Biển Đông chi phối chuyến đi Trung Quốc của Đô đốc Mỹ Mike Mullen
Giới phân tích phương Tây cho rằng những tranh chấp ở Biển Đông chắc chắn “nằm ở vị trí cao trong chương trình nghị sự”, dù mục tiêu chuyến đi lần này của quan chức quân sự hàng đầu của Mỹ là nhằm thúc đẩy đối thoại an ninh Mỹ Trung còn non nớt.
Và đúng như nhận định, ngay trong ngày đầu tiên trong chuyến thăm 4 ngày Trung Quốc, Đô đốc Mike Mullen đã tuyên bố trước báo giới là “Mỹ cam kết duy trì sự hiện diện ở Biển Đông” và bày tỏ lo ngại rằng những tranh chấp ở vùng biển giàu tài nguyên này có thể dẫn đến xung đột nghiêm trọng.
“Chúng tôi đang kéo dài sự hiện diện tại đây, chúng tôi đang kéo dài trách nhiệm. Chúng tôi theo đuổi sự hỗ trợ mạnh mẽ về một giải pháp hoà bình cho những bất đồng hiện nay”, quan chức quân sự hàng đầu Mỹ nói.
Chuyến đi diễn ra trong bối cảnh Hải quân Mỹ đang tham gia một cuộc tập trận ngoài khơi Bruney tại Biển Đông cùng với các đồng minh Nhật Bản và Australia. Cuộc diễn tập lấy tên BRIDEX2011, có sự tham gia của tàu khu trục Mỹ USS Preble, tàu khu trục Shimazake của Nhật Bản và tàu tuần tra của Hải quân Australia. Các tàu chiến chủ yếu thực tập thông tin liên lạc với nhau.
Để xoa dịu Trung Quốc, Hải quân Mỹ không đề cao quy mô cuộc tập trận và gọi đây là một hoạt động quy mô nhỏ, “cấp thấp”, hoạt động bên lề của một cuộc triển lãm quốc phòng quốc tế tại Brunei. Một người phát ngôn cho hải quân Mỹ cho hay hoạt động lần này bao gồm sử dụng tín hiệu cờ, dẫn đường, và các bài tập tập trung vào chuyển vận cơ bản.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc vẫn chưa có phản ứng gì, nhưng Bắc Kinh trước đó luôn phản đối các cuộc tập trận của hải quân Mỹ gần khu vực biển mà nước này tuyên bố là thuộc lãnh hải của họ.
Chuyến thăm của ông Mullen cũng diễn ra sau khi Mỹ và Philippines tiến hành các cuộc tập trận chung về hải quân, mà Manila và Washington khẳng định ý nghĩa là nhằm làm sâu sắc thêm quan hệ quân sự mà không liên quan đến những lo lắng đối với Trung Quốc.
Trung Quốc đã nhấn mạnh rằng họ muốn một giải pháp hòa bình đối với các bất đồng về lãnh thổ, nhưng đã cảnh báo Washington trước các can dự vốn làm tăng cường các tranh chấp trong khu vực.
Mỹ rõ ràng đang cố gắng khuyến khích nhiều thêm các cuộc tập trận đa phương với các đồng minh ở châu Á – tờ Wall Street Journal – một trong những nhật báo xuất bản tại New York và có ảnh hưởng lớn trên thế giới, viết.
Quan chức Mỹ khẳng định cuộc tập trận đa phương mới nhất đang diễn ra không nhằm vào Trung Quốc. Tuy nhiên, dù 3 nước đã tiến hành các cuộc tập trận chung từ năm 2007, nhưng trước đây chưa bao giờ động thái này diễn ra ở Biển Đông.
Và ngay cả trước khi cuộc tập trận chung được thông báo, các quan chức ngoại giao ở Bắc Kinh vẫn nói “khả năng lớn” là vấn đề Biển Đông sẽ chi phối chuyến thăm của ông Mullen.
Ông là Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng Liên quân Mỹ đầu tiên đến Trung Quốc từ năm 2004 và là quan chức quân sự hàng đầu đến Bắc Kinh kể từ sau chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates hồi tháng 1/2011 – vào đúng thời điểm Trung Quốc công khai chuyến bay đầu tiên của chiếc máy bay do thám đầu tiên J-20 của nước này.
Quan hệ Mỹ Trung trong lĩnh vực quân sự đã bị “nguội lạnh” kể từ khi Mỹ tuyên bố cung cấp vũ khí cho Đài Loan và chỉ mới bắt đầu được cải thiện sau chuyến công du Trung Quốc khi đó của ông Gates.
Nhưng vào lúc các căng thẳng ở Biển Đông lên cao, nhịp độ của các cuộc trao đổi quân sự Mỹ -Trung Quốc cũng gia tăng, với cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates nhóm họp với Bộ trưởng Trung Quốc Lương Quang Liệt tại Singapore vào đầu tháng 6, sau một chuyến viếng thăm tháng 1/2011 của ông Gates tới Bắc Kinh.
Ông Gates tháng trước cảnh báo rằng các cuộc đụng độ có thể nổ ra ở trong vùng Biển Đông, trừ phi các quốc gia có tranh chấp lãnh hả, thông qua được một cơ chế giải quyết tranh chấp của họ một cách hòa bình.