Những thành phố bí ẩn vùi sâu dưới nước
Nằm rải rác trên vùng nước rộng lớn của hành tinh này là vết tích còn sót lại của những thành phố vốn thuộc về nền văn minh cổ đại. Dù có được xây dựng kiên cố đến đâu, những thành phố này vẫn phải khuất phục trước sức mạnh của biển cả.
Thị trấn Eidum, bờ biển nước Đức
Biển Wadden là một vùng biển chạy dọc biên giới Tây Bắc nước Đức. Nơi đây có một dãy đảo hẹp với tên gọi là quần đảo Bắc Frisian. Quần đảo này đang bị các đợt sóng lớn bào mòn dần, trong đó có đảo Sylt từng rộng hơn ngày nay tới 300m. Chúng ta được biết điều này vì chìm sâu dưới nước, cách bờ biển hàng trăm mét là các di tích của thị trấn Eidum. Nơi này được xây dựng vào thế kỉ 14 và sau đó được xây dựng lại hết lần này tới lần khác. Do vị trí địa lý đặc biệt, thị trấn Eidum thường bị các đợt sóng mạnh từ biển Bắc đánh vào, và dần dần bị phá hủy. Năm 1436, trận lũ Ngày các thánh đã tàn phá toàn bộ cả khu vực, làm thiệt mạng 180 người và khiến các cư dân vùng ven biển phải chuyển tới những nơi cao hơn. Theo các tài liệu của Đức vào thế kỉ 19, những gì còn lại của thị trấn Eidum vẫn có thể nhìn thấy vào lúc thủy triều xuống thấp, sau khi nó bị phá hủy cách đây hàng trăm năm.
Thành phố Oluos, bờ biển Hy Lạp
Nằm ở ngoài khơi bờ biển Hy Lạp, đảo Crete thời xưa có kích thước lớn hơn ngày nay rất nhiều lần. Do sự ăn mòn và xâm thực của biển, cùng với những trận động đất mà nhiều phần của hòn đảo này đã chìm xuống biển. Từ đó mà Crete trở thành điểm đến yêu thích của các khách du lịch muốn khám phá di tích thành phố và các công trình chìm sâu dưới nước. Một trong số đó là thành phố Oluos, một thành phố rất thịnh vượng với 40 nghìn cư dân. Tuy phát triển tương đương với các thành phố khác về mặt công nghiệp, buôn bán và kiến trúc, Oluos lại có một điểm yếu chết người. Thành phố này được xây dựng trên một bờ biển cát, thay vì trên nền móng đá vôi như các thành phố khác trên đảo. Ngày nay, các thợ lặn có thể dễ dàng tiếp cận phần còn lại của Oluos ở khu vực vịnh Poros. Đáng chú ý nhất là bức tường thành cổ của thành phố, nó vẫn nổi lên trên mặt nước mỗi khi thủy triều rút.
Rungholt, bờ biển nước Đức
Một số thị trấn trên đảo bị chìm dần xuống biển do tác động xâm thực của sóng biển. Nhưng đôi khi có cả một hòn đảo biến mất vào lòng đại duơng, ko để lại dấu vết nào. Đó là trường hợp của quần đảo Strand nằm trên biển Bắc, bị phá hủy trong một trận bão đầu thế kỉ 17. Vì hòn đảo không còn, ngoại trừ một vài cù lao rải rác, rất khó để xác định vị trí của thành phố Rungholt – thành phố được coi là duy nhất trên đảo. Năm 1362, trên biển Bắc xảy ra trận bão lịch sử có tên Grote Mandrenke, đó là một trận bão khủng khiếp quét qua bờ biển nước Anh, Đức và Hà Lan. Với con số nạn nhân ước tính lên tới 25 nghìn người, trận bão cũng đã xóa sạch Rungholt khỏi bản đồ. Trong 700 năm tiếp theo, các thợ lặn đã tìm thấy các tàn tích của Rungholt, nhưng bản thân thành phố này thì chưa bao giờ được tìm thấy.
Saeftinghe, bờ biển Hà Lan
Thành phố Saeftinghe của Hà Lan có một lịch sử đầy sóng gió. Vào thế kỉ 13, một vùng đầm lầy rộng lớn đã được cải tạo để có thể thêm đất sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi. Trong hàng trăm năm, khu vực đó trở nên đặc biệt thịnh vượng. Nhưng vào năm 1570, một trận lụt khủng khiếp đã xóa sạch mọi vùng đất xung quanh Saeftinghe. Thành phố này thoát khỏi trận lụt một cách kì diệu, nhưng chỉ chưa tới 15 năm sau, chính người Hà Lan đã nhấn chìm thành phố này khi họ phá hủy những con đê trong cuộc chiến 80 năm. Ngày nay, khu vực Saeftinghe là bãi lầy và châu thổ trải rộng trên diện tích 3850 hecta. Đã có nhiều nỗ lực để khai quật thành phố này nhưng chưa có ai thành công. Hiện vẫn có các tour di lịch đưa khách thăm quan tới gần khu vực này, nhưng người ta đã cấm việc đi vào “vùng đất chìm Saeftinghe” nếu không có hướng dẫn viên đi cùng vì việc này rất nguy hiểm. Các đợt thủy triều thường bất ngờ ập tới, vượt sâu vào đất liền tới cả cây số chỉ trong vài phút, nhấn chìm toàn bộ khu vực dưới một lớp nước sâu.
Vương quốc Dian, hồ Fuxian Trung Quốc
Năm 2001, một nhóm các nhà khảo cổ làm việc tại hồ Fuxian (Trung Quốc) đã phát hiện ra một loạt các công trình xây dựng chìm sâu dưới đáy hồ. Người dân địa phương thường nói về việc có thể thấy một thành phố mờ ảo dưới mặt nước vào những ngày lặng sóng, và qua nhiều năm, các câu chuyện này đã mang thêm màu sắc huyền thoại. Trong các cuộc lặn thám hiểm sau đó, các nhà khảo cổ đã tìm thấy các bức tường thành, đường phố lát đá, và tàn tích của cả một thành phố trải rộng trên diện tích 6.5 km2. Sử dụng phương pháp xác định niên đại carbon trên các bình gốm, họ xác định rằng tàn tích này đã gần 1750 năm tuổi. Các nhà khoa học cho rằng một phần thành phố đã vỡ ra, trôi xuống lòng hồ và được bảo tồn trong một thời gian dài.
Phan Hạnh Theo Listverse
Nguồn: Dân Trí