3 làn sóng toàn cầu hóa và những thái cực cần được cân bằng
Hiện nay, nói về kinh tế và hội nhập, ta lại nghe thấy cụm tự ‘toàn cầu hóa’. Thật ra đây chỉ là một khái niệm được làm mới lại và cũng có khá nhiều điều thú vị.
Ngày 2/7/2018, báo tiếng Anh Epoch Times có bài phân tích The History of Globalization, với những góc nhìn mới mẻ và khác biệt về toàn cầu hóa của ông James H. Nolt, thành viên cao cấp của Viện Chính sách Thế giới (World Policy Institute), Hoa Kỳ. Nhằm giúp quý độc giả dễ nắm bắt hơn, chúng tôi xin biên soạn lại bài viết căn cứ trên những quan điểm chính của tác giả James H. Nolt.
***
Xã hội và nền kinh tế thế giới đang thay đổi nhanh chóng bởi quá trình toàn cầu hóa. Các quốc gia, tổ chức và cá nhân liên kết và trao đổi ngày càng nhiều ở góc độ văn hóa, kinh tế… trên quy mô toàn cầu, đặc biệt là trong phạm vi kinh tế.
Khái niệm toàn cầu hóa thường được xem như một xu hướng mới mẻ. Tuy nhiên, nếu lần giở lịch sử thế giới trong vài thế kỷ qua, chúng ta có thể thấy quá trình toàn cầu hóa đã đi được vài chặng đường rồi.
Thật ngạc nhiên là những gì chúng ta đang trải qua hiện nay không phải là làn sóng toàn cầu hóa đầu tiên. Đoạn thời gian từ Thế chiến thứ nhất đến cuộc Đại suy thoái năm 1930 và Thế chiến thứ hai, thế giới chứng kiến sự giao lưu nhộn nhịp trên phạm vi toàn cầu. Tuy nhiên, thực sự đây chỉ là đột phá từ giai đoạn toàn cầu hóa mạnh mẽ nhất, giai đoạn 1815 – 1914 sang giai đoạn sau năm 1945. Nhiều nhà kinh tế cho rằng giai đoạn đầu này (1815-1914) là đợt sóng ‘toàn cầu hoá đầu tiên’ trên thế giới.
Tuy nhiên, theo James H. Nolt – một thành viên cao cấp của Viện Chính sách Thế giới (World Policy Institute), Hoa Kỳ, giai đoạn mở rộng của châu Âu trong 3 thế kỷ trước đó, thường được gọi là Thời đại Khám phá, là giai đoạn toàn cầu hoá đầu tiên.
Lý do những nhà kinh tế khác không xem làn sóng toàn cầu hóa này ngang bằng với 2 làn sóng sau đó là vì trong thời kỳ này, các công ty độc quyền lớn của Vương Quốc Anh hay Hà Lan “thống trị” thương mại toàn cầu, chứ không có tự do thương mại. Thương mại bị hàng rào thuế quan bảo hộ và còn có các rào cản khác như luật hải quan…
Theo Nolt, giai đoạn toàn cầu hóa thương mại tự do đầu tiên là làn sóng toàn cầu hóa thứ 2 và nền tảng của trật tự thế giới hiện đại, còn ‘làn sóng toàn cầu hóa thứ 3, chính là giai đoạn hiện nay và cũng được gọi là thời kỳ của chủ nghĩa kinh doanh quốc tế.
3 làn sóng toàn cầu hóa này vừa tương đồng, vừa khác biệt, tuy nhiên, có một yếu tố rất quan trọng thường bị bỏ qua, đó là giảm phát.
Các ngân hàng trung ương chưa bao giờ thực sự nỗ lực để đạt được các mục tiêu chính sách lạm phát khách quan, còn các nhà kinh tế đang không hiểu tại sao giá không tăng nhiều hơn nữa. Và mức giá là yếu tố rất quan trọng để xác định chính sách tài chính và tiền tệ cũng như những được – mất của các chính sách này.
Thương mại toàn cầu và các món nợ
Giai đoạn toàn cầu hoá đầu tiên dẫn đến việc các cường quốc châu Âu vay mượn rất nhiều để mua được cổ phiếu trong giới thương mại.
