Giáo dục phương Đông ưu việt hơn phương Tây?
– Với sự trỗi dậy của kinh tế và khoa học công nghệ Trung Hoa, nhiều người, trong đó có cả những chuyên gia đặt câu hỏi phải chăng cách dạy dỗ của phương Đông có nhiều ưu việt hơn so với phương Tây.
Gần đây trên một số báo nước ta có đăng những bài viết nói về hai phong cách giáo dục, dạy dỗ con cái của các ông bố, bà mẹ ở phương Đông (điển hình là Trung Quốc) và ở phương Tây (điển hình là Mỹ). Đa số các bài viết đó nêu lại ý kiến nhận xét hoặc quan điểm của một số tác giả nước ngoài về vấn đề này.
“Mẹ Hổ” nổi tiếng với kiểu giáo dục áp đặt |
Cũng gần đây, cùng với sự trỗi dậy của kinh tế và khoa học công nghệ Trung Hoa, nhiều người, trong đó có cả những chuyên gia đặt câu hỏi phải chăng cách dạy dỗ của phương Đông có nhiều ưu việt hơn so với phương Tây. Thậm chí người ta còn đặt vấn đề xem xét lại nền giáo dục của Mỹ mà bấy lâu nay vẫn được coi thuộc hàng tiên tiến nhất thế giới. Những kết quả “thi cử” rất ấn tượng của học sinh Trung Quốc trong các cuộc thi mang tính toàn cầu dường như cũng góp phần gây nên nỗi hoài nghi đó. Người đứng đầu nhà nước Hoa Kỳ, Tổng thống Obama bày tỏ mối quan tâm về việc cần đánh giá lại một cách cẩn trọng nền giáo dục phổ thông và đại học của nước này, giống như năm 1957 sự kiện vệ tinh nhân tạo của Liên Xô cũng đã gây nên một mối quan ngại như vậy.
Phương Tây: học để tự tin hòa nhập và phát triển
Chắc nhiều người đã biết, có rất nhiều điểm khác biệt giữa hai cách dạy dỗ con cái (qui ước là từ lúc bé cho đến lúc học hết phổ thông) của hai đại diện Mỹ và Trung Quốc. Từ lúc bé cho đến lúc học hết phổ thông chắc chắn là giai đoạn quan trọng nhất trong việc hình thành nhân cách và những thói quen suy nghĩ, hành động của một công dân tương lai trong bất cứ một quốc gia nào.
Xuất phát từ quan điểm bình quyền, bình đẳng công dân nên mục tiêu mà cách dạy dỗ và giáo dục phương Tây hướng tới là giúp các em sớm hình thành và củng cố tinh thần tự chủ, độc lập, năng động sáng tạo trong một xã hội văn minh lấy sự tự giác tuân thủ luật pháp làm nền tảng. Do vậy mà không có áp lực nào từ phía gia đình hay trường học, tỷ như thành tích và kết quả học tập phải cao hay phải chú trọng ngành này, ngành kia sau khi tốt nghiệp phổ thông. Quan điểm đó được các bậc cha mẹ và hệ thống giáo dục nhất quán chia sẻ và thực hiện nghiêm túc.
Các em sớm hình thành và củng cố tinh thần tự chủ, độc lập, năng động sáng tạo trong một xã hội văn minh |
Những đứa trẻ của một nền giao dục như vậy trong quá trình trưởng thành được cung cấp cả một gói tri thức có cấu trúc tương đối hài hòa gồm những kiến thức phổ thông kết hợp với những hiểu biết phong phú về thiên nhiên, con người và các mối quan hệ xã hội, đặc biệt là kỹ năng hợp tác. Điều đó giúp chúng có nhiều cơ hội trở thành một con người nhân văn, tự tin với sức khỏe tâm lý lành mạnh để hòa nhập vào cuộc sống tự lập và phát triển cá nhân. Đó cũng có thể được coi là một nền giáo dục tôn trọng tuổi thơ của trẻ em. Thật khó hiểu cho những ai nghĩ về xã hội phương Tây theo kiểu định kiến rằng ở đó con người sống thực dụng, đề cao cá nhân nhưng lại đánh giá khả năng làm việc theo nhóm như một phẩm chất quan trọng hàng đầu.
