Cốc Khai Lai có thể bị xét xử về các tội danh kinh tế
Bà Cốc Khai Lai, vợ ông Bạc Hy Lai, gần như chắc chắn sẽ bị truy tố riêng rẽ về các tội danh kinh tế được tiết lộ trong bản khai của bà liên quan tới các cáo buộc tham nhũng chống lại chồng, các nguồn tin cho biết.
Bà Cốc Khai Lai xuất hiện trong một video làm chứng.
Trong phiên tòa xét xử cựu bí thư Trùng Khánh kéo dài 5 ngày vừa kết thúc hôm qua 26/8 tại tòa án nhân dân trung cấp tại thành phố Tế Nam, tòa đã được nghe về cách thức bà Cốc Khai Lai che giấu tài sản của gia đình thông qua việc làm ăn với các ông trùm, thiết lập nhiều công ty khác nhau và trốn thuế.
Tuy nhiên, cho tới nay bà Cốc chỉ bị buộc tội về việc sát hại đối tác kinh doanh, doanh nhân Anh Neil Heywood. Bà Cốc đã nhận án tử hình treo hồi tháng 8/2012 vì tội danh đó.
“Gần như chắc chắn là bà Cốc sẽ đối mặt với một phiên tòa mới, riêng rẽ về các tội danh kinh tế”, một chuyên gia pháp lý giấu tên hiểu biết về vụ việc, nhận định.
Tại phiên tòa của ông Bạc, tòa án được nghe rằng tỷ phú bất động sản Từ Minh đã chi 3 triệu USD để mua một biệt thự cho bà Cốc tại Pháp, thiết lập vài công ty và vay mượn từ một ngân hàng để trốn thuế và che giấu các mối liên hệ của hai người với căn biệt thự nhưng bà Cốc vẫn giữ quyền kiểm soát và là chủ căn biệt thự trên thực tế.
Theo lời khai của bà Cốc, ông Từ cũng trả 3,2 triệu nhân dân tệ (523.000 USD) cho các chuyến du lịch của con trai bà Cốc, Bạc Qua Qua, từ 2004-2012. Chỉ riêng chuyến du lịch của Bạc Qua Qua tới châu Phi vào tháng 8/2011 tiêu tốn của ông Từ hơn 100.000 USD.
Chỉ có bà Cốc, chứ không phải Bạc Qua Qua, tiết lộ thông tin trên trong đoạn video làm chứng kéo dài 11 phút và các lời khai bằng văn bản.
Các chuyên gia pháp lý cho rằng cả bà Cốc và Bạc Qua Qua đều có tội, và bà Cốc có thể bị truy tố về các tội danh kinh tế giống như tội giết người. Bà Cốc cũng có thể phải xuất hiện tại tòa để trả lời về các cáo buộc.
“Về mặt pháp lý mà nói, bà Cốc có thể đối mặt với các tội danh bổ sung, ngoài tội danh giết người, do liên quan tới các vụ làm ăn kinh tế”, Si Weijiang, một luật sư nhân quyền tại Thượng Hải, nói.
Một luật sư khác, Li Heping, cho hay giới chức có thể đưa ra các cáo buộc mới chống lại một tội phạm đã bị kết án nếu xuất hiện các bằng chứng mới. “Chuyện mở lại một vụ việc hoặc mở một phiên tòa riêng rẽ thậm chí sau khi một tội phạm đã bị kết án là hoàn toàn hợp pháp”, ông nói.
Tòa án cũng có thể áp dụng hình phạt kết hợp cho vài tội danh sau phiên tòa mới và trong một số trường hợp người đã bị kết án có thể nhận bản án nghiêm khắc hơn.
Tuy nhiên, ít có khả năng bà Cốc nhận hình phạt nặng hơn hình phạt mà bà đang thụ án hiện thời là tử hình treo.
“Về mặt lý thuyết, tòa án có thể thực thi án tử hình mà không cần hoãn thi hành. Nhưng nhiều khả năng điều đó không xảy ra trong trường hợp của bà Cốc, trừ khi tòa thấy rằng các tội danh kinh tế nghiêm trọng hơn tội giết người”, luật sư Li nhận định.
An Bình Theo SCMP
Nguồn: Dân Trí