Câu chuyện vượt ngục chấn động lịch sử Thế chiến 2
Khát khao tự do chính đáng của những tù binh quân đồng minh trong nhà tù Stalag Luft III đã được hiện thực hóa bằng một cuộc vượt ngục vào đêm 24, rạng sáng 25/3/1944 khiến ai cũng phải kinh ngạc, thán phục. Cùng tìm hiểu về cuộc vượt ngục được cho là vĩ đại nhất của những phi công trong lịch sử dưới đây.
Nhà tù bất khả xâm phạm
Nhà tù Stalag Luft III nằm trong mạng lưới những nhà tù đặc biệt chuyên giam giữ các tù binh chiến tranh là phi công nằm ở Tây Berlin. Số tù nhân ban đầu bị giam giữ ở đây là tầm 1.000 người, trong đó có khoảng 500 phi công thuộc lực lượng Không quân hoàng gia Anh, các nước thuộc Khối thịnh vượng Anh, cùng nhiều quân nhân của nước đồng minh.
Toàn cảnh nhà tù Stalag Luft III.
Nhà tù Stalag Luft III nằm giữa một bãi đất trống gần cánh rừng thông, có chu vi vào khoảng 1.350m. Bao bọc quanh nhà tù là hai hàng rào dây thép cao gần 2,5m, lớp nọ cách lớp kia gần 1,5m.
Một góc nhà tù Stalag Luft III.
Bất kỳ tù nhân nào dại dột bước qua hàng rào sẽ bị các khẩu súng máy ở trên các tháp canh bắn tan xác. Các khu giam giữ còn được xây dựng cách mặt đất khoảng 60cm, vì thế mà những tên lính gác có thể bò bên dưới và truy tìm các đường hầm.
Nhóm “X”
Quan sát nhà tù và cách bố trí những tháp canh, đặc điểm binh lính canh gác, các tù binh là sĩ quan cao cấp người Anh nhận thấy rằng, họ hoàn toàn có thể thoát ra được nếu có một kế hoạch được tổ chức bài bản. Bởi vậy, họ đã thành lập một nhóm tên là “X”.
Đứng đầu tổ chức này là trung tá Roger Bushell, anh ta đã thành lập một ủy ban bao gồm các chuyên gia và họ quyết định đào ba đường hầm với hy vọng rằng, ít nhất một trong số ba đường hầm này sẽ giúp họ vượt ngục thành công. Để đảm bảo bí mật, họ quyết định đặt tên cho ba đường hầm này là Tom, Dick và Harry. Tom nằm cách lớp hàng rào dây thép gai về phía Tây khoảng 30m.
Lối dẫn xuống đường hầm được đào qua lớp bê-tông nằm ngay bên ngoài cửa bếp. Dick được bắt đầu từ một căn nhà gỗ nằm cách hàng rào xa hơn. Đường hầm Harry được làm phía dưới một bếp lò.
Miêu tả đường hầm Harry.
Khi vị trí các cửa đường hầm được xác định xong, các tù nhân liền bắt tay vào việc đào đường hầm. Điều thú vị là ở Stalag Luft III có một phương thức trao đổi hàng hóa được thiết lập có tên là “Foodacco”.
Theo đó, các tù nhân được phép bán bất kỳ loại thực phẩm hoặc hàng hóa nào mà họ có để đổi lấy “điểm”. Sau đó, họ có thể dùng số điểm này để “mua” các loại hàng hóa, vật dụng của những tù nhân khác mà họ cần. Thế là các chiến sĩ trong nhóm đã có đầy đủ các dụng cụ cần thiết để đào bới.
Các thành viên trong nhóm “X” phân chia công việc vô cùng cụ thể, gồm nhiều nhóm nhỏ, mỗi nhóm là các thành viên đã từng chiến đấu với nhau hoặc cùng một dân tộc. Các nhóm nhỏ này sẽ có các nhiệm vụ khác nhau, một số đào hầm, một hội cảnh giới, nhóm vẽ bản đồ…
Công việc khó khăn nhất có lẽ thuộc về nhóm xử lý lượng cát đào ra và nhóm cơ khí. Nhóm xử lý cát mang một cái tên ngộ nghĩnh là chim cánh cụt. Ước tính rằng, 1m đường hầm được đào thì có 1 tấn cát được thải ra, chính vì vậy công việc che giấu chúng vô cùng khó khăn.
Càng nguy hiểm hơn là phía trên mặt đất luôn có sự hiện diện của quân Đức Quốc Xã, chỉ cần thấy sự khác biệt về màu đất cũng đủ khiến chúng nghi ngờ.