Phương Đông: Học để đổi đời
Quay về phương Đông, chúng ta thử xem những điều gì làm nên sự khác biệt trong quan điểm và cách thức vận hành nền giáo dục ở đây so với phương Tây. Nhìn chung, ở phương Đông phần lớn các bậc cha mẹ thường gò ép con cái học tập, rèn luyện và phấn đầu theo cách mà họ cho là sẽ tốt nhất cho tương lai của con em mình. Phải chăng sự kỳ vọng “đổi đời”, sự “ganh đua ngầm” của các bậc sinh thành là nguyên nhân chính của cái sự áp đặt ý chí và mục tiêu một cách thái quá lên đôi vai non nớt của trẻ thơ? Cũng chính vì sự kỳ vọng đó mà thành tích học tập của các em trở thành một tiêu chí gần như duy nhất đối với sự quan tâm của gia đình.
Kỳ vọng “đổi đời”, sự “ganh đua ngầm” của các bậc sinh thành đã áp đặt ý thái quá lên đôi vai non nớt của trẻ thơ |
Hùa theo các bậc cha mẹ học sinh, nhà trường cũng đặt thành tích kiểm tra thi cử lên hàng đầu, càng tạo nên sức ép tâm lý nặng nề lên các em. Từ đây cũng phát sinh nhiều điều tiêu cực như đã thấy đối với nền giáo dục ở nước ta. Trẻ em ít được cung cấp các hiểu biết và kỹ năng sống sao cho khỏe mạnh về tinh thần và thể chất vì chúng phải nhồi nhét cho nhiều kiến thức các môn học, trong đó kỹ năng được rèn luyện chủ yếu là để học thuộc và giải các bài tập, đặc biệt là môn toán. Có thể nói nền giáo dục như vậy là nền giáo dục đánh cắp tuổi thơ của các em. Hậu quả là nó tạo ra những thế hệ thanh thiếu niên méo mó trong sự phát triển của chính bản thân mình, ít hiểu biết về xã hội và các mối quan hệ con người, sức khỏe tâm thần nói chung là không như mong muốn.
Nền giáo dục với nhiều sức ép thành tích thi cử khiến học sinh bị ngợp trong sự tiêu hóa gấp gáp các kỹ năng làm bài tập mà các giáo viên với thâm niên nhiều năm “sáng chế” ra như những thứ bảo bối. Chúng không có thời gian hoặc không thể tự hiểu được những tri thức mà chúng được dạy có gì liên quan đến thực tiễn cuộc sống đang diễn ra bởi lẽ trong cách giảng dạy cũng như trong sách giáo khoa những chỉ dẫn về ứng dụng kiến thức học ở nhà trường vào đâu và thế nào thì không rõ ràng hoặc hoàn toàn thiếu vắng. Phương pháp giáo dục này có thể mang đến kết quả thi cử rất cao nhưng sức sáng tạo trong tương lai thì chưa chắc đã có. Nói một cách ngắn gọn và mang tính hình tượng thì nền giáo dục Tây phương là mở (trẻ thơ được hướng dẫn để tự tìm hiểu về thiên nhiên và xã hội), còn ở phương Đông là áp đặt theo ý muốn của người lớn.
Chọn phương pháp nào?
Một câu hỏi tất yếu sẽ được đặt ra: phương pháp giáo dục nào có khả năng tạo nên nhiều người tài hơn cho xã hội. Trong quá khứ chúng ta đã thấy Liên Xô với sự tập trung cao độ ý chí của lãnh đạo và nguồn lực của xã hội nên trong một số giai đoạn và một số lĩnh vực đã đạt được những thành tựu đôi khi vượt cả phương Tây. Nhưng trong toàn cục thì kết quả thế nào ai cũng đã biết. Người tài, đặc biệt là thiên tài chỉ có thể xuất hiện trong một môi trường làm việc hoàn toàn tự do cho niềm đam mê sáng tạo nảy sinh và phát triển. Trong họ là sự cộng sinh hoàn hảo của một bộ óc tuyệt vời trời cho với một sức khỏe tâm lý lành mạnh mà gia đình và xã hội vun đắp.
Hình như ở phương Đông yếu tố thứ hai không có nhiều cơ hội để hình thành và bền chắc trong mỗi con người như ở phương Tây. Với một phương pháp giáo dục lấy “tiêu hóa” kiến thức thật nhiều, thật nhanh làm mục tiêu, trẻ thơ sớm già cỗi về tâm hồn, méo mó trong cách nhìn về sự hợp tác ắt sẽ dễ dẫn đến tính vị kỉ cao hơn, tâm lí dễ bất ổn hơn. Một xã hội với nhiều công dân như vậy sẽ không thể phát triển bền vững trong dài hạn.
