Nhận diện một công sở “độc hại”
Làm việc trong một cơ quan với văn hóa tồi, hay nói cách khác là một văn phòng “độc hại”, có thể gây ra những ảnh hưởng không nhỏ về thể chất và tinh thần cho bạn.
Ảnh minh họa.
Nếu không may rơi vào tình cảnh này, giải pháp hợp lý nhất cho bạn có lẽ là đi tìm một công việc mới. Dưới đây là 12 dấu hiệu giúp bạn xác định mình có đang làm việc trong một môi trường “độc hại” hay không:
1. Sếp của bạn “có tiếng” là hay gây khó dễ cho người khác
Khi cấp trên của bạn có những hành vi “không nên có ở nơi làm việc”, thì bạn biết chắc là mình đang gặp vấn đề. Những hành vi như vậy có thể đến dưới dạng quấy rối tình dục, những câu chuyện đùa thô thiển, nhiếc móc, dọa dẫm… Nếu không có ai dám đứng lên ngăn chặn những hành vi như vậy, có lẽ văn phòng của bạn đã trở thành một nơi “độc hại”.
2. Đồng nghiệp của bạn chia bè phái, đấu đá lẫn nhau
Khi những người đồng nghiệp tìm cách “chơi xấu” lẫn nhau, cho dù không để lại hậu quả và không ai nghĩ đó là chuyện lớn, thì mọi người vẫn khó có thể cảm thấy thoải mái trong công việc.
3. Sếp và đồng nghiệp thường xuyên “cướp công” của bạn
Điều này không chỉ gây khó chịu mà còn có thể lấy đi của bạn cơ hội nâng lương hay thăng chức. Bạn có thể “nhắm mắt” cho qua một lần, nhưng hãy làm bất kỳ điều gì có thể để ngăn chặn việc như vậy xảy ra lần thứ hai. Hãy ghi chép lại cẩn thận công việc và các ý tưởng của bạn, và nếu được, hãy cho đồng nghiệp biết về các ý tưởng của bạn để làm rõ những gì bạn sẽ đóng góp.
4. Bạn đang làm công việc của 3-4 người gộp lại mà không được công nhận
Không may là chuyện này vẫn thường xảy ra, nhất là khi các công ty cắt giảm nhân sự hoặc không tìm được người mới thay thế nhân viên nghỉ việc. Nếu bạn không được tăng lương hay công nhận công việc mà bạn làm, đã đến lúc bạn nên tìm kiếm cho mình một công ty khác.
5. Cấp dưới không phục tùng cấp trên và các quy định
Nếu mọi người trong công ty bạn không nghĩ là họ cần phải tuân thủ các quy định và thường có thái độ “nổi loạn”, ngạo mạn, thích gì làm nấy mà không cần quan tâm tới những hậu quả bất lợi, thì đó thực sự là một vấn đề lớn.
6. Những lời buộc tội sai thường xuyên được đưa ra
Nếu một ngày nào đó, bạn chợt nhận ra rằng, những câu chuyện bịa đặt và những lời buộc tội thường xuyên được gán cho ai đó vì những việc mà họ không hề làm, bạn sẽ có cảm giác giống như mình đang đi làm với những “cô trông trẻ” khó tính. Đó là dấu hiệu của loại văn hóa công sở tồi.
7. Sếp của bạn kém năng lực hoặc thường xuyên không có mặt ở cơ quan
“Chủ vắng nhà, gà vọc niêu tôm”. Nếu sếp của bạn thường xuyên vắng mặt, hoặc năng lực yếu kém, để nhân viên “muốn làm gì thì làm”, thì đó là một tín hiệu không tốt.
8. Những nhân viên yếu kém không bao giờ lo mất việc, trong khi người giỏi lại bị sa thải
Khi một tổ chức đề cao và đãi ngộ những nhân viên lười biếng và yếu kém, trong khi những người giỏi lại bị đối xử tệ, thì đó là một tín hiệu cho thấy lãnh đạo của tổ chức đó yếu kém và rất “sợ” nhân viên giỏi hơn mình.
9. Mỗi người hoạt động theo một quy tắc riêng
Khi cấp trên không áp dụng nhất quán những quy tắc chung cho tất cả mọi nhân viên, một môi trường bất bình đẳng sẽ được tạo ra, gây tâm lý bất mãn.
10. Không có những chương trình đào tạo chính thức
Nếu bạn là nhân viên mới và bạn chỉ được giới thiệu với sếp rồi chỉ chỗ ngồi, chặng đường phía trước của bạn sẽ không hề dễ dàng. Sự thiếu chỉ bảo và chương trình đào tạo cho nhân viên mới cho thấy công ty thiếu tổ chức, báo trước những vấn đề có thể đang chờ bạn.
11. Mọi người được cất nhắc “không theo trình tự” và phi logic
Nếu bạn luôn cảm thấy sốc trước những nhân vật được thăng chức vì đó là những người mà bạn không cho là xứng đáng, có lẽ bạn nên tính chuyển sang một công ty khác.
12. Cấp trên không truyền đạt rõ được kỳ vọng với cấp dưới
Các kỹ năng truyền đạt rất quan trọng, nhưng nhiều vị sếp không có được kỹ năng truyền đạt tốt. Nếu sếp của bạn không thể nói rõ được những gì mà ông/bà ấy kỳ vọng ở mọi người trong công việc, bạn sẽ không bao giờ hiểu được những việc cần ưu tiên là gì. Kết quả, bạn sẽ bị chỉ trích vì hiểu sai, làm sai. Khi đó, bạn sẽ gặp rất nhiều khó khăn trên con đường đạt những mục tiêu đề ra.
Nếu công ty mà bạn đang làm việc có một vài trong số những biểu hiện trên, có thể kết luận đó là một môi trường làm việc “độc hại”. Càng có nhiều những biểu hiện được đề cập tới, thì mức độ “độc hại” càng tăng cấp. Nếu bạn không thấy có cách nào để thay đổi tình thế, hoặc không tìm được sự hỗ trợ hay khả năng điều chỉnh văn hóa nơi làm việc từ bất kỳ ai, đã đến lúc bạn nên đi tìm một môi trường làm việc dễ chịu hơn.
Theo AOL Jobs Nguồn: Dân Trí