Những cây cầu có kiến trúc kỳ lạ
Mỗi cây cầu là một công trình kiến trúc được gửi gắm vào đó những nét văn hóa bản địa. Và mỗi cây cầu đều mang theo nhiều chuyện thú vị ở nơi “nối những bờ vui”.
Cầu Rakotz, Kromlau, Đức: Về cơ bản, chức năng của mỗi cây cầu là để người ta đi lại nhưng cây cầu Rakotz ở Đức lại chỉ để “làm cảnh”.
Cầu treo ở làng Cherrapunji, bang Meghalaya, Ấn Độ: Ngôi làng Cherrapunji có nhiều cây cầu được bện từ các rễ cây. Bộ lạc War-Khasis sinh sống ở địa phương từ hàng trăm năm trước đã có cách bện các rễ cây đa, cây đề về một hướng nhằm kích thích rễ cây mọc dài về hướng đó. Những cây cầu ở đây có cái dài hơn 30m và có thể chịu được tải trọng của 50 người.
Cầu Moses, làng Halsteren, tỉnh North Brabant, Hà Lan: Trong khi đa số các cây cầu nằm trên mặt nước thì cây cầu băng qua hào nước Fort de Roovere ở Hà Lan lại nằm dưới mặt nước. Hai bức tường được dựng lên có tác dụng như hai bờ đập giữ nước, không cho nước tràn xuống cầu và nếu đứng từ xa quan sát, người ta sẽ không thể nhìn thấy cây cầu đặc biệt này.
Cầu Rolling, London, Anh: Cầu Rolling dài 12m, có 8 nhịp, có thể uốn cong lại thành một hình bát giác để tàu thuyền đi lại qua kênh Grand Union, quận Paddington.
Cầu Tình bạn, thành phố Nantan, Kyoto, Nhật Bản: Thường cầu phải là con đường ngắn nhất để nối liền hai bờ nhưng cầu Tình bạn thì ngược lại, nằm trong thị trấn nghỉ dưỡng Yoshi, ngoại ô Kyoto, cây cầu tạo thành một hình tròn có đường kính 80m. Thiết kế này thể hiện nét đặc trưng của thị trấn, đó là sự trầm mặc, chậm rãi.
Cầu Slauerhoffbrug, thành phố Leeuwarden, Hà Lan: Cây cầu Slauerhoffbrug khiến những người qua đường cảm giác như thể họ đang sống trong những thế kỷ của tương lai. Mỗi khi có một con tàu lớn đi qua sông Harlinger Vaart, một “cánh tay thép” sẽ nhấc mảng cầu lớn lên không trung để tàu có thể đi qua.
Cầu Cua, đảo Christmas, Úc: Đảo Christmas của Úc mỗi năm chứng kiến cuộc di cư của 120 triệu chú cua đỏ từ trong đảo ra ngoài đại dương. Đàn cua di cư quá đông đến mức đôi khi giao thông bị ngưng trệ và người dân không thể đi lại được. Cây cầu Cua được xây dựng lên để đàn cua đi theo đường cầu này mà ra bờ biển, nhờ thế người dân vẫn có thể tham gia giao thông ở phía dưới một cách bình thường.
Cầu Lego, thành phố Wuppertal, Đức: Gầm cầu hiếm khi được coi là đẹp, tuy vậy, cây cầu Lego đã thay đổi quan niệm này khi được một nghệ sĩ đường phố quét sơn lại và biến thành một tác phẩm Lego khổng lồ với mong muốn giúp những người lái xe dưới chân cầu nhớ về những năm tháng ấu thơ vui vẻ.
Cầu Bánh xe Falkirk, thị trấn Falkirk, Scotland, Anh: Cây cầu Falkirk có nhiệm vụ kết nối hai kênh đào có mực nước chênh lệch, kênh Union và kênh Clyde. Theo đó, tàu thuyền ở kênh đào Union, có mực nước thấp hơn, sẽ đi vào một chiếc máng khổng lồ và được đưa lên cao vào một cầu dẫn nước để nó có thể bơi vào kênh đào Clyde ở phía trên.
Cầu Henderson, Singapore: Cây cầu Henderson kết nối hai công viên xinh đẹp của đất nước Singapore. Cầu lượn sóng, được thắp sáng về đêm và trở thành điểm nhấn kiến trúc xinh đẹp vắt ngang trên bầu trời.
Cầu Xoắn, thị trấn Vlaardingen, Hà Lan: Mặt cầu bằng phẳng như tất cả những cây cầu khác, tuy vậy, thiết kế chiếc lồng sắt uốn lượn cao thấp, nhấp nhô khiến những ai không quen với cây cầu Xoắn sẽ tưởng cây cầu này có gì đó nguy hiểm.
Cầu Gateshead Millenium, thành phố Newcastle, Anh: Cây cầu được thiết kế với mục đích thuận tiện cho người đi bộ, đi xe đạp và cả người khuyết tật đi xe lăn, bên cạnh đó, chiều cao của cầu cũng phải đảm bảo làm sao để tàu thuyền có thể qua lại dễ dàng. Các nhà thiết kế đã sáng tạo ra cây cầu hình vòng cung, có thể xoay lên cao cho tàu lớn đi qua.
Cầu Rồng, quận Ruhr, Đức: Hình một chú rồng được dựng lên bên cạnh cây cầu nhằm gợi nhớ lại những câu truyện truyền thuyết nổi tiếng của địa phương.
Cầu chân chèo, Hong Kong, Trung Quốc: Cây cầu này không chỉ có ý nghĩa giao thông mà thực tế mang nhiều ẩn ý sâu xa về đời sống chính trị, nó kết nối Trung Quốc Đại lục với Hong Kong – hai vùng đất với hai đường lối chính trị khá khác nhau. Cây cầu kết nối giống như hình dải ruy băng, uốn lượn nhẹ nhàng với ý nghĩa đường lối chính trị của hai vùng đất sẽ trở nên mềm dẻo để phù hợp với nhau.
Cầu Đảo Aiola, thành phố Graz, Áo: Người ta thường lên đến giữa cầu và dừng lại để ngắm cảnh, chính vì thói quen này mà cây cầu Đảo Aiola bắc qua sông Mur đã được thiết kế với hẳn một quán bar, một quán cà phê, một nhà hát và một sân chơi tại điểm giữa của cầu.
Cầu Sinh vật, công viên quốc gia Banff, Canada: Trên cây cầu rậm rạp nhiều cây cối này, bạn sẽ thấy nhiều sói, hươu, nai, gấu… Cây cầu được xây dựng để các loài động vật hoang dã sống trong khu rừng của công viên Banff có thể băng qua đường cao tốc một cách an toàn để sang vạt rừng bên kia.
Nguồn: Dân Trí