Các quốc gia tiên phong như Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha nhanh chóng bị Hà Lan làm lu mờ. Hà Lan lúc đó là nhà cải cách tài chính cừ khôi. Ở Hà Lan, các công ty cổ phần khổng lồ đầu tiên trên thế giới được khai sinh, thị trường tài chính chuyên sâu phát triển, các đội tàu tư nhân toàn cầu được triển khai và nguồn vốn tài chính trở nên dồi dào khiến lãi suất thương mại giảm xuống dưới 2%, là mức lãi suất thấp nhất từ trước đến nay.
Tuy nhiên, các quốc gia khác đã sử dụng và phát triển tín dụng giá rẻ để tăng cường lực lượng quân đội và hải quân ngày càng mạnh. Pháp và Anh đã bỏ rơi đất nước Hà Lan nhỏ bé trong cuộc đua này. Sự kiện Anh thắng Napoleon vào năm 1815 có một nguyên nhân là do hệ thống tài chính cao cấp cho phép Anh vay nợ ở lãi suất 3% trong khi người Pháp phải vay ở mức 5 hoặc 6%. Có thể nói, gánh nặng nợ khổng lồ đã dẫn đến cuộc Cách mạng Pháp.
Đặc trưng của làn sóng toàn cầu hóa đầu tiên là nợ bị tích lũy quá nhiều, dẫn đến lạm phát, còn đợt toàn cầu hoá thứ 2 thì ngược lại. Trong thế kỷ 19, thế giới chứng kiến sự phát triển của công nghệ, đường sắt và tàu hơi nước, hơn nữa, hệ thống tiền tệ quốc tế ổn định và thương mại tự do không bị chính phủ hoặc độc quyền tư nhân giới hạn. Những điều này làm cho chi phí thương mại giảm mạnh. Thế giới sau năm 1815 chỉ có một vài cuộc chiến tranh lớn, do đó các chính phủ không phải vay nợ nhiều cho chiến tranh, đặc biệt là ở Anh và ở Hoa Kỳ trước Nội chiến.
Bong bóng nợ và lạm phát là những điều kinh khủng trong đợt toàn cầu hóa đầu tiên. Trong khi đó, toàn cầu hóa thứ hai có mức nợ gia tăng ít hơn và giá cả giảm, đặc biệt là sau cuộc nội chiến ở Hoa Kỳ. Đến năm 1900, hầu hết các mức giá đều thấp, thấp hơn nhiều so với năm 1800. Những năm từ 1860 đến thập niên 1890 là giai đoạn giảm phát dài nhất trong lịch sử.
Giảm phát khiến giá cả giảm xuống, là tin mừng với người tiêu dùng. Tuy nhiên, đối với các con nợ, đó lại là một vấn đề nghiêm trọng, bởi vì các khoản nợ của họ không giảm xuống nhưng giá cả nói chung lại giảm. Do đó, thu nhập của các con nợ giảm nhưng nợ của họ thì vẫn giữ nguyên, điều này mặc nhiên dẫn họ đến bờ vực phá sản.
Thực tế, đã có hàng ngàn vụ phá sản trên toàn thế giới, đặc biệt là vào 30 năm cuối của thế kỷ 19, trong đó bao gồm hầu hết các công ty đường sắt của Mỹ. Các chủ nợ (tức là các ngân hàng lớn) đã tiếp quản các công ty phá sản và thường gom chúng lại thành các tập đoàn lớn, nhiều tập đoàn như vậy vẫn tồn tại đến ngày nay.
Như vậy, trong thế kỷ 19, mức nợ của chính phủ không cao, nhưng nhiều tập đoàn tư nhân lớn nhất, như đường sắt, thép, vận chuyển và các công ty kênh đào, đã phá sản vì giá giảm mà các khoản nợ không giảm. Không may cho thế giới, ngành thép và các ngành công nghiệp nặng khác đã có “giải pháp” để không bị phá sản, đó chính là cuộc đua vũ khí hải quân trên toàn thế giới bắt đầu trong những năm 1890.
Làn sóng toàn cầu hóa thứ 3
Ngày nay, người dân thế giới đang sống trong làn sóng toàn cầu hóa lần thứ thứ 3, làn sóng này mang trong mình đặc điểm của cả 2 làn sóng trước. Giống như lần toàn cầu hóa đầu tiên, tức là sẽ có một bong bóng nợ lớn, cả nợ công lẫn nợ tư. Bong bóng nợ thúc đẩy nhu cầu và sự tăng trưởng, dẫn đến sự thịnh vượng chưa từng có trên toàn thế giới thời kỳ hậu chiến tranh. Chúng ta cũng biết, nợ tăng lên sẽ dần gây ra lạm phát. Thật vậy, vào những năm 1980, lạm phát trở thành thách thức cho nền kinh tế toàn cầu. Nhiều chính trị gia và một số ngân hàng trung ương vẫn còn bị ám ảnh về lạm phát ở giai đoạn này.