Phải chăng phương thức tiến hành của một nền giáo dục có tầm quan trọng hơn so với nội dung mà nó muốn cung cấp cho trẻ em? Tôi cho rằng điều đó là đúng. Mục tiêu cơ bản nhất của giáo dục là hình thành nhân cách phù hợp với xã hội. Trẻ em khi tốt nghiệp phổ thông phải thấy được vị trí nào thì thích hợp nhất với năng lực và sự kỳ vọng của mình. Phải tạo điều kiện để mỗi học sinh trong quá trình học ở trong trường thấm nhuần được một điều quan trọng là tri thức mỗi người có được chủ yếu dựa vào tinh thần tự học từ sách vở và từ những người cộng tác trong suốt cuộc đời.
Mỗi nền giáo dục là sản phẩm của một nền văn minh
Vậy có thể xảy ra khả năng xã hội phương Tây sẽ áp dụng các phương pháp giáo dục của phương Đông hay không hoặc ngược lại? Ai cũng biết, các nước phương Tây phần lớn xây dựng xã hội theo thể chế cộng hòa, dân chủ, trong khi trên lục địa mênh mông của phương Đông (châu Á nói chung) do ảnh hưởng sâu rộng của chế độ phong kiến, một thể chế thực sự kiểu phương Tây còn chưa là một thực tế. Vì thế mà quan hệ xã hội ở phương Đông bản chất vẫn là cai trị chứ chưa bình quyền như ở phương Tây.
Xã hội phương Tây nói chung là phát triển và giàu mạnh. Cơ cấu nghề nghiệp phong phú và thu nhập hoàn toàn theo tài năng của từng cá nhân. Một công nhân kĩ thuật với tay nghề giỏi có thu nhập cao hơn hẳn thu nhập của một giáo sư hay một nhà nghiên cứu. Một lãnh đạo công ty có lương và thưởng cao hơn nhiều so với lương bổng của thủ tướng hay tổng thống. Mọi cá nhân bình đẳng trước pháp luật. Và vì thế mà mỗi người trưởng thành chọn ngành nghề hoàn toàn theo khả năng và thiên hướng của mình chứ không có bị gò ép theo mức độ “danh giá” của công việc hoặc vì sự thúc ép của gia đình hay dư luận xã hội.
Trong khi đó, ở phương Đông (phần lớn là còn nghèo và lạc hậu) do tàn dư của quan điểm phong khiến, xã hội còn có sự phân biệt rõ ràng giữa người lao động chân tay với lao động trí óc (về thu nhập và địa vị), và đặc biệt là giữa người dân thường với những người làm quản lý (các cấp). Do những đặc quyền đặc lợi rất cao của nhóm quản lí so với nhóm còn lại mà từ bao đời nay các ông bố, bà mẹ chỉ còn cách ép con mình cố học “thành tài” để đổi đời. Vì thế mà cái sự học ở đây chỉ là để kiếm cơm tốt hơn, có địa vị cao hơn chứ không phải là để sáng tạo. Đó chính là sự khác nhau cơ bản về quan hệ người-người, quan điểm hạnh phúc-trong-công việc ở hai nửa trái đất và cũng chính điều đó tạo nên sự tương phản giàu-nghèo, văn minh-lạc hậu giữa hai xứ xở. Và vì vậy nên mới có sự khác biệt giữa hai nền giáo dục như nói ở trên.
Xem ra mỗi nền giáo dục đó đã thực sự là sản phẩm của mỗi nền văn minh, một cao và một thấp. Cả hai đều là con đẻ của hai cấu trúc xã hội khác nhau và mang đậm dấu ấn của cấu trúc ấy. Nền giáo dục phương Đông không thể theo phong cách phương Tây một khi cả gia đình và dư luận chung vẫn giữ nguyên cách nhìn nhận cũ về giá trị của con người trong xã hội. Phương Tây cũng không thể áp dụng được cách giáo dục của phương Đông vì nó trái với bản chất xã hội của họ. Họ chắc cũng đủ thông minh để hiểu rằng họ đi trước phương Đông chính là nhờ nền giáo dục như họ đang có. Nếu phương Đông không thể giã từ quan điểm xã hội “phong kiến” của mình thì mãi cứ đi sau phương Tây, giống như trái đất bao đời nay vẫn quay từ Đông sang Tây.
Phong Doanh
* Tên bài và tít phụ do Bee đặt