu vượt cho người đi bộ đều tích hợp một cách hoàn hảo các mục tiêu giao thông, kiến trúc, cảnh quan, văn hoá, như thủ đô Paris của Pháp có 3 cầu vượt cho người đi bộ qua sông Seine, hay cầu đi bộ Charles qua sông Vltava của cộng hoà Séc cũng là biểu tượng của thủ đô Praha…
Cầu đi bộ Charles, Praha, cộng hoà Séc. Ảnh sưu tầm |
Những chủ trương gần đây của TP. Hồ Chí Minh như khuyến khích giao thông công cộng, giao thông phi cơ giới, cùng với chủ trương xây dựng cầu đi bộ vượt sông Sài Gòn là những giải pháp then chốt để giải quyết bài toán giao thông cho các đô thị của Việt Nam. Chủ trương xây dựng cầu đi bộ vượt sông Sài Gòn của TP Hồ Chí Minh làđúng đắn và thiết thực trong thời điểm hiện tại, chủ trương này tích hợp nhiều mục tiêu quan trọng cho cả hiện tại và tương lai.
Để có một công trình đẹp và bền vững và thân thiện theo thời gian thì việc lựa chọn phương án kỹ thuật, kiến trúc tổng thể của cầu vượt, cũng như việc duy tu bảo dưỡng, giám sát thường xuyên, quản lý chất lượng sau khi công trình đưa vào khai thác sử dụng cần được nghiên cứu kỹ lưỡng khi tiến hành quy hoạch và thiết kế dự án.
Nguyễn Văn Nam, nghiên cứu sinh Viện Quy hoạch Kiến trúc Giao thông, ĐH Darmstadt, CHLB Đức