“Mỹ sẽ không bỏ qua vụ vũ khí hóa học của Syria”
Tổng thống Barack Obama tuyên bố Hoa Kỳ không thể ‘nhắm mắt làm ngơ’ với việc sử dụng vũ khí hóa học ở Syria.
Bộ trưởng Ngoại giao Liên minh châu Âu EU cho rằng Mỹ và phương Tây không nên hành động trước khi Liên Hợp Quốc báo cáo kết quả điều tra cuộc tấn công vũ khí hóa học ở ngoại ô thủ đô Damascus.
Điều này khiến ông Obama phải đối mặt với một tuần đầy khó khăn với việc thuyết phục Quốc hội thông qua quyết định can thiệp quân sự vào Syria.
Dường như Tổng thống Obama đang hạ quyết tâm tấn công Damascus |
Dự kiến ngày 10/9, Tổng thống Mỹ sẽ có một bài phát biểu kêu gọi Nhà Trắng ủng hộ hành đề xuất tấn công quân sự chống lại quân đội Syria.
Tuy nhiên, Tổng thống Assad và Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố quân nổi dậy đã thực hiện vụ tấn công vũ khí hóa học.
Theo hãng tin BBC, ông Obama nói ông hiểu rằng người dân Mỹ đã “mệt mỏi sau một thập kỷ chiến tranh” và khẳng định cuộc tấn công lần này không phải là một ‘sự can thiệp có kết thúc mở’ như hai cuộc chiến tranh ở Iraq và Afghanistan.
“Chúng ta không thể nhắm mắt làm ngơ trước hình ảnh người dân vô tội bị tấn công ở Syria. Hơn nữa, nếu không giải quyết vụ việc này, Mỹ phải đối mặt với nguy cơ vũ khí hóa học rơi vào tay bọn khủng bố, những kẻ có thể chống lại ta. Tất cả những điều đó đều đặt ra một mối đe dọa nghiêm trọng đến nền an ninh quốc gia Hoa Kỳ”, hãng tin BBC dẫn lời ông chủ Nhà Trắng.
Tổng thống Obama nói bất kỳ hành động nào cũng đều được “hạn chế cả về thời gian và phạm vi” để ngăn chặn chính phủ Syria lặp lại việc sử dụng khí độc, tấn công dân thường.
Tại hội nghị thượng đỉnh G20 tại St Petersburg, Nga lại một lần nữa khẳng định phản đối cuộc tấn công tiềm năng của Mỹ và phương Tây, bởi Tổng thống Putin cho rằng sự can thiệp quân sự sẽ gây mất ổn định trong khu vực.
Matxcơva và Bắc Kinh cùng nhấn mạnh hành động quân sự nào mà không có sự chấp thuận của Liên Hợp Quốc thì đều bị coi là phạm pháp.
Hiện Tổng thống Obama chỉ còn một vài ngày nữa để thuyết phục Quốc đồng ý tấn công Damascus. Đầu tuần tới, cả Thượng viện và Hạ viện Mỹ sẽ bỏ phiếu về vấn đề Syria, hãng tin BBC cho hay.
Obama thừa nhận để giành được sự ủng hộ của Quốc hội, ông sẽ phải đối mặt với một thử thách lớn.
Một cuộc thăm dò thực hiện bởi đài BBC và ABC News cho thấy hơn 1/3 thành viên Quốc hội Mỹ chưa hoặc không thông qua hành động quân sự.
Nhiều người lo ngại quyết định can thiệp có thể khiến Mỹ sa lầy vào cuộc chiến tranh kéo dài, châm ngòi cho những trận xung đột lớn hơn trong khu vực.
Dự kiến trong chuyến công du dài bốn ngày ở châu Âu, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sẽ tăng cường thúc đẩy hỗ trợ quốc tế cho các hoạt động quân sự.
Trong khi gặp gỡ các đại diện của Liên đoàn Ả Rập, hôm 7/9, ông Kerry cũng có buổi hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao EU tại thành phố Vilnius. Sau đó, Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ sẽ tiếp tục đến London để thảo luận thêm với Ngoại trưởng Anh William Hague về các vấn đề liên quan.
Sau cuộc họp ở Vilnius, các Bộ trưởng EU tuyên bố “dường như các bằng chứng về việc chính phủ Syria phải chịu trách nhiệm cho hành động tấn công bằng khí độc đang dần được hé lộ”.
Trong khi kêu gọi một ‘phản ứng rõ ràng và mạnh mẽ’, các Bộ trưởng cho rằng cuộc khủng hoảng ở Syria nên được giải quyết “thông qua tiến trình của Liên Hợp Quốc”, đồng thời hy vọng các thanh sát viên có thể đưa ra những báo cáo sơ bộ về cuộc tấn công càng sớm càng tốt.
Tại hội nghị thượng đỉnh G20, ngoài Mỹ, đã có 10 quốc gia khác kêu gọi quốc tế hành động chống lại chính quyền Tổng thống Assad.
Theo báo cáo của Liên Hiệp Quốc, tính đến nay, khoảng 100.000 người đã thiệt mạng trong cuộc xung đột kéo dài hai năm rưỡi ở Syria.
Hải Yến (vtc.vn)