Chuyện thú vị không ngờ từ những mẫu hóa thạch
Có rất nhiều chuyện thú vị đằng sau một mẫu hóa thạch. Ví như chuyện, hai con voi ma-mút chiến đấu tới chết để giành con voi cái, và đã cùng bị hóa thạch…
Các loài thú cổ đại trong trận chiến sinh tồn
Nếu bạn từng đến một bảo tàng lịch sử tự nhiên, chắc chắn bạn đã có cơ hội được thấy những bộ xương khủng long được sắp xếp như đang trong một trận chiến sinh tử. Tất nhiên, chúng ta không thể tái dựng được những cảnh như vậy ngay từ đầu mà cần phải có trí tưởng tượng phong phú để có thể dựng nên. Và thật may mắn khi vào năm 1971, các nhà khoa học đã vô tình tìm được mẫu hóa thạch của một con khủng long Protoceratop trong một trận chiến ác liệt với một con Velociraptor tại sa mạc Gobi. Mẫu hóa thạch được bảo tồn nguyên vẹn với nanh vuốt của Velociraptor ở trong cổ con Protoceratop và chân nó bị gãy trong hàm của con mồi. Chúng bị chôn chặt khi đang giao chiến do một vụ lở đất, và ngày nay mẫu vật “khủng long giao chiến” được coi là tài sản quốc gia của Mông Cổ.
Bộ xương hóa thạch nguyên vẹn ghi lại cuộc chiến của 2 loài khủng long thời cổ đại tìm thấy tại Mông Cổ
Ngoài ra, năm 2006, một nhóm nghiên cứu ở Montana (Mỹ) đã đào được một mẫu hóa thạch lưu giữ trận chiến giữa khủng long Tyrannosaurus và khủng long Triceratops. Trận chiến giữa 2 loài khủng long này kết thúc với hàng loạt xương và răng bị gãy, cùng mạng sống của cả 2.
Một bộ hóa thạch khác ghi lại cuộc chiến đâu của 2 loài khung long cũng được tìm thấy ở Mỹ
2 con voi ma-mút chiến đấu tới chết để giành con voi cái
Năm 1962, một nhà nghiên cứu làm việc tại Nebraska, Mỹ, đã phát hiện những chiếc xương khổng lồ lộ ra trên mặt đất. Các nhóm nghiên cứu được gọi tới, và họ phát hiện ra một bộ xương ma-mút từ 12000 năm trước. Tuy nhiên, khi tiếp tục đào bới sâu hơn, họ đã phát hiện ra con voi ma-mút thứ hai, và cả 2 con voi đã chết trong tình trạng ngà bị kẹt vào nhau.
Bộ hóa thạch được nhóm nghiên cứu tại Mỹ phát hiện và di chuyển về bảo tàng Trailside.
Các nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết về việc tại sao 2 con voi ma-mút to lớn lại lâm vào tình trạng như vậy và kết luận thuyết phục nhất chính là chúng đã có một trận chiến sinh tử cùng nhau để gây ấn tượng với con cái. Nhưng họ không thể chứng minh giả thuyết của mình cho tới 40 năm sau, khi công nghệ hiện đại cho phép họ thực hiện các thí nghiệm chi tiết hơn. Các thí nghiệm cho thấy những con ma-mút này đã trưởng thành và đủ khả năng tham gia các hoạt động giao phối, và chúng chết vào thời điểm khi các hormone giới tính ở mức cao nhất. Sau khi khiến cho mình bị mắc kẹt, chúng đổ xuống và giữ chặt đối thủ cho tới khi kiệt sức để cố gắng thoát ra.
Hai con voi ma-mút đã chiến đấu cho tới chết và bị hóa thạch lại
Một cuộc diệt chủng lớn và đầy bất ngờ
Khoảng 10-12 triệu năm trước, thiên nhiên đã gây ra một thảm họa khủng khiếp, tiêu diệt một số lượng lớn các loài sinh vật ở Bắc Mỹ. Một núi lửa ở Idaho đã phát nổ với sức mạnh gấp 100 lần vụ nổ ở núi lửa St. Helens, phun mảnh vụn khắp hàng dặm vuông Bắc Mỹ. Cách đó gần 2000km, ở phía Bắc Nebraska, một đám mây tro bụi núi lửa rơi xuống. Tuy lớp tro bụi này không còn nóng bỏng hay độc hại, nhưng chúng gây ra một cái chết kéo dài và đau đớn do ngạt thở cho các loài sinh vật ở đây. Khi lớp tro ngừng rơi thì toàn bộ khu vực đã bị bao phủ bởi một lớp tro bụi dày. Đến năm 1971, khi nhà cổ sinh học Mike Voorhies tới đào bới một khu vực ở dưới lớp tro bụi dày 3-6m và ông đã phát hiện ra một hố chôn tập thể.
Một lượng lớn xương hóa thạch được các nhà khoa học tìm thấy trong cùng một khu vực
Trong 3 mùa đào bới, cái hố không đáy này lộ ra 200 bộ xương của ít nhất 17 loài động vật – cả một hệ sinh thái đã bị tiêu diệt ở đây. Hầu hết các bộ xương đều ở trạng thái nguyên vẹn và các dấu hiệu cho thấy các con vật đã chết do ngạt thở. Hơn 40 năm sau kể từ khi nơi này được phát hiện, chính phủ đã quy hoạch nơi đây thanh công viên quốc gia và vẫn cho các nhà khoa học tiếp tục đào bới và nghiên cứu. Ngoài ra những mẫu vật phát hiện được cũng được đặt ngay tại chỗ để du khách co thể thăm quan và chứng kiến khung cảnh này.
Nhện đang săn mồi
Khác với những mẫu hổ phách thông thường, mới đây các nhà khoa học đã phát hiện được những mẫu hổ phách còn khá nguyên vẹn, ghi lại khung cảnh những con nhện đang săn mồi. Đầu tiên là mẫu hổ phách được tìm thấy tại Myanmar có từ 100 triệu năm trước ghi lại cảnh một con nhện đang tấn công một con ong. Ngày nay, giống ong này là loài chuyên đẻ ấu trùng kí sinh vào trứng nhện.
Ngoài ra, các nhà khoa học còn tìm thấy ở Columbia khối hổ phách giam một chú bọ hung xấu số ở ngay bên cạnh cặp đôi nhện, điều vốn được cho là hiếm thấy xưa nay.
Phan Hạnh Theo Science Daily
Nguồn: Dân Trí