Các tù binh trong nhóm chim cánh cụt đã nghĩ ra một cách vô cùng thông minh, hiệu quả. Đó là đeo hai túi làm từ khăn tắm dài được giấu trong quần và được nối với nhau bằng một sợi dây. Những chiếc túi này được đổ đầy cát với 4kg mỗi túi, sau đó, họ đi đến chỗ những người đang cuốc vườn rải cát quanh khu vực và người làm vườn sẽ lấp chỗ cát đó lại.
Một nhóm quan trọng khác là bộ phận cơ khí. Bộ phận này có nhiệm vụ làm cột chống đường hầm, chế tạo các dụng cụ đào hầm. Tài giỏi hơn, nhóm này còn làm một đường ống chạy dưới nền của đường hầm để cung cấp thêm oxy cho việc đốt đèn dầu.
Chặng đường gian khó…
Điều đáng tiếc là sĩ quan cao cấp của nhà tù – Hermann Glemnitz đã bắt đầu nghi ngờ. Hắn ra lệnh cho lính gác thường xuyên kiểm tra bất ngờ và sử dụng cả ống nhòm bí mật quan sát từng cử động của tù nhân.
Bọn lính gác suy đoán rằng, có một đường hầm ở đâu đó nên liên tục tiến hành lục soát. Trong một lần kiểm tra, một tên lính Đức đã phát hiện ra đường hầm Tom. Bọn chúng tiến hành đặt thuốc và cho nổ để phá hủy đường hầm này.
Lính canh nhà tù đi tuần tra.
Để tránh sự nghi ngờ, nhóm “X” quyết định dừng mọi công việc với hai đường ngầm còn lại và đợi cho tình hình lắng xuống. Mãi cho đến tháng 1/1944, công việc đào đường hầm mới được khởi động trở lại.
Lần này, các thành viên đã có một kế hoạch chi tiết hơn, họ sử dụng đường hầm Dick để chứa cát đào ra từ đường hầm Harry. Những người tù thường đào khoảng 6 tiếng một ca, để không làm quần áo dính bùn, tất cả phải trần truồng khi làm việc.
Hình ảnh miêu tả những người tù đang đào hầm.
Đến giữa tháng 3, những người tù ước tính đào được đến chỗ cánh rừng. Họ quyết định tổ chức một cuộc họp quan trọng bao gồm thứ tự đào tẩu, ngày khởi sự.
Vào đêm khởi sự, tù binh tập trung ở lều 104 trước khi bò qua đường hầm Harry, vượt qua tháp canh đến khu rừng phía sau. Bỗng đường hầm bị sụp một đoạn, chỉ có 76 người thoát khỏi trại tù binh vào 4h45′ ngày 25/3/1944.
Liền sau đó, quân lính đi tuần phát hiện có người vượt ngục, trại Stalag Luft III lập tức bị phong tỏa. Dowling – một trong số những người bị kẹt lại kể rằng, bất cứ tù nhân nào bị nghi ngờ nằm trong nhóm vượt ngục sẽ bị đánh đập, bỏ đói, thậm chí phải ở trần đi bộ dưới trời tuyết giá lạnh.
Nhưng tất cả họ có chết cũng không khai ra đồng đội của mình. Bên ngoài, một cuộc truy tìm quy mô lớn kéo dài đến vài tuần. Trong số 76 tù nhân vượt ngục, 50 người bị bắt lại trong trại tù binh. Hitler trong cơn giận dữ vì sự bất tài của lực lượng an ninh đã ra lệnh tàn sát dã man 50 người tù tội nghiệp.
Số tù nhân không bị bắt lại phải đối diện với thời tiết khắc nghiệt của mùa đông. Trời rất lạnh, nhiệt độ ngoài trời xuống tới -22 và -25 độ C mà các tù nhân lại không có ủng, găng tay hay mũ… Đa số họ đều chịu không nổi nên bị chết vì bệnh thương hàn và đói. Cuộc hành trình gian khổ này chỉ còn sót lại 3 người, họ may mắn trở về với quê nhà ở Anh.
Dù phần lớn số người tham gia vượt ngục đã chết nhưng cuộc vượt ngục này nhanh chóng gây chấn động trên khắp nước Đức và toàn thế giới. Đây được coi là minh chứng cho trí thông minh và lòng dũng cảm của các anh hùng thời chiến.
* Bài viết có sử dụng tư liệu tham khảo từ các nguồn: Muzeum, Military History, Wikipedia…
Bạn có thể xem thêm:
Những băng nhóm tù nhân nguy hiểm nhất thế giới
(kenh14.vn)