Bị tuyên án chung thân, Bạc Hy Lai nói gì?
Một ngày sau phiên tòa tuyên án tù chung thân vì tội tham nhũng, nhiều đoạn trong bức thư của Bạc Hy Lai được báo chí Mỹ đăng tải.
Bạc Hy Lai – một ngôi sao chính trị đang lên ‘ngã ngựa’ trong bối cảnh một vụ bê bối liên quan đến giết người, phản bội, thâm thụt tài chính, đã bị kết án nhận hối lộ, tham ô và lạm dụng quyền lực.
Chính trị gia ‘ngã ngựa’ Bạc Hy Lai sẽ kháng cáo bản án tù chung thân |
Theo CNN, hôm 22/9, sau khi nghe quyết định tại Tòa án nhân dân Trung cấp Tế Nam, cựu ủy viên Bộ chính trị Trung Quốc cho rằng “phán quyết này mâu thuẫn nghiêm trọng với thực tế và không công bằng”.
Những thông tin được đăng tải từ tài khoản chính thức của tòa án cũng như các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc không đề cập đến phản ứng của cựu Bí thư Trùng Khánh trước khi được đưa ra khỏi phòng xử án.
So sánh với một vài trường hợp trước đó, Yuhua Wang, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Pennsylvania, Mỹ, nói: “Thực sự tôi có chút ngạc nhiên. Tôi nghĩ đó là một bản án rất nặng”.
“Trước khi bị thất sủng, ông Bạc là một ngôi sao chính trị. Ông là con trai của một cựu chiến binh cách mạng. Cha ông còn là đồng sự của Chủ tịch Mao Trạch Đông”, Wang nói thêm.
CNN cho hay, tại phiên tòa chính trị diễn ra vài ngày trong tháng trước, Bạc Hy Lai, 64 tuổi, đã phủ nhận tội danh nhận hối lộ và phản đối mạnh mẽ những cáo buộc của các công tố viên chống lại ông, tòa án Tế Nam cho hay.
Trước ngày số phận được định đoạt, cựu quan chức cấp cao đã viết một lá thư cho gia đình, khẳng định mình vô tội nhưng cũng nói ông đã chuẩn bị cho một án tù dài.
“Tôi bị lôi kéo vào vụ việc này và bị xử sai. Nhưng sẽ có ngày mọi việc được làm rõ”, cựu Bí thư Trùng Khánh viết trong một bức thư đề ngày 12/9.
“Tôi sẽ ngồi yên lặng trong tù trông chờ ngày đó đến. Cha của chúng tôi bị tù đày nhiều lần trong đời, tôi sẽ học hỏi từ tấm gương của ông”, Bạc nói thêm.
Cha của Bạc Hy Lại, ông Bạc Nhất Ba, một ‘công thần’ thời Chủ tịch Mao Trạch Đông. Trong cuộc Cách mạng Văn hóa đầy biến động năm 1966, ông Bạc Nhất Ba bị đàn áp, tra tấn và bỏ tù hơn một thập kỷ. Năm 1979, ông được khôi phục lại địa vị và trở thành một trong những chính trị gia cấp cao có ảnh hưởng nhất khi đó.
Đoạn tiếp theo của bức thư, ông Bạc Hy Lai chia sẻ thêm: “Cha mẹ đều đã đi rồi, nhưng trong lòng tôi vẫn khắc ghi những lời giáo huấn của họ. Tôi sẽ không làm ô uế tên tuổi và thanh danh của phụ mẫu. Tôi có thể chịu đựng gian khổ dù là to lớn nhất. Bên cạnh giường tôi giữ bức ảnh của mẹ. Có mẹ ở bên, tôi không bao giờ thấy cô đơn”.
Một nguồn tin thân cận với gia đình ông Bạc đã khẳng định tính xác thực của bức thư đăng tải trên một số trang mạng và gây xôn xao dư luận. Người này tiết lộ thêm rằng nội dung được chia sẻ trực tuyến chỉ là một phần của bức thư gốc , hãng tin CNN cho hay.
Hải Yến (vtc.vn)