Tuy nhiên, những năm gần đây, lạm phát đang được kiểm soát. Nguyên nhân không phải do sự quản lý lỗi lạc được những nhà kinh tế học có tư tưởng cấp tiến dẫn dắt, hoàn toàn không liên quan đến quản lý. Mà nguyên nhân là vì thời đại này cũng mang các đặc điểm của giai đoạn toàn cầu hóa thứ 2, đó là có giảm phát. Giảm phát đã chống lại xu hướng lạm phát do bong bóng nợ tăng nhanh.
Ben Bernanke, cựu chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Hoa kỳ (Fed), thường nói thời đại này là “sự điều tiết tuyệt vời”, lạm phát dường như được kiểm soát ngay cả khi tăng trưởng tiếp tục bùng nổ. Có vẻ như ngành kinh tế học hoạt động rất tốt? Từ sau khủng hoảng thế giới năm 2008, hầu hết các nhà kinh tế học đều tỏ ra ít chú ý đến nợ nần, đặc biệt là nợ tư nhân. Do đó, hiện tại không nhất thiết phải tiết chế nợ, mà cần cân bằng khéo léo giữa hai thái cực lạm phát và giảm phát. Làn sóng nợ lớn đã tạo ra áp lực lạm phát, nhưng nó chỉ biểu hiện chủ yếu trong thị trường cổ phiếu hoặc bất động sản – những thị trường có giá trị thương mại cao, còn giá hàng hóa thông thường vẫn bình ổn.
Lý do giá cả hàng hóa không có xu hướng tăng cao là vì áp lực giảm phát mạnh đang đẩy giá xuống. Những áp lực giảm phát hiện nay có nguồn gốc tương tự như ở thế kỷ 19. Công nghệ phát triển khiến thông tin liên lạc bùng nổ, giao tiếp gần như miễn phí trên toàn cầu tạo điều kiện thuận lợi để xử lý thông tin và quản lý từ xa. Chi phí vận chuyển cũng giảm đáng kể.
Các rào cản thương mại thế giới được giải phóng (trong đó có việc Khối Liên Xô giải thể, hòa nhập với thương mại quốc tế và Trung Quốc mở cửa) đã làm giảm đáng kể chi phí thực của hàng hóa khi ngày càng có nhiều sản phẩm được sản xuất ở nơi có chi phí rẻ và giao dịch trên toàn cầu. Bản thân việc tự do thương mại đã có xu hướng gây ra giảm phát rồi!
Thật thú vị, hiện nay ở Hoa Kỳ, chăm sóc y tế, giáo dục và bất động sản là nguồn lạm phát quan trọng nhất. Không cái nào trong số đó bị ảnh hưởng nhiều bởi áp lực giảm phát thương mại vì đây là những dịch vụ, không thể buôn bán trao đổi. Một điều thú vị nữa, chính phủ là nhân tố chính khiến lạm phát chi phí y tế – giáo dục, còn việc giá bất động sản bị đẩy lên có liên quan đến Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ.
Tương lai của nền kinh tế thế giới phụ thuộc vào xu hướng nào chiếm ưu thế: lạm phát tín dụng hay giảm phát công nghệ – thương mại. Trong những năm 1930, các quốc gia đã phải theo xu thế tự đóng cửa để đẩy mạnh giao dịch trong nước nhằm đảo ngược tình hình giảm phát của cuộc Đại suy thoái. Mặt khác, nếu giao dịch vẫn tự do và bong bóng nợ sụp đổ, áp lực giảm phát sẽ đẩy thế giới vào cuộc khủng hoảng giảm phát – nợ. Với những lý do này, chúng ta đang sống trong một thời đại, không phải của “sự điều tiết tuyệt vời”, mà là những thái cực đối kháng.
>>> Bản cáo trạng cho Theranos phơi bày mặt tối của Thung lũng Silicon
>>> Lý do các ngân hàng thích chiến tranh
Bảo Long, theo Epoch Times